PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo rằng tỷ lệ hiện nay đối với trẻ em dưới 5 tuổi là 4.8%, nghĩa là cứ 100 trẻ là có 5 trẻ bị thừa cân, béo phì. Điển hình như tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có thể xấp xỉ 30-40% ở các trường học TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Internet
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định thừa cân, béo phì ở trẻ em được tính theo chỉ số tương quan giữa chiều cao và cân nặng. Nếu chỉ số đó lớn hơn 1 SD hoặc 1 Z-score thì bị coi là thừa cân và béo phì khi trên 2 SD. Vì thế, PGS. Mai khuyên cha mẹ nên chú trọng đến thể trạng của con, cả chiều cao và cân nặng để phát hiện sớm tình trạng thừa cân nếu có.
Theo PGS. Mai, đa số các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến cân nặng, cố gắng nhồi con ăn nhiều mà quên chú trọng chiều cao của con. Do đó, trẻ nạp quá nhiều thực phẩm chất béo và dư thừa khoáng chất, lại ít vận động thể chất nên dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em
Một số nguyên nhân béo phì ở trẻ em có thể do sử dụng thuốc Corticoid kéo dài để điều trị bệnh hen, thận khớp.Ngoài ra, cũng có thể do yếu tố di truyền trong gia đình nhưng không hẳn đây là lí do nếu kịp thời có biện pháp hạn chế. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ bị thiểu năng trí tuệ có nguy cơ mắc béo phì cao hơn đứa trẻ bình thường.
Ảnh: hypnotherapists.org.uk
Có nhiều bậc phụ huynh vì quá lo lắng con bị béo phì nên bắt con kiêng ăn hoặc cắt giảm khẩu phần ăn của trẻ, điều này có tốt hay không? Chia sẻ vấn đề này, PGS. Mai cho rằng, nên có sự cân đối dinh dưỡng cho trẻ nếu con bị thừa cân. Hạn chế các thức ăn nhanh và nhiều đường, dầu mỡ như KFC, trà sữa, bánh kẹo,... Hãy tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh, không ăn quá nhanh khi đói, nên ăn trong khoảng 20-25 phút/bữa ăn. Có thể cho bé uống một cốc nước trước khi ăn để tiêu hoá và lấp đầy dạ dày. Bổ sung nhiều rau, củ quả vào khẩu phần ăn của bé để đa dạng vitamin giúp bé phát triển toàn diện.
Ngoài ra, không nên đột ngột cắt giảm khẩu phần ăn, nên chia nhỏ số bữa ăn trong ngày để giúp đường huyết trẻ ổn định. Cha me có thể khuyến khích bé vận động nhiều hơn bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng hay giúp đỡ công việc nhà để tiêu bớt năng lượng.
Chia sẻ về vấn đề béo phì ở trẻ em, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, nhiều cha mẹ chia sẻ con mình mặc dù to con nhưng lại hay ốm yếu vặt. Điều này là bởi vì to béo không có nghĩa sức để kháng tốt. Trẻ thừa cân thường có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh như viêm tiểu phế quản, tiêu chảy,... Lâu dài không được chữa trị sẽ biến chứng nguy hiểm.
Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Trung Ương, TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ, nếu như trước đây trẻ con Việt Nam hay bị suy dinh dưỡng, thì ngày nay là chứng béo phì ở trẻ em với các bệnh tim mạch, gan thận,...thường gặp nhiều nhất ở các bé từ 7 đến 12 tuổi.
Các bậc phụ huynh dù có căng thẳng đến mấy cũng không được có sự ép buộc, to tiếng. Bản thân bé khi bị béo phì thừa cân đã rất nhạy cảm và tự ti về bề ngoài và hơn ai hết bé cần bố mẹ lắng nghe chia sẻ. Hãy cố động viên và chỉ dẫn những điều con bạn cần làm và cho con thấy hậu quả của béo phì rất nghiêm trọng.
Xây dựng cho bé chế độ ăn uống hợp lí, ăn nhiều rau xanh và phân tích hàm lượng calo trong mỗi bữa ăn. Tránh những thức ăn dầu mỡ, protein quá cao nhưng không phải là cấm tiệt sự thèm ăn của con bạn. Hãy cân bằng giữa thịt và chất xơ, đổi mới món để trẻ thấy ngon miệng. Và cần nhớ rằng để giảm cân là một giai đoạn dài cần thời gian cho bé thích nghi với khối lượng ăn giảm dần từ từ.
Hãy tính toán khối lượng năng lượng của bé nạp vào và động viên con hoạt động thể chất để tiêu hao và đào thải độc tố trong cơ thể.
Xây dựng lối sinh hoạt ngủ đúng giờ dậy đúng lúc .Nên tránh cho trẻ uống nước ngọt có ga hoặc ăn vặt bánh kẹo.
Theo Suckhoedoisong