Bệnh bạch cầu và ung thư hạch có những điểm khác biệt nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh bạch cầu và ung thư hạch có những điểm khác biệt nào?
Bệnh bạch cầu và ung thư hạch thường được phân biệt nhờ những khác biệt trong triệu chứng và yếu tố rủi ro. Do những đặc điểm khác biệt này mà cách điều trị của mỗi căn bệnh cũng có sự khác nhau.

Bệnh bạch cầu và ung thư hạch đều là các dạng ung thư máu. Sự khác biệt chính là bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến máu và tủy xương, trong khi ung thư hạch có xu hướng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.

Mặc dù có một số điểm tương đồng giữa hai loại ung thư, nhưng nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và tỷ lệ sống của chúng là khác nhau. Bài viết này sẽ khái quát một cách toàn diện về những điểm giống nhau và khác nhau giữa bệnh bạch cầu và ung thư hạch.

1. Khái niệm bệnh bạch cầu và bệnh ung thư hạch

Bệnh bạch cầu và ung thư hạch đều ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh bạch cầu thường xảy ra khi tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu bất thường. Có thể nói, đây là một loại ung thư phát triển chậm, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh hơn.

Các tế bào bạch cầu bất thường của người bệnh sẽ không chết đi trong một chu kỳ bình thường. Thay vào đó, chúng nhân lên nhanh chóng, chiếm lấy không gian của các tế bào hồng cầu cần thiết để mang oxy qua cơ thể.

Có 4 loại bệnh bạch cầu chính, được phân loại theo tốc độ tăng trưởng và vị trí xuất hiện của ung thư:

- Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính.

- Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính.

- Bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

- Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính

Bệnh ung thư hạch là gì?

Ung thư hạch bắt đầu trong hệ thống miễn dịch và ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết và tế bào lympho. Có 2 loại tế bào lympho chính là tế bào B và tế bào T.

Bệnh ung thư hạch được chia thành 2 loại chính là:

- Ung thư hạch Hodgkin: Liên quan đến một loại tế bào B bất thường, cụ thể là tế bào Reed-Sterberg. Loại ung thư hạch này ít phổ biến hơn so với ung thư hạch không Hodgkin.

- Ung thư hạch không Hodgkin: Có thể bắt đầu ở cả tế bào B hoặc tế bào T.

Những loại ung thư này được phân biệt dựa trên nguồn gốc của tế bào ung thư và mức độ tiến triển của chúng.

2. Dấu hiệu nhận biết của bệnh bạch cầu và ung thư hạch

Tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu mà các triệu chứng sẽ khác nhau hoặc không thực sự rõ ràng. Nhưng nhìn chung, bệnh vẫn có thể được nhận biết nhờ những dấu hiệu sau:

- Hạch bạch huyết mở rộng.

- Khó thở.

- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.

- Sốt.

- Chảy máu mũi hoặc nướu.

- Hiện tượng hoa mắt, chóng mặt.

- Nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm trùng khó lành.

- Da dễ bị bầm tím.

- Ăn không ngon.

- Sút cân.

- Sưng ở vùng bụng.

- Xuất hiện các đốm màu trên da.

- Đau xương.

- Đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm.

Trong khi đó, các triệu chứng của ung thư hạch thường khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư. Triệu chứng ung thư hạch Hodgkin có thể bao gồm:

- Xuất hiện các cục dưới da ở háng, cổ hoặc nách.

- Sốt.

- Giảm cân mất kiểm soát.

- Mệt mỏi.

- Đổ mồ hôi ban đêm.

- Ăn không ngon.

- Ho hoặc khó thở.

- Tình trạng ngứa dữ dội.

Ung thư hạch không Hodgkin lại được biểu hiện như sau:

- Hiện tượng sưng ở vùng bụng.

- Chán ăn và sút cân.

- Sốt và ho.

- Hạch bạch huyết mở rộng.

- Mệt mỏi.

