Bật mí những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả

Bật mí những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả
Ho ngứa họng là vấn đề thường gặp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh. Cùng tìm hiểu những cách chữa ho ngứa họng có hiệu quả tức thì qua bài viết dưới đây.

Ho kèm theo cảm giác ngứa cổ họng là tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi kể cả trẻ nhỏ lẫn người già. Vì thế, có những cách chữa ho ngứa họng nào là vấn đề quan tâm của rất nhiều người.

1. Nguyên nhân gây ho ngứa họng

Theo các bác sĩ, ho ngứa họng thường do các nguyên nhân sau đây:

- Do kích thích từ môi trường: Đây là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tình trạng ho ngứa họng cấp tính. Theo đó, viêm mũi dị ứng và dị ứng (dị ứng với thực phẩm, thuốc) khi có kích thích từ môi trường sẽ gây ra ho ngứa họng.

- Nguyên nhân bệnh lý: Một số bệnh lý gây ra tình trạng ho ngứa họng là nhiễm virus, vi khuẩn; Viêm - đau họng; Trào ngược dạ dày thực quản; Viêm mũi, xiêm xoang.

- Các nguyên nhân khác: Ngoài ra, ho ngứa họng còn có thể do một số nguyên nhân như cổ họng tổn thương, mất nước, môi trường sống ô nhiễm, vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, thói quen ăn uống sinh hoạt không lành mạnh (thường xuyên uống nước đá, hút thuốc lá....

Người bệnh khi bị ho ngứa họng cần lưu ý phân biệt ngứa họng ho cấp tính với các triệu chứng ho nguy hiểm hơn như: ho khan, ho có máu... vì đây đều là những tình trạng bệnh khó điều trị và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Vì vậy, nếu ngứa họng, ho do bệnh lý, cần điều trị bệnh dứt điểm để tránh tình trạng ho kéo dài thành mãn tính.

Bật mí những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả - Ảnh 1.

Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân gây ho ngứa họng - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Viêm họng, khô mũi trong mùa hanh khô: Làm ngay 5 điều này để phòng ngừa hiệu quả!

- Mách mẹ những cách chữa ho nhiều đờm cho trẻ tại nhà đơn giản và hiệu quả

2. Những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả

Ho ngứa họng gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh. Nếu để tình trạng này kéo dài, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ho khan, ngứa cổ họng đều có thể điều trị, giảm triệu chứng bằng một số biện pháp dưới đây.

2.1. Chữa ho ngứa họng bằng cách súc miệng nước muối

Các nghiên cứu chỉ ra rằng muối có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch khoang miệng, tiêu diệt vi khuẩn gây ho, giảm ngứa họng, xoa dịu tình trạng ngứa rát khó chịu ở cổ họng. Vì thế, một trong những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả chính là xúc miệng bằng nước muối.

Theo đó, người bệnh dùng lọ nước muối sinh lý 0,9% hoặc pha nước muối loãng theo tỷ lệ 0.9g muối 100ml nước và súc miệng bằng nước muối ấm mỗi ngày đặc biệt là khi ho, sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy trong 30 giây, sau đó súc lại bằng nước lọc. Chỉ cần kiên trì thực hiện liên tục trong nhiều ngày sẽ giúp giảm ngứa rát cổ họng và hạn chế ho hiệu quả.

2.2. Thoa dầu nóng

Trong trường hợp ho và ngứa cổ họng là do nhiễm lạnh thì có thể thoa dầu nóng vào lòng bàn chân, cổ họng để giảm ho. Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt nhất, việc thoa dầu nóng cần kết hợp với việc nghỉ ngơi thư giãn, xoa bóp bàn chân 15 phút trước khi đi ngủ để cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ chữa ho, đau đầu, hạ đường huyết.

