Bảo vệ con bạn khỏi loạn thị học đường

Bảo vệ con bạn khỏi loạn thị học đường
Loạn thị học đường gây ra nhiều nguy cơ về mắt cho trẻ. Vậy làm sao để ngăn ngừa loạn thị học đường.

1. Loạn thị học đường là gì?

Loạn thị học đường là tên gọi khác của chứng loạn thị xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học. Loạn thị, viễn thị và cận thị là các tật khúc xạ phổ biến. Khi kết hợp với nhau sẽ thành chứng cận loạn, viễn loạn hay loạn thị hỗn hợp gây nhiều bất tiện và khó khăn cho người mắc. Đối với trẻ em đang đi học thì loạn thị học đường gây ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu và học tập của các em.

Loạn thị học đường tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng gây nhiều khó khăn cho trẻ. Do loạn thị khiến trẻ không nhìn rõ ở mọi cự ly nên trẻ sẽ gặp nhiều cản trở khi đọc bài, viết bài, theo dõi giáo viên giảng bài... Cha mẹ và phụ huynh cần chú ý đến một số triệu chứng loạn thị học đường ở trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị cho trẻ.

Một số triệu chứng phổ biến của loạn thị học đường hay gặp ở trẻ khi học bài bao gồm:

- Thường xuyên nheo mắt khi đọc bài trong sách hoặc trên bảng

- Hay dụi mắt khi nhìn vào sách hay bảng

- Hay chảy nước mắt

- Kêu đau đầu sau thời gian học dài

- Hay viết nhầm chữ

Nếu trẻ bị loạn thị học đường được phát hiện và điều trị kịp thời thì trẻ có nhiều khả năng hồi phục thị lực bình thường, giảm ảnh hưởng lên việc học tập và sinh hoạt sau này. Ngược lại, nếu cha mẹ và giáo viên phát hiện bệnh quá muộn, trẻ sẽ có nguy cơ học sút kém so với bạn bè, mắt biến chứng nặng hơn...

Bảo vệ con bạn khỏi loạn thị học đường - Ảnh 1.

Cùng với cận thị và viễn thị, loạn thị học đường đang gây ảnh hưởng cho nhiều trẻ em trong độ tuổi tới trường (Ảnh: Internet)

2. Điều trị loạn thị học đường ra sao?

Điều trị loạn thị sẽ tập trung vào điều chỉnh độ cong của giác mạc để hình ảnh thu được giống như bình thường. Việc điều trị có thể bao gồm đeo kinh và phẫu thuật khúc xạ. Đối với loạn thị học đường, nếu phát hiện ra bất thường từ sớm, trẻ có thể chỉ cần đeo kính gọng để nhìn được bình thường.

Một số phương pháp điều trị khác bao gồm: đeo kính áp tròng, đeo kính ortho-k qua đêm để điều chỉnh giác mạc tạm thời, phẫu thuật khúc xạ bằng dao vi phẫu hoặc tia laser. Trong trường hợp loạn thị học đường ở trẻ nhỏ, biện pháp tốt nhất vẫn là đeo kính gọng. Khi trẻ lớn hơn có thể chuyển qua đeo kính áp tròng, điều trị bằng ortho-k hoặc phẫu thuật khúc xạ nếu cần.

Trong trường hợp loạn thị học đường nặng, có thể bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của trẻ mà yêu cầu phẫu thuật khúc xạ dù trẻ còn nhỏ.

Cách tốt nhất vẫn là cha mẹ và thầy cô nên chú ý đến các biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời phát hiện các bệnh về mắt và tật khúc xạ trong tình hình các chứng bệnh và tật này ngày càng phổ biến ở tuổi học trò.

Tác giả: Nụ Nguyễn