Bệnh bạch hầu là gì? Thông tin từ A đến Z về bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là gì? Thông tin từ A đến Z về bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng hơn nữa là tử vong. Vậy bệnh bạch hầu là gì? Bạn biết gì về căn bệnh nguy hiểm này? Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu có thể gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu từ đó làm giọng nói thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, trầm trọng hơn thì hôn mê dẫn tới tử vong. Ở một số trường hợp không được tiêm phòng hay điều trị kịp thời, 10% sẽ tử vong tuy đã được sử dụng kháng sinh và thuốc chống huyết thanh.

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, thanh quản, mũi, hầu họng và xảy ra do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu. Bệnh có thể biểu hiện trên da, các màng niêm mạc như kết mạc mắt hay bộ phận sinh dục.

Người bệnh nếu mắc phải sẽ xuất hiện lớp màng xám ở đường thở và vùng mũi, dẫn đến thở rít và tắc nghẽn. Đối với trẻ nhỏ còn xuất hiện tình trạng chảy máu mũi, độc tố bạch hầu gây tình trạng liệt cơ, thậm chí là tử vong.

Để phòng ngừa căn bệnh này hiện nay ở những nước tiên tiến như Mỹ đã có vaccine. Bên cạnh đó cũng có thuốc để điều trị tuy nhiên hiện tại nếu bệnh đang trong quá trình tiến triển sẽ dễ gây ảnh hưởng đến tim, hệ thần kinh của bệnh nhân. Tỉ lệ tử vong của người mắc bệnh này lên tới 3% dù đang trong quá trình điều trị.

Đối tượng dễ mắc bệnh:

- Người tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bạch hầu, đi đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa tiêm phòng vắc xin.

- Với trẻ sơ sinh tuy có miễn dịch thụ động từ người mẹ nhưng miễn dịch này sẽ mất đi khi bé 6 tháng – 1 tuổi nên vẫn có khả năng mắc bệnh nếu không được tiêm vắc xin.

- Trẻ dưới 15 tuổi vẫn có khả năng mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch.

Sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời tuy nhiên với đối tượng bị suy giảm miễn dịch tỷ lệ tái nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra khoảng 2 – 5%.

Bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc (Nguồn: Internet)

Đọc thêm:

Viêm tuyến mang tai là gì? Từ A đến Z về bệnh viêm tuyến mang tai

Hội chứng rubella bẩm sinh và tất tần tật những điều cần biết

2. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Nguyên nhân gây ra bệnh là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn sẽ tiết ra các độc tố gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể còn ổ chứa vi khuẩn có ở cả bệnh nhân và cả người bình thường mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa đồng thời cũng là nguồn truyền bệnh. Bệnh nhân thường đào thải vi khuẩn từ thời kỳ bắt đầu bệnh, thời kỳ lây bệnh có thể kéo dài khoảng 2 tuần. Còn người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3,4 tuần.

Do vi khuẩn bạch hầu lây phần lớn qua đường hô hấp nên tốc độ vô cùng nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh đã có thể lây bệnh cho người khác.

3. Biểu hiện của bệnh

Sau từ 2 - 5 ngày mắc bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng ban đầu như khó thở, sốt, đau họng, cổ có hạch bạch huyết, chảy nước mũi, cơ thể khó chịu,... Còn có một số trường hợp cá biệt là người bệnh không có các dấu hiệu cụ thể nào nên rất dễ lây lan tới cộng đồng.

Ca bệnh lâm sàng: Bé sẽ triệu chứng viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, họng... Khi khám sẽ thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu có màu trắng ngà hay màu xám bám chặt vào tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Bệnh bạch hầu là thể bệnh nặng ở trẻ em. Triệu chứng lâm sàng là giả mạc và toàn thân là nhiễm độc thần kinh, tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động ngoại biên. Người mắc bệnh bạch hầu thường bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Tùy thuộc vào vị trí bị bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các triệu chứng khác nhau:

Bệnh bạch hầu mũi trước: Sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu là những biểu hiện chính. Khi khám có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố ít vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan: Người bệnh lúc này cảm thấy mệt mỏi, đau họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày, vùng hầu họng sẽ có hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amidan. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây hiện tượng nhiễm độc toàn thân. Những trường hợp nặng người bệnh sẽ trở nên phờ phạc, mạch nhanh, hôn mê. Nếu không điều trị tích cực bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: Thể bệnh này tiến triển nhanh và cũng rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường có các triệu chứng điển hình là sốt, khàn tiếng, ho. Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại thanh quản hay từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử lý sớm, các giả mạc này có thể làm tắc đường thở và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Bạch hầu các vị trí khác: Thể này thường hiếm, có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo, ống tai.

