Bé bị sâu răng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Bé bị sâu răng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Bé bị sâu răng gây nên do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, bột đường,... Nếu tình trạng này không được phát hiện kịp, điều trị kịp thời có thể gây nhiều hậu quả khác nhau.

Bé bị sâu răng nếu không điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng lâu dài, suy giảm chất lượng răng miệng vào thời kỳ trưởng thành. Sâu răng là bệnh lý thường gặp nhất đặc biệt ở trẻ nhỏ. 

Nếu không được quan tâm đúng mức, bé bị sâu răng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến mọc răng vĩnh viễn trong tương lai.

1. Nguyên nhân bé bị sâu răng

Có thể bạn chưa biết, có nhiều cơ chế lý giải khác nhau cho sự xuất hiện của sâu răng, nhưng được thừa nhận nhiều nhất là thuyết hóa học vi khuẩn. Học thuyết này đề cập đến sự tham gia của các yếu tố chính bao gồm đường bột và vi khuẩn.

Theo đó, vi khuẩn tác động lên đường bột còn tồn dư trong khoang miệng. Sự tác động này khiến pH trong khoang miệng bị giảm xuống, dẫn đến sự khử khoáng bề mặt răng. Về lâu dài, sự khử khoáng ngày càng nghiêm trọng và dẫn đến các cấu trúc của răng bị tổn thương và sâu răng xảy ra.

Ở trẻ em, do khả năng còn hạn chế nên vấn đề vệ sinh răng miệng khó đảm bảo, dễ gặp phải tình trạng vi khuẩn và các cặn thức ăn còn tích tụ, bám ở răng. Kèm theo đó, những loại thức ăn có vị ngọt, nhiều đường như sữa, nước trái cây, kẹo, bánh,... đều là những món khoái khẩu của các bé. Đây đều là các điều kiện thuận lợi khiến bé bị sâu răng.

Hơn thế nữa, răng của các bé là răng sữa. Loại răng này có cấu trúc kém bền hơn rất nhiều so với răng vĩnh viễn, cả men răng và ngà răng đều mỏng hơn rất nhiều. Do đó, bé lại càng dễ bị sâu răng hơn so với người lớn.

Tuy rằng, sâu răng có thể xảy ra ở tất cả mọi trẻ em nhưng nếu có những yếu tố sau đây thì nguy cơ sâu răng sẽ trở nên cao hơn, bao gồm:

- Chế độ ăn có chứa nhiều đường, tinh bột.

- Bé lười vệ sinh răng miệng.

- Kem đánh răng bé sử dụng không có, hoặc chứa rất ít flo.

- Giảm tiết nước bọt.

Bé bị sâu răng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Đường bột, vi khuẩn là những nguyên nhân chủ yếu khiến bé bị sâu răng (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Biểu hiện trẻ mọc răng và phụ huynh nên làm gì khi trẻ mọc răng?   

7 sai lầm nghiêm trọng về cách chăm sóc răng miệng trẻ em

2. Triệu chứng khi bé bị sâu răng

Các triệu chứng khi bé bị sâu răng có sẽ biểu hiện khác nhau theo từng thời kỳ, cùng với sự phát triển và diễn tiến của sâu răng.

Khi mới bắt đầu, sâu răng không có biểu hiện rõ ràng. Những đốm trắng mới xuất hiện trên bề mặt răng chỉ có thể được phát hiện nếu quan sát kỹ. Sự phá hủy men răng là nguyên nhân gây nên các đốm trắng này và cũng khiến cho răng của bé trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích.

Sau đó, các đốm trắng ban đầu phát triển sâu dần về phía trung tâm của răng. Khi này các lỗ sâu răng thường ngả sang màu nâu nên cũng có thể được quan sát dễ dàng hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị, các lỗ sâu răng sẽ tiếp tục ăn sâu vào trong và màu sắc chuyển từ màu nâu thành màu đen.

Bên cạnh những biểu hiện có thể quan sát thấy như trên, bé bị sâu răng thường đi kèm với một số triệu chứng khác như răng bé dễ bị ê buốt, hoặc cảm thấy đau, hơi thở có mùi khó chịu,...

Tuy nhiên, không phải khi nào sâu răng cũng có thể được nhận biết bằng các biểu hiện triệu chứng. Có không ít các trường hợp sâu răng diễn ra âm thầm ở các vị trí khó quan sát, nên chỉ được phát hiện tình cờ khi bác sĩ tiến hành thăm khám và kiểm tra vì một lý do nào đó.

