Bắp cải tím thuộc chi thực vật Brassica, có kích thước nhỏ vừa phải, được trồng quanh năm và phổ biến nhất ở các vùng có khí hậu lạnh như ở Bắc Bộ, Đà Lạt.
Mặc dù có hàm lượng calo thấp nhưng bắp cải tím lại là một kho dinh dưỡng đầy ấn tượng khi 89 gam bắp cải tím sống có chứa:
- Lượng calo: 28;
- Protein: 1 gam;
- Carbohydrate: 7 gam;
- Chất xơ: 2 gam;
- Vitamin C: 56% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày (DV);
- Vitamin K: 28% DV;
- Vitamin B6: 11% DV;
- Vitamin A: 6% DV;
- Kali: 5% DV;
Thiamine: 5% DV;
- Riboflavin: 5% DV.
Ngoài ra, bắp cải tím còn chứa một lượng nhỏ các khoáng chất tốt cho sức khỏe như sắt, canxi, magie, phốt pho, đồng và kẽm.
Đọc thêm:
- Bí đỏ vào mùa, ăn thế nào để tốt cho sức khỏe nhất?
Theo Healthline, dưới đây là một số lợi ích của bắp cải tím đối với sức khỏe dựa trên các nghiên cứu khoa học mà bạn có thể tham khảo:
- Giàu hợp chất thực vật mạnh mẽ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ chất chống oxy hóa trong bắp cải tím cao hơn khoảng 4,5 lần so với bắp cải xanh. Các chất chống oxy hóa này bao gồm: Vitamin C, carotenoid và flavonoid như anthocyanin và kaempferol.
Chất chống oxy hóa trong bắp cải tím có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do stress oxy hóa gây ra, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường type 2, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch.
Đặc biệt, bắp cải tím cũng là nguồn cung cấp sulforaphane dồi dào khi ăn sống hoặc được ép nát. Hợp chất sinh học mạnh mẽ này đã được chứng minh giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và chống ung thư. Ngoài bắp cải tím thì bông cải xanh cũng là một loại rau giàu sulforaphane nên được thêm vào chế độ ăn hàng ngày.
- Có đặc tính chống viêm
Một nghiên cứu trong ống nghiệm năm 2016 sử dụng mô hình nhân tạo của ruột người đã phát hiện ra rằng, một số loại bắp cải tím có thể giúp giảm các dấu hiệu của bệnh viêm ruột từ 22 - 40%.
Điều này được giải thích là nhờ hợp chất sulforaphane dồi dào trong bắp cải tím có đặc tính chống viêm cao và dường như có thể giúp giảm đau ngực, sưng và viêm do tăng tiết sữa và lưu lượng máu ở phụ nữ sau sinh.
- Thúc đẩy sức khỏe tim mạch
Bắp cải tím có chứa tới 36 loại anthocyanin - chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid giúp bắp cải có màu tím đặc trưng.
Hàm lượng anthocyanin dồi dào trong bắp cải tím có thể giúp giảm nguy cơ đau tim từ 11 - 32% nếu thường xuyên được thêm vào chế độ ăn. Bổ sung anthocyanin cũng liên quan tới việc giảm huyết áp và giảm các nguy cơ gây ra bệnh tim, từ đó cải thiện sức khỏe tim hiệu quả.
- Giúp xương chắc khỏe hơn
89 gam bắp cải tím sống có chứa tới 56% DV vitamin C - điều này giúp bắp cải tím trở thành một thực phẩm giàu vitamin C nên được ưu tiên. Vitamin C có vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương.
Ngoài ra, bắp cải tím cũng giàu vitamin K, nhất là vitamin K1 (loại vitamin thường được tìm thấy trong các loại rau lá xanh và rau họ cải) cùng lượng nhỏ canxi, mangan và kẽm góp phần giúp duy trì hệ xương chắc khỏe hơn.
- Có thể chống lại một số bệnh ung thư
Bắp cải tím chứa các hợp chất sinh học có lợi cho việc ngăn ngừa sự phát triển và lây lan tế bào ung thư như sulforaphane và anthocyanin.
Viện Y khoa Hoa Kỳ cũng cho biết, indoles có trong bắp cải tím có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều bắp cải tím với nguy cơ ung thư cụ thể hiện tại vẫn còn nhỏ lẻ, chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu rộng hơn trên con người trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.