Bên cạnh đó, còn có một loại bệnh bạch hầu thứ 2 với các biểu hiện ở vùng hầu như đau, sưng đỏ, xuất hiện mảng xám bao phủ. Bệnh này đặc biệt xảy ra với tần suất cao hơn ở những người có thói quen vệ sinh kém, sống trong môi trường đông đúc ở các nơi có khí hậu nóng ẩm.

Bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng bệnh - Ảnh 2.

Nguyên nhân gây ra bệnh là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae (Nguồn: Internet)

4. Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?

Bệnh lây phần lớn qua tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hay từ tổn thương da. Tỉ lệ bệnh thường cao hơn đặc biệt khi thời tiết lạnh. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Có 5% người bình thường có thể có vi khuẩn ở hầu họng sau khi khỏi bệnh. Đây là người mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện, điều này vô hình làm lây truyền bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó một số con đường lây lan phổ biến là:

Giọt bắn trong không khí:

Người bình thường dễ dàng bị lây bệnh thông qua giọt bắn trong không khí khi người mắc bệnh hắt hơi hoặc ho. Điều này còn dễ lây lan rộng hơn ở nơi tập trung đông người.

Vật dụng cá nhân của người bệnh:

Việc tiếp xúc chung những vật dụng cá nhân của người bệnh như bàn chải, cốc uống nước,... đều có khả năng bị lây lan bệnh. Bên cạnh đó, khi chạm vào vết thương nhiễm trùng của người bệnh cũng dẫn đến bị truyền bệnh. Thông thường trong vòng 6 tuần, dù bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng nhưng hoàn toàn có thể lây lan bệnh cho người khỏe mạnh.

5. Biến chứng của bệnh bạch hầu là gì

Các biến chứng của bệnh bạch hầu đều là hậu quả của độc tố. Phổ biến nhất của bệnh là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể diễn ra khi bệnh toàn phát hay cũng có thể diễn ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xảy ra sớm trong thời gian đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường tác động đến dây thần kinh vận động và có khả năng hồi phục nếu người bệnh không tử vong vì biến chứng khác. Vào tuần thứ 3 của bệnh có thể có hiện tượng liệt màn khẩu cái (màn hầu) và liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ hoành, cơ chi xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh.

Biến chứng đường thở: Mũi và cổ họng có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức do độc tố của bệnh gây tổn thương ở khu vực nhiễm trùng. Mảng xám bao phủ nói trên chính là vi khuẩn, tế bào chết và các thành phần gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp.

Với trẻ em, các biến chứng có thể xảy ra là viêm kết mạc mắt, suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp.

6. Phương pháp chẩn đoán bệnh

Khi kiểm tra nếu thấy người bệnh có xuất hiện mảng màu xám, bác sĩ sẽ lấy mẫu ở mô vết thương và họng và mang đi xét nghiệm. Việc điều trị bệnh sẽ lập tức diễn ra khi có các dấu hiệu nghi ngờ, điều này được thực hiện dù trong trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.

7. Cách điều trị

7.1. Kháng độc tố

Người bệnh sẽ được trung hòa ngoại độc tố bằng kháng độc tố bệnh bạch hầu. Tùy theo bệnh mà bệnh nhân được chỉ định tiêm huyết thanh từ 20.000 đơn vị đến 100.000 đơn vị.

Bệnh nhân cũng được theo dõi hô hấp vì có khả năng tắc nghẽn đường thở. Bên cạnh đó, người bệnh nên được theo dõi bằng điện tâm đồ nối tiếp và đo các enzyme tim phản ánh mức độ của tổn thương cơ tim.

7.2. Kháng sinh

Với trẻ em sẽ được tiêm penicillin G liều 25.000 - 50.000 đơn vị/kg/ngày còn người lớn là 1,2 triệu đơn vị, chia thành 2 lần/ngày. Nếu người bệnh dị ứng với penicillin thì chuyển sang sử dụng erythromycin với liều 40-50 mg/kg/ngày, tối đa 2 gam/ngày trong 7 ngày liền.

