Báo động tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng, đặc biệt là ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Báo động tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng, đặc biệt là ung thư lưỡi
Trong những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư khoang miệng đã đạt mức báo động, trong đó có ung thư lưỡi - đa phần các ca đều chỉ được phát hiện khi đã rơi vào giai đoạn cuối.

1. Giật mình với những con số mắc ung thư lưỡi

Đáng nói, nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này, nhưng không hay biết. Chỉ đến khi bệnh ở giai đoạn cuối mới đi khám thì đã quá muộn.

Bệnh nhân Đỗ Văn An (30 tuổi, ngụ Đồng Nai), bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối, từng điều trị tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết:

“Ban đầu tôi thấy mình viêm lưỡi, xuất hiện lở loét nhưng nghĩ là không sao, chắc do nhiệt miệng nên chủ quan mua thuốc uống. Tuy nhiên, vết thương chỉ giảm đau chứ không hề khỏi.

Tôi đi khám tại một bệnh viện địa phương, bác sỹ chẩn đoán có thể bị ung thư vòm họng và yêu cầu tôi đến bệnh viện ung bướu để khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả, tôi bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối.

Tôi không ngờ mình lại bị bệnh ung thư khi tuổi đời còn trẻ như vậy”.

“Dự định cuối năm 2015, tôi sẽ cưới vợ và sẽ có những đứa con để có gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng từ khi nghe thông tin bị bệnh nặng như vậy mọi suy nghĩ của tôi như bị chìm đắm trong tuyệt vọng.

Mỗi ngày tôi đều hy vọng mình sẽ có cơ hội được chữa khỏi bệnh”, anh An buồn rầu cho biết thêm.

Cũng mới phát hiện bệnh, anh Hải Phú (25 tuổi, quê Ninh Thuận) tâm sự câu chuyện đầy đau thương của mình:

“Tôi từng học nghề đầu bếp, phải trải qua nhiều khó khăn và cố gắng hết sức mình mới có dịp được làm đầu bếp tại một khách sạn lớn tại tỉnh Ninh Thuận, quê tôi.

Đầu năm 2015, Sau khi cưới vợ mới được năm ngày, tôi phát hiện lưỡi mình có vấn đề khác biệt so với bình thường. Cụ thể khi soi gương tôi thấy bên bờ lưỡi phải nổi đốm trắng.

Cảm giác khó chịu trong miệng khiến tôi không thể chịu nổi, nhất là khiến tôi không hoàn thành công việc nêm nếm món ăn, trong khi nấu ăn cho khách sạn.

Hiệu quả công việc kém, nên tôi đành xin nghỉ việc. Tôi đến khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Sau khi nghe bác sỹ khám bệnh nói tôi bị ung thư lưỡi.

Lúc này nghe xong, tôi như rụng rời chân tay, mặt mày tái nhợt vì không tin đó là sự thật. Tôi vẫn mong một phép mầu nào đó khiến cho lời kết luận của bác sỹ chỉ là sự nhầm lẫn”.

Tuy nhiên, kết luận cuối cùng của các bác sỹ bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khiến cho anh Hải Phú không thể tiếp tục hy vọng được nữa. Đó là anh đã bị mắc bệnh ung thư lưỡi giai đoạn cuối.

Theo các bác sỹ, bệnh của anh khó qua khỏi. Sự việc đau lòng này khiến anh một lần nữa như khuỵu xuống, không thể tin nổi mình có thể sắp chết đến nơi.

Trao đổi nhanh với PV báo Người Đưa Tin tiến sĩ, bác sỹ Bùi Xuân Trường, trưởng khoa Ngoại 5, bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) cho biết, bệnh ung thư lưỡi không phải là bệnh lạ, nhưng so với các bệnh ung thư khác nó chiếm tỷ lệ ít hơn.