- Tăng cường sức khỏe đường ruột
Bắp cải tím là nguồn chất xơ tốt, với lượng chất xơ không hòa tan chiếm tới 70%. Điều này giúp việc ăn bắp cải tím có tác dụng cải thiện chất lượng đường ruột, giảm viêm niêm mạc ruột và giúp tăng khối lượng phân, giúp thức ăn di chuyển qua ruột dễ dàng hơn, giảm nguy cơ táo bón.
30% chất xơ còn lại trong bắp cải tím là chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan luôn được biết đến với vai trò như prebiotic, cung cấp thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong ruột. Đổi lại các lợi khuẩn này sẽ sản xuất ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFA), chẳng hạn như acetate, butyrate và propionate, nuôi dưỡng tế bào ruột, giảm tình trạng viêm và các rối loạn đường ruột khác (ví dụ như bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích và viêm loét đại tràng).
- Tốt cho người đang giảm cân
Bắp cải tím giàu dinh dưỡng như chất xơ, carbohydrate chất lượng cao, kali, nhiều loại vitamin và đặc biệt là ít calo nên có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm việc ăn vặt mà vẫn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cũng như giúp giảm cân lành mạnh hơn.
- Tốt cho da
Chất chống oxy hóa dồi dào trong bắp cải tím còn có ý nghĩa đối với việc chống lão hóa, giúp ngăn ngừa nếp nhăn, đốm đồi mồi bằng cách giữ cho da mịn màng, săn chắc và đàn hồi hơn.
Bắp cải tím cũng chứa vitamin A, loại vitamin có thể giúp tái tạo tế bào và bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời.
- Tốt cho mắt
Vitamin A trong bắp cải tím hỗ trợ sức khỏe thị lực, ngăn chặn sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
- Có thể chống lại bệnh Alzheimer
Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí European Journal of Medicinal Plants, bắp cải tím dường như có khả năng kháng cholinesterase và chống oxy hóa. Điều này có thể giúp giảm tác hại của bệnh Alzheimer hoặc hỗ trợ ngăn ngừa bệnh. Mặc dù cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về lợi ích của bắp cải tím với bệnh thoái hóa thần kinh này, nhưng những phát hiện ban đầu đã mở ra nhiều tiềm năng nghiên cứu lớn sau này.
Theo Đông y, cải bắp có vị ngọt tính mát, có tác dụng bổ dưỡng an thần hoạt huyết, thích hợp cho các chứng suy nhược thần kinh, viêm loét dạ dày ruột, chữa kiết lỵ ra máu, nhiễm giun ký sinh đường tiêu hóa hay mụn nhọt,...
Tuy nhiên, những bắp cải cũng "đại kỵ" với những nhóm người dưới đây, nếu muốn thêm vào chế độ ăn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được tư vấn đề lượng bắp cải phù hợp có thể ăn theo tình trạng bệnh:
- Người bị bướu cổ: Do bắp cải chứa goitrin có thể làm tăng nguy cơ bị bướu cổ nên người đang có sẵn bệnh không nên ăn do dễ khiến bướu cổ phù to ra.
- Người có hệ tiêu hóa kém: Bắp cải giàu chất xơ, ăn quá nhiều dễ dẫn tới đầy hơi, chướng bụng khó chịu. Do vậy người có hệ tiêu hóa kém, đang bị tiêu chảy không nên ăn dễ khiến triệu chứng trầm trọng hơn.
- Người bị bệnh thận: Thuộc nhóm rau họ cải nên bắp cải cũng chứa khá nhiều axit oxalic. Axit oxalic khi được tiêu thụ quá nhiều có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng mà cơ thể tiêu thụ như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành hỗn hợp muối oxalat. Hỗn hợp này có thể lắng đọng ở thận, làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Vì vậy những người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Ngay cả người mắc bệnh thận cũng cần nói chuyện với bác sĩ trước khi thêm bắp cải tím vào chế độ ăn hàng ngày của mình.
Vậy ăn bắp cải tím hay bắp cải xanh tốt hơn? Thực tế nếu xét về giá trị dinh dưỡng thì bắp cải tím có thành phần dồi dào hơn so với bắp cải xanh về hàm lượng chất chống oxy hóa, vitamin A và vitamin C. Nhưng bắp cải xanh lại chứa nhiều vitamin C và vitamin K hơn. Bởi vậy bạn có thể ăn cả hai loại bắp cải, tùy theo sở thích của mình.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 8 Impressive Benefits of Purple Cabbage
2. 8 Impressive Benefits of Purple Cabbage (MedicineNet)