Để chữa ho ngứa họng bằng dầu nóng, người bệnh cần thoa dầu nóng ở lòng bàn chân và cổ họng, nhẹ nhàng massage chân, có thể mang cất giữ ấm chân khi trời lạnh. Cần lưu ý phương pháp thoa dầu nóng chỉ áp dụng cho những trường hợp ho, ngứa cổ do nhiễm lạnh, không áp dụng cho người mắc viêm phổi, ho lao, ho lâu ngày không khỏi.

Ngoài ra, thoa dầu nóng cũng không áp dụng với trẻ dưới 1 tuổi dù bị ho do bất cứ nguyên nhân nào.

2.3. Cách chữa ho ngứa họng bằng bấm huyệt

Một trong những cách cắt đứt những cơn ho, giảm ngứa cổ họng do nhiễm lạnh đơn giản mà hiệu quả là bấm huyệt. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý muốn bấm huyệt cần kết hợp các phương pháp tác động chính xác vào huyệt đạo có liên quan để kích thích và phục hồi chức năng tạng phủ.

Dưới đây là các cách bấm huyệt chữa ho ngứa họng:

- Cách 1: Trước khi đi ngủ, thoa dầu vào gan bàn chân và dán một miếng Salonpas vào huyệt dũng tuyền, mang tất vào để giữ ấm chân. Thực hiện cách làm này 3 – 5 ngày sẽ thấy triệu chứng ho ngứa rát cổ cải thiện.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với trường hợp ho do nhiễm lạnh, không áp dụng cho trẻ nhỏ kể cả trường hợp chắc chắn bé ho do nhiễm lạnh.

Bật mí những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả - Ảnh 2.

Thoa dầu nóng vào lòng bàn và massage là cách chữa ho ngứa họng hiệu quả - Ảnh Internet.

- Cách 2: Bấm huyệt xích trạch để giảm ho ngứa họng. Huyệt xích trạch nằm ở chính giữa khớp xương và khuỷu tay. Để chữa ho ngứa họng bằng phương pháp này, người bệnh duỗi tay trái ra, 4 ngón tay của tay phải ôm lấy khuỷu tay trái, đặt ngón cái tay phải lên huyệt xích trạch, dùng lực day ấm trong 1 phút đến khi huyệt nóng lên là được.

2.4. Chữa ho ngứa họng bằng tỏi sống

Tỏi không những là gia vị thường được sử dụng để tăng mùi vị cho các món ăn còn là một vị thuốc trong Đông y. Theo đó, tỏi có vị hăng, tính ấm có tác dụng làm ấm cơ thể, đào thải độc tố, kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu viêm, từ đó giúp giảm ho hiệu quả.

Không những vậy, theo các nghiên cứu khoa học, tỏi còn chứa nhiều hoạt chất như allicin, ajoene, liallyl sulfide có tác dụng giảm đau rát cổ họng, nâng cao sức đề kháng, có tác dụng như một chất kháng viêm tự nhiên. Vì thế, tỏi được dùng để chữa ho ngứa họng rất tốt.

Cách chữa ho ngứa họng bằng tỏi được thực hiện như sau:

- Cách 1: Lấy vài tép tỏi, đập dập, bóc vỏ, ngậm trong khoảng thời gian 5 -10 phút sẽ giúp làm dịu cổ họng, cắt đứt các cơn ho ngứa cổ.

- Cách 2: Lấy 1 cốc sữa nóng, tỏi đập dập cho vào sữa, chờ đến khi hỗn hợp còn hơi ấm thì uống từ từng từng ngụm để làm sạch vùng họng.

- Cách 3: Lấy 1 củ tỏi, bóc vỏ rồi thái lát mỏng, đắp lên lòng bàn chân, dùng gạc y tế quấn chặt để như vậy qua đêm. Sau đó, rửa sạch bằng nước ấm vào sáng hôm sau để giúp giảm ho ngứa họng.

2.5. Uống trà gừng nóng với chanh và mật ong

Một trong những cách chữa ho ngứa họng không thể bỏ qua là uống trà gừng nóng với chanh và mật ong. Gừng và mật ong là các thảo dược có tính ấm, kháng khuẩn, chống viêm, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Trong khi đó, chanh là loại trái cây có chứa hàm lượng vitamin C cao, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Do đó, gừng, chanh và mật ong khi kết hợp với nhau sẽ giúp tiêu trừ ngứa họng, đồng thời đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời khác cho sức khỏe.

