Viêm tiểu phế quản là bệnh lý nhiễm trùng phổi do virus hợp bào RSV gây ra. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng hô hấp nghiêm trọng. Vậy viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không? Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?
Viêm tiểu phế quản là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp, thường gặp ở trẻ có hệ miễn dịch yếu, trẻ sơ sinh thiếu tháng.
Đây là bệnh lý viêm nhiễm ở các tiểu phế quản gây tắc nghẽn đường thở. Tác nhân gây ra bệnh viêm tiểu phế quản có thể là virus hợp bào hô hấp, virus HMPV, adenovirus, coronavirus,...
Viêm tiểu phế quản là căn bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Khi xâm nhập vào tiểu phế quản, các virus trực tiếp làm tổn thương tiểu phế quản dẫn đến tình trạng hoại tử. Tình trạng nhiễm trùng khiến các phế quản nhỏ bị sưng, viêm và có dịch nhầy, luồng khí đi vào khó khăn và gây ra hiện tượng xẹp phổi.
Viêm tiểu phế quản thường xuất hiện vào cuối mùa đông. Bệnh lý này có thời gian ủ bệnh khoảng 4 - 6 ngày. Trong giai đoạn đầu, bé sẽ có những dấu hiệu giống cảm lạnh như nghẹt mũi, ho, sổ mũi. Tiếp theo trẻ bị sốt nhẹ và có các biểu hiện nặng hơn như thở khò khè, ho dữ dội, môi tím tái, chán ăn, bỏ ăn.
Đọc thêm:
- Cách phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ vào mùa thu đông
- Có nên rửa mũi thường xuyên cho trẻ hay không?
Thông thường, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường kéo dài khoảng một tuần với các dấu hiệu chủ yếu là ho, mệt mỏi, sốt nhẹ. Sau đó, các triệu chứng này sẽ giảm dần trong vòng 14 ngày nếu bé được chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, virus sẽ còn ẩn trong phổi, lâu ngày sẽ gây nguy hiểm, thời gian hồi phục lâu, dễ tái phát bệnh, gây ra các biến chứng:
- Mất nước, mất điện giải, gây suy nhược, mệt mỏi.
- Ngưng thở: Đây là biến chứng thường xảy ra trong thời gian ngắn ở những bệnh nhân bị viêm tiểu phế quản là trẻ sinh non.
- Suy hô hấp: Trường hợp đường thở bị tắc nghẽn, luồng không khí lưu thông không được kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp, nếu suy hô hấp nặng cần phải sử dụng máy thở.
- Xẹp phổi: Biến chứng xẹp phổi do viêm tiểu phế quản rất dễ xảy ra khi trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm do tích tụ nhiều chất nhầy trong phổi.
- Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, tràn khí màng phổi,...
Để giúp trẻ nhanh hồi phục và tránh gặp các biến chứng. Khi chăm sóc bé bị viêm tiểu phế quản, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Hạ sốt cho trẻ đúng cách, chườm khăn ấm khi sốt nhẹ, nếu sốt cao trên 38 độ cha mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt do bác sĩ chỉ định.
- Cho trẻ uống nhiều nước để chống tình trạng mất nước và nâng cao khả năng giải độc cho cơ thể. Nếu trẻ đang bú mẹ thì cho trẻ bú nhiều hơn để tăng kháng thể giúp trẻ chống chọi với bệnh tật.
- Vệ sinh và rửa mũi cho trẻ hàng ngày bằng nước muối, có thể dùng xịt muối khoáng để làm sạch mũi, chống ngạt mũi, giúp trẻ thở tốt hơn.
- Giữ gìn môi trường sống của bé sạch sẽ, thoáng mát, nên giặt chăn màn thường xuyên.
- Cho bé tránh xa khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá, cần đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ ấm cho bé khi trời lạnh.
Để phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp như:
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tăng đề kháng cho trẻ. Cho trẻ bú mẹ đầy đủ, người mẹ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học để đảm bảo lượng sữa cho bé bú.
- Với những trẻ lớn hơn, cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn những người có triệu chứng ho, hắt hơi, sốt, nghẹt mũi,...
- Khuyến khích trẻ không nên cho tay lên mắt, mũi, miệng.
- Không cho bé dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Vệ sinh sạch và khử trùng đồ chơi của bé.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày sạch sẽ, đúng cách.
- Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, khói bụi, hóa chất độc hại.
Như vậy, viêm tiểu phế quản là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ nhỏ do hệ hô hấp của trẻ còn non yếu, dễ bị virus tấn công. Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, thông thường, nếu bé bị viêm tiểu phế quản nhẹ, bé sẽ khỏi bệnh trong khoảng 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách.
Phụ huynh cần lưu ý, nếu bé có biểu hiện lừ đừ, da tím tái, khó thở, nôn trớ,... cần đưa bé tới các cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.