3. Bé bị sâu răng nguy hiểm không?

Nhiều người cho rằng, răng ở trẻ em là răng sữa nên kể cả có bị sâu răng thì cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Nhưng đây là một quan điểm rất sai lầm.

Trên thực tế, nếu sâu răng không được điều trị thì sẽ phát triển vào trung tâm của răng, gây viêm tủy hoặc áp xe răng. Viêm nhiễm còn có thể lan rộng đến các khu vực lân cận và gây nên viêm xương hàm, viêm mô tế bào, viêm xoang hàm trên, viêm hạch bạch huyết,...

Về lâu dài, các răng sữa bị sâu sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc và thay đổi tính chất của răng. Điều này làm cho răng sữa khó bị rụng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mọc các răng vĩnh viễn. Dễ tạo thành hiện tượng răng mọc lệch lạc vị trí trong tương lại.

4. Điều trị bé bị sâu răng như thế nào?

Phương pháp điều trị khi bé bị sâu răng có thể thay đổi và khác nhau tùy thuộc vào mức độ sâu răng và độ tuổi của bé.

Nếu như sâu răng ở giai đoạn mới bắt đầu thì ưu tiên các biện pháp nhằm tái khoáng cho răng. Phương pháp thường sử dụng là bổ sung flo thông qua các dạng gel hoặc dạng bọt bôi trực tiếp lên răng, sử dụng kem đánh răng có chứa các thành phần cần thiết cho quá trình tái khoáng (flo, calci, phospho,...), đồng thời bổ sung các chất có lợi trong răng trong chế độ ăn của bé,...

Khi lỗ sâu răng đã ăn sâu và quá trình tái khoáng tự nhiên không thể tự sửa chữa, các bác sĩ sẽ phục hình răng cho bé bằng cách sử dụng các vật liệu chuyên dụng để trám lỗ sâu răng, hay dùng là nhựa sứ hoặc amalgam nha khoa. Nhưng nếu lỗ sâu răng đã ăn sâu đến hốc tủy của răng gây viêm tủy, chết tủy,... thì phần tủy răng bị hư có thể được lấy ra trước khi trám lại lỗ răng sâu.

Trong trường hợp bề mặt bị sâu răng quá lớn không thể trám răng như thông thường, bác sĩ sẽ có thể áp dụng biện pháp tạo mão răng để bọc lại bề mặt răng bị phá hủy quá rộng do sâu răng. Nhổ răng chỉ là lựa chọn cuối cùng khi răng bị hư hại quá nhiều và không thể phục hồi bằng các phương pháp khác, bị viêm nhiễm nghiêm trọng,...

5. Cách phòng tránh bé bị sâu răng

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì vậy các bậc phụ huynh cần tích cực áp dụng các biện pháp không để cho bé bị sâu răng, từ đó giảm tối đa các nguy cơ sức khỏe do bé bị sâu răng có thể gây nên.

- Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng đúng cách. Yêu cầu bé đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa flo, các động tác đánh răng phải làm sạch cả răng, nướu, lưỡi và khoang miệng.

Bé bị sâu răng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Đánh răng đúng cách có thể giúp bé phòng ngừa sâu răng (Ảnh: Internet)

- Có thể hướng dẫn bé dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng khi bé được được 2 tuổi. Chỉ nha khoa giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn ở khe giữa các răng liền kề rất hiệu quả.

- Giữ cho bé có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế sử dụng các loại thức ăn có chứa nhiều đường và dễ bám dính vào răng khi sử dụng.

- Đối với các loại thức uống chứa nhiều đường như sữa, nước trái cây,... thì nên cho bé uống bằng ly thay vì sử dụng bình bú. Uống bằng ly giúp thời gian các loại thức uống lưu trong khoang miệng ngắn hơn, nên cũng ít gây tác động lên răng hơn.

- Kể từ khi bé có răng, hãy tham khảo với bác sĩ để lên lịch khám răng định kỳ cho bé nhằm phát hiện sớm nhất các vấn đề răng miệng xảy ra.

Qua đây thấy rằng, bé bị sâu răng có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau. Tuy nhiên, sâu răng ở bé có thể được ngăn chặn nếu áp dụng hợp lý các biện pháp phòng tránh.

Nguồn tham khảo: 

https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P01848


Tác giả: QN