Điều trị cho người lành có vi khuẩn: Tiêm liều đơn penicillin G benzathin 600.000 đơn vị cho bé dưới 6 tuổi và 1,2 triệu đơn vị cho bé từ 6 tuổi trở lên hay uống erythromycin với liều 40 mg/kg/ngày cho trẻ và 1gam/ngày cho người trưởng thành trong 7-10 ngày.

7.3. Liệu pháp oxy

Nếu bệnh nhân tắc nghẽn đường thở sẽ được bác sĩ chỉ định áp dụng liệu pháp sử dụng oxy. Bên cạnh đó, đường thở của trẻ dễ bị tắc nghẽn do sử dụng catheter mũi (ống thông mũi) hay mũi.

7.4. Đặt nội soi/Mở khí quản

Nếu các trường hợp như thở rút lõm ngực nặng hay bứt rứt thì bệnh nhân sẽ được áp dụng đặt nội soi hoặc mở khí quản. Tuy nhiên đặt nội soi có thể dẫn đến tình trạng là giả mạc bong tróc và không thể hết được tắc nghẽn.

7.5. Điều trị hỗ trợ

- Khi trẻ bị sốt trên 39 độ có thể bác sĩ chỉ định sử dụng paracetamol.

- Lúc này trẻ nên ăn và được uống đầy đủ để cơ thể có sức đề kháng chống lại bệnh.

- Nếu gặp phải tình trạng khó nuốt thì có thể áp dụng ống sonde mũi dạ dày.

- Nếu không cần thiết thì không nên thăm khám bệnh nhân quá nhiều hay áp dụng các thủ thuật xâm lấn.

7.6. Theo dõi triệu chứng bệnh

Để theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng hô hấp thì bệnh nhân được chỉ định theo dõi với bác sĩ 2 lần/ngày và mỗi 3 tiếng nên có điều dưỡng.

8. Cách phòng bệnh bạch hầu

Bạn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm phòng vaccine. Hiện nay tại Việt Nam chưa có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu mà chỉ có vaccine phối hợp với thành phần kháng bệnh như:

Ở Chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR)

- Vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – Hib – uốn ván - viêm gan B : tiêm khi bé 2, 3, 4 tháng tuổi.

- Vaccine phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván: tiêm khi bé 16-18 tháng tuổi.

- Vaccine bạch hầu – uốn ván cho nhóm người có nguy cơ cao, chỉ được dùng trong chiến dịch khi có dịch bệnh.

Về vaccine dịch vụ

- Vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà - bại liệt – Hib – viêm gan B hay vaccine 5 trong 1 phòng bệnh trên nhưng không có viêm gan : tiêm khi bé 2, 3, 4 tháng tuổi và khi bé 16-18 tháng tuổi.

- Vaccine 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt: khi bé 4-6 tuổi.

- Vaccine phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván: đối với bé trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyên nên tiêm nhắc mũi vaccine này mỗi 10 năm một lần.

Bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng bệnh - Ảnh 3.

Bạn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm phòng vaccine (Nguồn: Internet)

9. Nên ăn và không nên ăn thực phẩm nào?

9.1. Người bệnh nên ăn gì?

- Không nên ăn các thực phẩm sống mà hãy thực hiện lối sống ăn chín - uống sôi để hệ miễn dịch tránh nhiễm khuẩn. Điều này áp dụng cả với rau củ, thịt động vật, trứng,...

- Sử dụng nguồn nước lọc tinh khiết, đảm bảo trong sinh hoạt hàng ngày. Tương tự với sữa hãy dùng loại sữa tiệt trùng từ các thương hiệu uy tín.

- Trái cây là nguồn dinh dưỡng tốt cung cấp các nhóm vitamin và khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch nên hãy ưu tiên cho nhóm thực phẩm này vào thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên bạn hãy chọn lọc nguồn vào chất lượng cũng trước khi sử dụng cần phải rửa sạch và khử trùng kỹ.

9.2. Không nên ăn gì?

- Tuyệt đối không nên ăn các thực phẩm sống bởi cơ thể rất dễ nhiễm khuẩn, gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch và sức khỏe.

- Các thực phẩm vốn lợi khuẩn, tốt cho đường ruột với người bình thường như sữa khỏe nhưng lại gây ảnh hưởng xấu với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu do chúng có men sống. Tương tự với dưa cà muối.

Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi bệnh bạch hầu là gì? Bệnh có thể xảy ra đối với mọi lứa tuổi nên bạn cần đặc biệt để ý đến những dấu hiệu của bệnh để kịp thời điều trị.


Tác giả: Trang Lê