Bệnh bạch cầu mãn tính là gì và phân loại bạch cầu mãn tính

Bệnh bạch cầu mãn tính là gì và phân loại bạch cầu mãn tính
Bệnh bạch cầu mãn tính là một trong các dạng của bệnh bạch cầu. Bệnh thường không có các biểu hiện triệu chứng rầm rộ và có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách.

1. Bệnh bạch cầu mãn tính là gì?

Nếu như bệnh bạch cầu cấp tính là bệnh bạch cầu xảy ra ở giai đoạn đầu của quá trình biệt hóa bạch cầu tạo nên các tế bào bạch cầu không có chức năng, thì bệnh bạch cầu mãn tính lại là bệnh bạch cầu xảy ra ở những tế bào bạch cầu khá phát triển. Ở bệnh nhân bệnh bạch cầu mãn tính các tế bào bạch cầu vẫn được biệt hóa ở mức độ nhất định, có thể thực hiện một phần chức năng.

Vì vậy, bệnh bạch cầu mãn tính thường ít gây nên các triệu chứng rầm rộ như khi bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính, thậm chí bệnh nhân không cần phải thực hiện điều trị triệu chứng nếu chúng không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.

2. Các dạng bệnh bạch cầu mãn tính

Bệnh bạch cầu mãn tính thường được chia làm hai dạng chính bao gồm bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính và bệnh bạch cầu dòng lympho mãn tính.

- Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy: Là bệnh bạch cầu do sự bất thường của các tế bào bạch cầu bên trong tủy xương. Ở dạng bệnh này, các tế bào bạch cầu trong tủy xương bị rối loạn biệt hóa khi ở giai đoạn khá muộn, do đó trông chúng có vẻ ngoài gần giống như các tế bào bạch cầu bình thường tuy nhiên khả năng thực hiện chức năng lại yếu kém hơn rất nhiều.

Bệnh thường hay gặp ở các đối tượng bệnh nhân trẻ tuổi hơn là những bệnh nhân lớn tuổi, do có sự liên hệ chặt chẽ của bệnh với nhiễm sắc thể Philadenphia. Khi có các yếu tố thúc đẩy bất ngờ, bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy có thể tiến triển thành bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy.

- Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho: Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là bệnh xảy ra trên các tế bào bạch cầu lympho của cơ thể. Ở dạng bệnh này, sự sản xuất bạch cầu lympho không diễn ra quá tràn lan như khi bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Vì vậy không có hiện tượng tràn ngập tế bào lympho trong lòng mạch của người bệnh.

Người bệnh có thể cảm rất ít các triệu chứng bất thường không điển hình như không khỏe trong người, mệt mỏi, chán ăn, sốt,...Hoặc thậm chí không hề có các biểu hiện gì của bệnh cho đến khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn. Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho hầu như chỉ xảy ra ở người lớn và rất hiếm gặp ở trẻ em.

3. Bệnh bạch cầu mãn tính chữa được không?

Nhìn chung nếu được chẩn đoán và điều trị tích cực với đúng phương pháp, cả bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy và dòng lympho đều cho các kết quả điều trị khá khả quan.

Ở bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy, nếu được điều trị sớm bệnh nhân có thể kéo dài thời gian sống đến hơn 8 năm. Còn đối với bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho, thời gian sống của bệnh nhân có thể được kéo dài nếu điều trị kịp thời là từ 10 cho đến 20 năm. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng lúc, thời gian sống kỳ vọng của bệnh nhân có thể giảm xuống rất nhanh.

Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu mãn tính hiện nay trên lâm sàng khá đa dạng, tủy thuộc vào thể bệnh là dòng tủy hay dòng lympho mà sẽ sử dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Ghép tủy, sử dụng tác nhân sinh học, hóa trị là những phương pháp thường dùng để điều trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy, trong khi đó hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân bệnh bạch cầu dòng lympho.

Có thể thấy rằng, bệnh bạch cầu mãn tính là mặc dù là bệnh lý ác tính nhưng lại có thể được kiểm soát hữu hiệu nếu phát hiện và điều trị đúng.


Tác giả: QN