Cách làm trà gừng nóng với chanh và mật ong để giảm ho ngứa họng như sau: Cho 1 thìa cà phê mật ong vào cốc nước ấm. Sau đó, cắt 2 lát chanh, vắt lấy nước cốt. Gừng rửa sạch với nước, bào mỏng. Cuối cùng, cho nước cốt chanh và gừng vào cốc, khuấy đều và uống 2 đến 3 lần mỗi ngày để thấy hiệu quả.

Bật mí những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả - Ảnh 3.

Trà gừng, chanh, mật ong rất tốt cho những người bị ho, ngứa họng - Ảnh Internet.

Đọc thêm: Lợi ích của trà gừng mật ong trong đẩy lùi bệnh tật

2.6. Trị ho, ngứa cổ họng bằng sữa nghệ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn tốt, nghệ là một phương thuốc tự nhiên giúp chữa ngứa họng, ho cực kỳ hiệu quả.

Theo đó, khi bị ho ngứa cổ họng, người bệnh có thể pha sữa nghệ theo cách sau: cho 1 thìa cà phê bột nghệ và 0.2 lít sữa vào nồi nhỏ, trộn đều hỗn hợp. Sau đó, đun sôi hỗn hợp với lửa vừa. Tiếp theo, đổ hỗn hợp vào cốc và để nguội đến nhiệt độ vừa phải và sử dụng vào mỗi buổi tối để có hiệu quả tốt nhất.

2.7. Ho ngứa cổ họng phải làm sao? Hãy uống trà thảo mộc

Một số loại trà thảo mộc cũng có tác dụng làm dịu triệu chứng ho ngứa cổ họng rất tốt. Theo đó, người bệnh có thể dùng trà cải ngựa, trà cam thảo để chữa ho ngứa cổ họng.

Cách pha trà cải ngựa chữa ngứa họng được thực hiện như sau: cho hỗn hợp gồm 1 thìa cà phê bột cải ngựa (phần rễ), 1 thìa cà phê bột đinh hương và 1 thìa cà phê mật ong vào cốc. Sau đó, chỉ cần đổ nước nóng vào và khuấy đều rồi uống khi nước trà còn ấm.

Bên cạnh trà cải ngựa, người bệnh cũng có thể dùng trà cam thảo để chữa ho ngứa họng. Trong Đông y, cam thảo là thảo dược vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải độc, hóa đàm, nhuận phế, hỗ trợ điều trị co thắt cơ trơn và giảm ho hiệu quả.

Để giảm ho ngứa cổ họng, người bệnh chỉ cần lấy 4 – 20g bột cam thảo pha với nước ấm và uống 2 lần mỗi ngày cho đến khi cổ họng hết đau rát.

3. Những cách phòng ngừa tình trạng ho ngứa cổ họng

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa ngứa họng ho và các bệnh lý khác về đường hô hấp, cần tăng cường bảo vệ sức khỏe bản thân, nhất là vào những thời điểm giao mùa.

Theo đó, để phòng ngừa ho ngứa cổ họng, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Uống nhiều nước, nên uống nước ấm, tắm nước ấm.

- Bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc các đồ uống chứa nhiều caffein.

- Hạn chế uống nước quá lạnh hoặc ăn thực phẩm cay nóng.

- Giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ họng, ngực, bàn tay bàn chân.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để tránh tiếp xúc với khói bụi hoặc các yếu tố ô nhiễm khác.

- Nhiệt độ điều hòa trong nhà nên để ở mức khoảng 25 – 27 độ C.

Như vậy, có nhiều cách chữa ho ngứa họng khác nhau. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người bệnh có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu đã dùng các phương pháp trên mà tình trạng ho ngứa họng ngày càng nghiêm trọng thì cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị.


Tác giả: Ngọc Điệp