Bệnh máu trắng (hay tên khác là bệnh bạch cầu, bệnh ung thư máu) là một dạng bệnh ung thư các tế bào máu trắng (bạch cầu). Bạch cầu và tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương. Trong bệnh bạch cầu, các tế bào máu trắng không được phát triển hoàn chỉnh. Những tế bào chưa trưởng thành này tiếp tục được sản sinh ở một tốc độ rất nhanh, xâm lấn sang các tế bào bình thường và gây nên các triệu chứng bệnh.
Ảnh: Internet
Các triệu chứng bệnh máu trắng có thể rất khác nhau tùy từng đối tượng. Các triệu chứng của bệnh bạch cầu mãn tính thường tiến triển khá chậm, tuy nhiên đối với bệnh bạch cầu cấp tính các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột. Một vài triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.
Dưới đây là 7 triệu chứng nổi bật của bệnh máu trắng ở trẻ em. Tuy nhiên các bố mẹ cần lưu ý rằng việc bé có mắc phải một vài triệu chứng không đồng nghĩa với việc bé đã bị bệnh bạch cầu. Đây chỉ là những thông tin mang tính tham khảo và chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và kết luận chính xác bé có bị bệnh hay không.
Trẻ em bị bệnh máu trắng thường dễ bị chảy máu hơn bình thường khi gặp một chấn thương nhỏ hay bị chảy máu mũi. Bé cũng dễ bị các vết bầm tím hay các đốm đỏ tím trên da (petechiae) do tình trạng vỡ các mạch máu nhỏ.
Khả năng hình thành cục máu đông phụ thuộc vào trạng thái sinh lý của tiểu cầu. Đối với trẻ bị mắc bệnh máu trắng, kết quả kiểm tra công thức máu thường cho thấy số lượng các tế bào tiểu cầu thấp một cách bất thường.
Ảnh: Internet
Các tế bào ung thư có thể co cụm xung quanh tuyến ức. Hiện tượng này làm cho người bệnh cảm thấy khó thở. Tình trạng khó thở có thể là do các hạch bạch huyết bị sưng phồng làm chèn ép lên khí quản. Trẻ có thể bị ho hay thở khò khè. Cảm giác đau khi thở cũng cần được coi là một triệu chứng nguy hiểm cần phải đưa đi cấp cứu ngay.
Trẻ mắc bệnh máu trắng thường cảm thấy đau vùng bụng. Nguyên nhân là do các tế bào máu trắng tập trung tại vùng lách, gan và thận khiến các bộ phận này bị phì đại. Trong một vài trường hợp, các bác sĩ có thể cảm nhận được vùng bụng của trẻ bị sưng phù. Trẻ có thể mất cảm giác ngon miệng hay không thể ăn uống như bình thường dẫn đến sụt cân.
Ảnh: Internet
Các tế bào bạch cầu là thành phần quan trọng để chống lại các bệnh nhiễm trùng, tuy nhiên các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành thì không thể thực hiện được chức năng vốn có. Trẻ bị mắc bệnh ung thư máu thường dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Các triệu chứng bao gồm ho, sốt, chảy nước mũi. Các bệnh nhiễm trùng này thường không có tiến triển tốt ngay cả khi sử dụng kháng sinh hay các liệu pháp điều trị khác.
Ảnh: Internet
Hạch bạch huyết có chức năng lọc máu, tuy nhiên các tế bào ung thư đôi khi khu trú tại các hạch này làm xuất hiện những cục u sưng tấy ở dưới cánh tay, ở cổ, trên xương đòn hoặc vùng háng. Liệu pháp chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) hay chụp CT có thể cho thấy hình ảnh các hạch bạch huyết bị sưng ở vùng bụng hay bên trong vùng ngực.
Khi tuyến ức bị phì đại, nó có thể gây áp lực lên tĩnh mạch vận chuyển máu từ cánh tay và đầu tới tim. Áp lực này khiến máu bị dồn lại một chỗ và dẫn tới hiện tượng sưng phù vùng mặt và cánh tay. Vùng đầu, cánh tay và ngực trên của bệnh nhân có thể bị tím tái. Những triệu chứng khác bao gồm nhức đầu và hoa mắt.
Các tế bào hồng cầu hỗ trợ việc vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Đối với bệnh nhân bị ung thư máu, cơ thể không sản xuất đủ các tế bào hồng cầu và dẫn đến hiện tượng thiếu máu. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, da xanh tái và thở gấp. Một vài trẻ cảm thấy kiệt sức hay mê sảng.
Nếu lượng máu cung cấp cho não bị giảm sút, trẻ có thể gặp khó khăn khi nói. Test kiểm tra công thức máu sẽ giúp biết được con bạn có số lượng hồng cầu bất thường hay không.
Ảnh: Internet
Các tế bào máu được hình thành ở tủy xương. Đối với bệnh nhân máu trắng, các tế bào máu sản sinh nhanh một cách bất thường dẫn tới hiện tượng đau xương và khớp. Một vài trẻ có thể thấy đau vùng lưng dưới. Một số khác đi lại không vững do bị đau chân.
Các bậc phụ huynh hãy luôn nhớ rằng việc mắc phải một vài các triệu chứng nêu trên không có nghĩa là trẻ đã bị bệnh máu trắng. Có nhiều yếu tố tác động đến việc chẩn đoán bệnh. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ mang lại những kết quả khả quan hơn. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót đối với một số dạng bệnh bạch cầu ở trẻ em đang tăng lên theo thời gian và những tiến bộ trong điều trị đã cho thấy triển vọng tốt đẹp hơn trong việc chẩn đoán bệnh cho đối tượng trẻ em ngày nay.