Ước tính khoảng 25 đến 54% dân số thế giới có thói quen bẻ khớp ngón/cổ tay. Đàn ông thường thực hiện nhiều hơn phụ nữ.
Khi cảm thấy mỏi, tê cứng các bộ phận này hoặc sau khi làm một công việc nào đó lâu, việc bẻ khớp khiến chúng ta thấy thoải mái, dễ chịu hơn và đặc biệt khi nghe tiếng kêu răng rắc, tanh tách rất vui tai.
Nhưng có nhiều ý kiến có rằng thói quen này là xấu, dẫn đến đau nhức và viêm khớp sau này. Bẻ khớp tay có gây hại cho sức khỏe không? Dưới đây là ý kiến của chuyên gia.
Khớp tay nằm giữa hai xương của ngón tay, chứa dịch khớp. Dịch khớp này là chất lỏng chứa nitơ và carbon dioxid, có tác dụng bôi trơn vùng tiếp xúc giữa các khớp xương và giảm ma sát để hỗ trợ chuyển động của cơ thể.
Khi bẻ khớp tay, tiếng "rắc" mà bạn nghe thấy thực chất là do các bong bóng nhỏ trong dịch khớp bị nổ.
"Tiếng rắc của bẻ ngón tay thực ra là bong bóng nitơ nổ trong dịch khớp của chúng ta", tiến sĩ Robert Klapper, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (Mỹ), giải thích.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng có một yếu tố khác có thể góp phần vào việc tạo ra âm thanh này. Theo đó, bong bóng không hoàn toàn vỡ ngay sau âm thanh này, còn một nghiên cứu khác cho thấy âm thanh này do chất dịch khớp đổ vào khoang.
"Quá trình bẻ khớp khiến bề mặt khớp đột nhiên tách ra, không có thêm chất dịch khớp để lấp đầy khối lượng khớp, thì một khoang được tạo ra và âm thanh rắc rắc cũng phát sinh từ đây", Greg Kawchuk, giáo sư tại Đại học Alberta (Canada) nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bẻ khớp tay mang lại cảm giác dễ chịu bởi khớp được kéo căng, kích thích dây thần kinh trong ngón tay.
Ngoài ra, thói quen này tác động trực tiếp vào một bó gân gần khớp tên là Golgi – chứa những dây thần kinh liên quan đến cảm giác chuyển động. Khi bẻ khớp, gân này được kích thích làm thư giãn cơ bắp xung quanh, khiến chúng ta có cảm giác thoải mái và dễ chịu.
Thông thường, phải sau 25-30 phút kể từ khi bẻ các khớp kêu như vậy, bạn mới có thể bẻ lại được lần nữa. Bởi các hạt khí bong bóng này cần 1 khoảng thời gian nhất định mới hình thành trở lại như cũ – vì dịch khớp cần thời gian để bôi trơn trở lại trạng thái như cũ.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi là liệu thực hiện thói quen này thường xuyên có phải là nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp và các vấn đề liên quan hay không.
Nhiều công trình đã chứng minh không có mối liên hệ giữa bẻ khớp tay và viêm khớp, đáng chú ý là nghiên cứu được đăng trên tờ Journal of the American Board of Family Medicine năm 2010.
Trong 215 tình nguyện viên tuổi từ 50 đến 89 được theo dõi, tỷ lệ người bẻ khớp tay và không bẻ khớp tay bị viêm khớp lần lượt là 18% và 21.5%. Do đó, các nhà nghiên cứu đã kết luận không đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân của viêm khớp là thói quen bẻ khớp tay.
Một nghiên cứu thú vị khác do tiến sĩ Donald Unger (Mỹ) lấy cảm hứng từ chính bản thân và gia đình. Ông dùng tay phải bẻ khớp tay trái ít nhất 2 lần mỗi ngày nhưng sau 60 năm, bàn tay trái của tiến sĩ không hề có dấu hiệu viêm khớp.
Còn Bác sĩ Pedro Beredjiklian, Trưởng khoa Phẫu thuật tay và cổ tay tại Viện Rothman ở Philadelphia (Mỹ), nhấn mạnh:
"Vấn đề bẻ ngón tay rất phổ biến. Nhiều người nghĩ rằng thói quen này sẽ có hại. Nhưng thực sự thì không phải vậy.
Thật ra, thói quen này có thể làm trầm trọng thêm thương tích có sẵn hoặc vấn đề có liên quan đến khớp. Do đó, nếu trải qua bất kỳ loại đau hoặc sưng bất thường nào sau khi bẻ ngón tay, cần bỏ thói quen này".
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bẻ khớp ngón tay sẽ làm tăng tính linh động của các khớp ngón tay. Nhưng hầu hết các chuyên gia khuyên bạn không nên bẻ quá nhiều lần vì có thể làm to ngón tay hoặc giảm sức cầm nắm.
Mỗi khi mỏi, bạn chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng lạo xạo là được.