Việc quan sát và nhận biết được mùi, màu sắc cũng như tính chất phân là rất cần thiết để có thể theo dõi sức khỏe của trẻ. Rất nhiều trường hợp khi bé đi ngoài có mùi tanh, các bậc phụ huynh trở nên hoang mang và lo lắng không biết nguyên nhân là gì và phải làm như thế nào?
Đa phần việc bé đi ngoài có mùi tanh là do chế độ ăn uống và dinh dưỡng hàng ngày không hợp lý. Ngoài ra còn những yếu tố nguyên nhân khác nhưng phụ thuộc vào số tháng tuổi của từng trẻ.
Có 3 nguyên nhân chính khiến bé đi ngoài có mùi tanh và phân lỏng như:
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không hợp lý. Đặc biệt là khi hàm lượng đường quá cao khiến trẻ không tiêu hóa được, từ đó dẫn đến kích thích đường ruột.
- Ngoài ra nếu trẻ đi ngoài có mùi tanh khi mới bắt đầu ăn dặm có thể là do tinh bột chưa được nấu chín kỹ hoặc do lượng tinh bột quá nhiều.
- Trường hợp trẻ trên 6 tháng tuổi gặp tình trạng này có thể là do bị nhiễm tạp khuẩn đường ruột.
Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bé bị nhiễm virus Rota, trường hợp này cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, đi ngoài có mùi tanh cũng là dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp. Phân trong tiêu chảy cấp thường lỏng nhiều, có nhiều nước, mùi hôi tanh. Bên cạnh đó, vì đây là một hiện bệnh đường ruột, trẻ sẽ có thêm những triệu chứng khác, như mệt, quấy khóc nhiều, sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng….
Tốt nhất các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp với từng tình trạng. Thông thường, bác sĩ sẽ kê men tiêu hóa để làm giảm triệu chứng đi ngoài phân lỏng và có mùi tanh. Tuy nhiên phụ huynh khi sử dụng cho bé cần theo đúng thời gian và liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.
Nếu trẻ đang bú mẹ, mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống để làm giảm tình trạng bệnh của trẻ. Tránh các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ, cay nóng. Hạn chế ăn đường và tinh bột. Nên ăn nhiều rau xanh, củ, trái cây và sữa chua để ổn định hệ tiêu hóa của bé. Trong trường hợp trẻ đang uống sữa công thức, có thể sữa không phù hợp. Cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đổi loại sữa cho bé.
Đối với trẻ đang ăn dặm, cần chú ý nhiều hơn tới khẩu phần ăn hằng ngày. Chỉ nên cho bé ăn 1 bữa bột lỏng mỗi ngày để tránh tình trạng không phân hủy được hoàn toàn lượng tinh bột gây ra trường hợp đi ngoài có mùi tanh. Đặc biệt, phụ huynh cũng nên hạn chế dầu mỡ, chất béo trong thực đơn hàng ngày của trẻ và chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi trẻ có các dấu hiệu sau đây, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Trẻ mệt mỏi, phân không trở lại bình thường sau vài ngày.
- Không có tình trạng táo bón nhưng đi ngoài ra máu.
- Phân có màu nhạt kéo dài nhiều ngày không hết.
- Trẻ đi ngoài phân xanh và lỏng. cảm thấy mệt mỏi và có đi kèm các biểu hiện bệnh lý khác.
- Trẻ đang bú bình hoàn toàn, không bú mẹ nhưng vẫn đi ngoài phân xanh và lỏng.
Lưu ý nếu trẻ gặp các tình trạng sau đây, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay để tránh các trường hợp không may có thể xảy ra. Chú ý không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong khi đợi cấp cứu.
– Trẻ đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch.
– Khi trẻ xuất hiện tình trạng vàng da hoặc lòng trắng mắt bị vàng.
– Nước tiểu trẻ bị sẫm màu, có màu vàng nâu hoặc đen.
– Phân có màu bất thường sau khi dùng thuốc.