Bế sản dịch là gì? Bị bế sản dịch sau sinh mổ có nguy hiểm không?

Bế sản dịch là gì? Bị bế sản dịch sau sinh mổ có nguy hiểm không?
Bế sản dịch là tình trạng xảy ra ở giai đoạn hậu sản. Bế sản dịch nếu như không được phát hiện và xử lý kịp thời không những khiến mẹ sau sinh cảm thấy khó chịu mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Sau sinh, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe. Bế sản dịch là một trong những rủi ro thường gặp. Tình trạng này xuất hiện ở cả những phụ nữ sinh thường và sinh mổ.

Vậy bế sản dịch là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu những vấn đề này để có cách phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cho những mẹ sau sinh tốt nhất.

1. Bế sản dịch là gì?

Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch ở những người phụ nữ sau sinh thường hay sau sinh mổ không thoát ra ngoài được mà còn ứ đọng lại trong tử cung. Bế sản dịch hay còn gọi là tắc sản dịch nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, phổ biến là tình trạng nhiễm khuẩn sản dịch, rối loạn đông máu… là những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng sản phụ.

Phụ nữ sinh thường hay sinh mổ đều có thể gặp tình trạng bế sản dịch vì dù sinh theo phương pháp nào thì sản phụ đều tiết sản dịch sau khi sinh. Theo đó, sản dịch bao gồm các thành phần là máu, nước ối còn sót lại, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung, dịch tiết cổ tử cung.

Tất cả những thành phần này sẽ chảy theo đường âm đạo ra ngoài và kéo dài bao lâu tùy thuộc vào cơ địa từng người, trung bình khoảng 2 đến 6 tuần. Sản dịch màu đỏ tươi sẽ giảm dần ở vài tuần đầu tiên sau khi sinh dần dần trở nên ít đi cho tới khi biến mất hoàn toàn.

Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 1.

Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch ở những người phụ nữ sau sinh không thoát ra ngoài được mà còn ứ đọng lại trong tử cung - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Sau sinh bao lâu thì hết sản dịch? Mẹ sau sinh cần lưu ý gì khi còn sản dịch?

Bảo vệ sức khỏe sau sinh, mẹ cần biết cách nhanh hết sản dịch

2. Triệu chứng của bế sản dịch

Với những sản phụ vừa mới vượt cạn, trong vài ngày đầu sau khi sinh, cơ thể sẽ đẩy ra một lượng máu khá lớn. Lượng máu này có màu đỏ tươi và trông giống như kinh nguyệt, kèm theo những cục máu đông nhỏ.

Quá trình bế sản dịch của sản phụ thường kéo dài trong khoảng từ 20 đến 30 ngày tùy vào cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, với hầu hết những người phụ nữ sau sinh, đến khoảng ngày thứ 12 trở đi thì sản dịch sẽ có màu nhợt dần đi và đáy tử cung sẽ không sờ thấy được nữa.

Dưới đây là những dấu hiệu của bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường:

- Xuất hiện ít sản dịch chảy ra, sản dịch có mùi hôi do bị nhiễm trùng.

- Có cục cứng khi sờ bụng.

- Cơ thể sốt nhẹ.

- Cảm giác căng tức, đau vùng hạ vị.

- Cổ tử cung bị đóng kín, khi dùng tay nong tử cung thì có sản dịch màu đen và hôi, có cảm giác đau khi ấn đáy tử cung.

Không chỉ sinh mổ mới xuất hiện tình trạng bế sản rất nhiều sản phụ bị bế sản dịch sau sinh thường. Bế sản dịch là một trong những tình trạng hậu sản hết sức nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường, các sản phụ cần tới bác sĩ thăm khám để tránh những biến chứng nguy hiểm.

3. Nguyên nhân của bế sản dịch sau sinh

Có nhiều sản phụ bị bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm các nguyên nhân sau:

- Sản phụ sinh mổ:

Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bế sản dịch vì phương pháp sinh mổ khiến sản phụ mất nhiều máu hơn so với sinh thường. Hơn nữa, khi sinh mổ, tử cung lại co bóp kém nên sản dịch khó được đẩy ra hết, gây ách tắc lại trong tử cung, gây ra bế sản dịch.

Bế sản dịch là gì? Bị bế sản dịch sau sinh mổ có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Sản phụ sinh mổ thường bị bế sản dịch - Ảnh Internet

- Các biến chứng sau sinh:

Những biến chứng xảy ra trong lúc sinh và sau khi sinh như thai to, đa ối, đa thai, thời gian chuyển dạ kéo dài....là những yếu tố khiến sản phụ dễ bị bế sản dịch.

- Sản phụ có sức khỏe yếu và chế độ hậu sản không tốt:

Phụ nữ sau sinh có sức khỏe kém phải nằm một chỗ, hay những sản phụ ít vận động đi lại, vệ sinh vùng kín không đúng cách khiến nhiễm trùng....cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị bế sản dịch.