- Khó thở.

- Đau hoặc tức ngực.

- Thường xuyên đổ mồ hôi và cảm thấy ớn lạnh.

3. Sự khác biệt trong các yếu tố rủi ro của bệnh bạch cầu và ung thư hạch

Bệnh bạch cầu và bệnh ung thư hạch có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Bệnh bạch cầu mãn tính thường phổ biến hơn ở người lớn. Ngược lại, trẻ em có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Trên thực tế, bệnh bạch cầu cấp tính là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Các yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu bao gồm:

- Rối loạn di truyền.

- Tiền sử bệnh của gia đình.

- Từng tiếp xúc với một số loại hóa chất.

- Từng được xạ trị hoặc hóa trị trước đó.

- Hút thuốc lá.

Trong khi đó, ung thư hạch lại có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ung thư hạch Hodgkin thường xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 40 hoặc sau tuổi 50. Ung thư hạch không Hodgkin có thể xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là người lớn tuổi. Các yếu tố nguy cơ của ung thư hạch Hodgkin gồm:

- Tiền sử bệnh của gia đình.

- Hệ thống miễn dịch suy yếu.

- Nhiễm trùng trước đó với virus Epstein-Barr (EBV)

- HIV lây nhiễm.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư hạch không Hodgkin có thể kể đến:

- Hệ thống miễn dịch suy yếu.

- Tiếp xúc với một số hóa chất.

- Nhiễm trùng Helicobacter pylori mãn tính.

- Từng xạ trị hoặc hóa trị trước đó.

- Có các căn bệnh tự miễn.

4. Sự khác biệt trong chẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu và ung thư hạch

Bệnh bạch cầu và bệnh ung thư hạch thường được chẩn đoán với các phương pháp khác nhau. Nhưng cả hai đều yêu cầu ghi lại lịch sử y tế và làm các kiểm tra thể chất.

Để chẩn đoán bệnh bạch cầu, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để tìm số lượng máu bất thường. Đồng thời, các bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện sinh thiết tủy xương.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn mắc ung thư hạch, họ sẽ lấy sinh thiết từ mô nghi bị ảnh hưởng. Thủ tục này yêu cầu gây mê toàn thân, nhưng bác sĩ có thể sử dụng gây tê tại chỗ.

Bệnh bạch cầu và bệnh ung thư hạch đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Loại ung thư bạch cầu và ung thư hạch cũng sẽ tạo ra sự khác biệt trong cách điều trị. Bệnh bạch cầu mãn tính thường không được điều trị ngay lập tức. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chủ động theo dõi sự tiến triển của tế bào ung thư. Đây là cách tiếp cận phổ biến nhất với bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính. Khi điều trị được thực hiện, bác sĩ có thể sử dụng:

- Hóa trị.

- Xạ trị.

- Ghép tế bào gốc.

- Liệu pháp nhắm mục tiêu.

- Liệu pháp sinh học.

Ung thư hạch Hodgkin thường dễ dàng để điều trị hơn ung thư hạch không Hodgkin, đặc biệt là trước khi nó lan ra từ các hạch bạch huyết. Phương pháp điều trị được sử dụng cho cả ung thư hạch Hodgkin và không Hodgkin bao gồm:

- Xạ trị.

- Hóa trị.

- Sử dụng thuốc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào bất thường.

- Liệu pháp nhắm mục tiêu.

- Liệu pháp miễn dịch.

- Hóa trị liệu liều cao và ghép tế bào gốc.

- Phẫu thuật.

Bệnh bạch cầu và bệnh ung thư hạch có một số điểm tương đồng khiến nhiều người nhầm lẫn. Tuy nhiên, 2 căn bệnh này vẫn có thể phân biệt được nhờ một số yếu tố đặc trưng. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn phân biệt được 2 căn bệnh nguy hiểm này.

Bài dịch: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321692.php


Tác giả: Thùy Dung