Báo động tình trạng trầm cảm sau sinh ở Việt Nam: Phòng tránh bằng những việc làm đơn giản này

Báo động tình trạng trầm cảm sau sinh ở Việt Nam: Phòng tránh bằng những việc làm đơn giản này
Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh đáng sợ của cuộc sống hiện đại. Ngoài việc khiến cho cơ thể sản phụ bị suy kiệt, thần kinh căng thẳng thì trầm cảm còn gây ra những hệ lụy đau lòng như tự tử, mẹ giết con...như những gì đã từng xảy ra trước đó.

1. 15% phụ nữ trầm cảm sau sinh

Đây là con số thống kê của Bệnh viên Tâm thần Mai Hương. Thực tế, trầm cảm sau sinh ngày càng trở thành một căn bệnh phổ biến trong đời sống hiện đại. Nhiều người thắc mắc tại sao để đến mức tự tử mới phát hiện người thân của mình bị trầm cảm? Vậy trước đó, bố mẹ, chồng của người phụ nữ sau sinh ở đâu?

Các biểu hiện của trầm cảm sau sinh thường rất dễ bị phớt lờ, nhiều người che giấu, không nói ra, gia đình cũng không quan tâm để ý và khi phát hiện thì đã quá muộn. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thu An, cơ thể người phụ nữ sau sinh có sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết (Estrogen, Progestrogen và hormone tuyến giáp suy giảm) dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, những căng thẳng, vất vả khi chăm con sẽ khiến người phụ nữ càng trở nên chán nản. Trường hợp gia đình bất hòa, kinh tế khó khăn thì bệnh trầm cảm sau sinh càng trở nên nặng hơn.

2. Khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu

Theo chuyên gia phân tích, bệnh trầm cảm sau sinh rất khó nhận biết và hầu như không có biểu hiện đặc trưng. Nhiều người còn cho rằng tâm trạng buồn chán chỉ là những biểu hiện cảm xúc tiêu cực sẽ biến mất trong một thời gian. Tất nhiên những biểu hiện tuy khó nhận biết nhưng không phải không thể phát hiện ở giai đoạn đầu. Theo đó, người mẹ bị trầm cảm thường cảm thấy đau ở một nơi nào đó trên cơ thể nhưng thực tế không phải vậy. Họ sẽ rơi vào trạng thái chán nản, hay suy nghĩ bất an, lo con mình sẽ bị hại hay mình là một bà mẹ tồi, thậm chí muốn giết con rồi tự kết liễu đời mình ngay sau đó. Đặc điểm chung của người trầm cảm sau sinh là chán ăn, mất ngủ, điều này càng khiến cơ thể người phụ nữ bị suy kiệt.

Trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể phòng tránh, phát hiện sớm. Đa phần người bị trầm cảm là những người thần kinh yếu, dễ mất cân bằng cảm xúc. Đôi khi họ cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng khi đứng trước khó khăn. Chính vì vậy, đây là giai đoạn họ rất cần có người bên cạnh để trò chuyện, giúp đỡ họ vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

Đừng bỏ mặc người phụ nữ sau sinh

Cũng bởi lý do trên, bà Nguyễn Thị Thu An cho rằng, cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này là trong thời gian mang thai và sau sinh, đừng nên để người phụ nữ phải cô đơn và phải xoay xở mọi việc một mình. Người chồng lúc này hãy san sẻ việc chăm con với vợ. Có như vậy, sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Với bản thân người phụ nữ, khi thấy mọi việc quá tải, không nên âm thầm chịu đựng mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Đối với người nhà, hãy để ý đến từng cảm xúc của sản phụ, đừng thờ ơ mà hãy ân cần hỏi thăm, động viên. Nếu thấy những biểu hiện như mất ngủ, chán ăn, ít nói, hãy tìm hiểu kỹ, nếu không được cần đưa tới chuyên gia tâm lý để điều trị.

Trầm cảm sau sinh nếu để bệnh nặng sẽ rất khó chữa. Khi đó, sản phụ có tâm lý từ chối chữa bệnh vì những ám ảnh vô lối, sự hoang tưởng, hậu quả để lại rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm nếu như người thân biết chú ý, quan tâm. Tốt nhất ai cũng nên có kiến thức để phòng tránh căn bệnh tâm lý tàn khốc này bằng những cách đơn giản hàng ngày như tập luyện để tinh thần thư thái, ăn uống khoa học điều độ, giữ thói quen trò chuyện, tâm sự với người thân, tránh thức khuya căng thẳng thần kinh...

Xem thêm: Bỏ ra 5 phút để biết bạn có bị trầm cảm sau sinh hay không

 

Theo An Ninh thủ đô

Minh Ngọc

Tác giả: Minh Ngọc