Ngoài ra, bế sản dịch xảy ra còn do những nguyên nhân khách quan khác như trương lực cơ tử cung kém, cổ tử cung bị đóng kín...là nguyên nhân khiến sản dịch không thể thoát ra ngoài, gây nên tình trạng tắc sản dịch sau sinh.

4. Bế sản dịch có nguy hiểm không? Cách điều trị bế sản dịch

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bế sản dịch sau sinh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn máu, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, thậm chí trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Chính vì thế, các sản phụ sau sinh cần đặc biệt chú ý đến thời kỳ hậu sản của mình. Trong trường hợp phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không nên chủ quan mà phải đi khám ngay để có hướng điều trị và xử lý đúng cách.

Khi bị bế sản dịch, sản phụ không thể tự điều trị tại nhà mà phải tới các cơ sở y tế để thăm khám và chỉ định can thiệp phù hợp. Theo đó, các bác sĩ thường điều trị bế sản dịch bằng các phương pháp sau:

- Nong cổ tử cung:

Phương pháp điều trị bế sản dịch đầu tiên là nong cổ tử cung. Theo đó, các bác sĩ thực hiện nong cổ tử cung bằng cách đưa dụng cụ chuyên khoa vào để lấy hết phần tế bào, dịch ứ đọng ở bên trong tử cung ra bên ngoài.

Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 2.

Nong cổ tử cung là một trong những biện pháp điều trị tình trạng bế sản dịch - Ảnh Internet.

- Dùng thuốc kích thích co bóp tử cung:

Như đã nói, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng tắc sản dịch là do tử cung co bóp kém, không đẩy được sản dịch ra ngoài. Vì thế, khi điều trị bế sản dịch, bác sĩ có thể cho can thiệp bằng các loại thuốc giúp kích thích tử cung co bóp mạnh để đẩy hết các chất còn sót lại ra ngoài.

- Hút dịch tử cung:

Các bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên khoa (ống hút) để hút hết sản dịch ra ngoài. Lưu ý ống hút này cần được vô trùng tuyệt đối vì sản phụ sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này nếu dụng cụ bị nhiễm trùng.

5. Làm sao để phòng ngừa bế sản dịch sau sinh?

Để hạn chế tình trạng bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường, các sản phụ cần lưu ý các vấn đề sau:

- Vệ sinh hợp lý và đúng cách:

Sản dịch tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng có hại phát triển rất nhanh, từ đó dễ gây ra viêm nhiễm âm đạo và tử cung. Vì vậy, các sản phụ cần vệ sinh vùng kín đúng cách, thường xuyên thay băng vệ sinh, vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi lần thay băng và giữ cho vùng kín luôn khô ráo.

- Vận động nhẹ nhàng, tránh nằm nhiều:

Một trong những cách đẩy sản dịch đơn giản mà hiệu quả chính là vận động một cách nhẹ nhàng. Mặc dù nghỉ ngơi giúp sản phụ nhanh lại sức nhưng nếu không muốn bị bế sản dịch thì các mẹ nên vận động nhẹ nhàng và liên tục.

- Cho con bú càng sớm càng tốt:

Việc cho con bú sớm không những mang nhiều nhiều lợi ích về sức khỏe cho con mà còn giúp kích thích tử cung co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý:

Các sản phụ nên có thực đơn ăn uống riêng, không chỉ giúp lợi sữa mà cần chú trọng vào các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ quá trình co bóp tử cung, giúp đẩy sản dịch ra ngoài. Các thực phẩm đó bao gồm rau ngót, rau dền, ngải cứu, đu đủ xanh, nghệ....

Ngoài ra, để phòng ngừa bế sản dịch sau sinh mổ và sinh thường, các sản phụ cần lưu ý cần tránh các thói quen sau: nằm bắt chéo chân ngay sau khi sinh, nịt bụng quá chặt, lau vùng kín bằng các loại giấy thô, khăn ướt có mùi hương, hóa chất, tự ý dùng xà phòng hay dung dịch vệ sinh, thụt rửa âm đạo, sử dụng tampon trong 4 – 6 tuần sau sinh....

Trong trường hợp, sản phụ sau sinh thấy lượng sản dịch ra ít, kèm theo các các biểu hiện bất thường như: sốt nhẹ, sờ bụng thấy có cục cứng, căng đau vùng hạ vị thì nên đến các cơ sở y tế càng sớm cáng tốt để được thăm khám và điều trị nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Trên đây là tống hợp những thông tin về bế sản dịch sau sinh. Nắm chắc được những kiến thức này sẽ giúp các sản phụ biết cách phòng tránh tình trạng bế sản dịch cũng như cách xử lý khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường.


Tác giả: Ngọc Điệp