Tuy nhiên, thời gian mấy năm trở lại đây, căn bệnh ung thư lưới xảy ra nhiều hơn so với các năm trước. Ung thư lưỡi là ung thư hốc miệng thường gặp nhất có tỷ lệ từ 22 – 39%. Trong đó tỷ lệ này xảy ra nhiều hơn ở nam giới.

Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ 2-4 lần. Nguyên nhân thường gặp là do hút thuốc lá và uống rượu, những người nghiện thuốc và rượu bia có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường 20 đến 35 lần so với người bình thường.

Ảnh 4.

Bác sỹ Trường đang khám cho bệnh nhân ung thư lưỡi.

Tại bệnh viện ung bướu, ước tính có khoảng 70% bệnh nhân mắc bệnh ung thư lưỡi do hút và thuốc uống rượu bia.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như vệ sinh răng miệng kém, chấn thương răng, nhai trầu, nhiễm vi khuẩn HPV... cũng là nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi.

Theo thống kê số liệu từ bệnh viện Ung bướu thì thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 ca mắc bệnh ung thư lưỡi mỗi năm.

Chưa đầy 6 tháng đầu năm, tại bệnh viện này có 248 ca bệnh nhân điều trị bệnh ung thư lưỡi. Tỷ lệ người bệnh ngày càng trẻ hóa. Trong đó có 2/3 bệnh nhân là nam gới.

Hầu hết bệnh nhân có độ tuổi 40 đến 60 tuổi. Trước đây trên 90 % bệnh nhân có độ tuổi từ 60 đến 80 tuổi thì nay đã có sự thay đổi nhiều.

Hầu hết bệnh nhân tập trung từ 40 đến 60 tuổi. Đáng nói, năm 2014 có 80 bệnh nhân bị ung thư lưỡi dưới 40 tuổi. Có nhiều bệnh nhân có độ tuổi dưới 20 bị ung thư lưỡi.

Theo các bác sỹ chuyên khoa, sở dĩ ngày càng xuất hiện nhiều bệnh nhân ung thư lưỡi trẻ hóa, là do lối sống hiện đại. Nhiều bệnh nhân hút thuốc, uống rượu bia sớm và nhiều hơn.

Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm nên đến các bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị sớm, thì sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh sớm.

Dấu hiệu sức khỏe đầu tiên là xuất hiện vết loét nhỏ, hơi ê, đau. Sau một tuần không chịu lành vết thương, thì bệnh nhân nên đi khám. Bệnh tiến triển rất nhanh. Do đó nếu để tới một vài tháng không đi khám, thì có nguy cơ khó chữa khỏi.

Hiện nay, có 2/3 trường hợp bệnh nhân bị ung thư lưỡi khi khám, thì phát hiện mình bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối.

Lúc này ung thư đã lan khắp lưỡi, bệnh nhân khó ăn, nói và nuốt, hạch cổ di căn to, bệnh nhân đau và không còn cơ hội phẫu thuật, chỉ chờ đến ngày ra đi.

Nếu điều trị sớm bệnh nhân giai đoạn cuối có thể sống thêm sáu tháng đến nửa năm. Còn những bệnh nhân đến điều trị sớm có thể có cơ hội sống thêm được năm năm.

Để phòng bệnh ung thư lưỡi, bệnh nhân cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc, rượu bia, vệ sinh răng miệng tốt, khám răng thường xuyên. Nên ăn uống đầy đủ các chất, tăng cường trái cây, rau xanh...

2. Căn bệnh gây đau đớn hơn nhiều bệnh lý khác

TS.BS Bùi Xuân Trường cho biết, hầu hết những bệnh nhân bị bệnh ung thư đều phải trải qua thời kỳ đau khổ, khi bệnh giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, với bệnh ung thư lưỡi, bệnh nhân có cảm giác thương tâm hơn, bệnh nhân ăn nói không được, miệng có bướu to, người gầy rộc, đau đớn, bác sỹ sẽ phải điều trị bằng morphine giúp cho bệnh nhân giảm đau.

*Tên bệnh nhân đã thay đổi



Tác giả: KP