Thời gian qua, liên tiếp những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên đang trở thành nỗi ám ảnh đối với xã hội. Đây là một trong những hệ lụy đáng tiếc từ tình trạng trầm cảm ở học sinh và không có sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ gia đình, nhà trường, bạn bè.
Cụ thể, tháng 4/2018 nam học sinh lớp 10, trường Tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM đã nhảy từ mái tôn xuống đất tử vong sau nỗ lực khuyên giải bất thành của thầy cô và bạn bè. Theo thư tuyệt mệnh để lại, nguyên nhân khiến em tự kết thúc sự sống là do áp lực trong học tập khi không đạt kỳ vọng của gia đình, thầy cô.
Trầm cảm ở học sinh gây ra nhiều hệ luỵ đáng sợ (Ảnh: Internet)
Trước đó, một học sinh lớp 9 ngụ tại quận 1, TPHCM cũng nhảy từ lầu 7 chung cư vì bị điểm kém trong môn tiếng Anh. Sau sự ra của em, gia đình đã đau đớn chia sẻ về những áp lực từ việc học là nguyên nhân khiến em bị trầm cảm. Mặc dù đã được gia đình quan tâm, chăm sóc và đưa tới gặp bác sĩ tâm lý, nhưng tình trạng trầm cảm ở học sinh này cũng không hề cải thiện.
Ngoài ra, cuộc sống hiện đại cũng có những mặt trái tiêu cực, là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở học sinh. Trẻ em sống ở các đô thị thường phải đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực học tập, sự cạnh tranh lẫn nhau, bên cạnh đó là kỳ vọng quá lớn của gia đình.
Những vấn đề trên đã đè nặng tâm lý trẻ dẫn tới những căng thẳng tinh thần, tác động không nhỏ lên vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ.
Tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Quận Thủ Đức (lần thứ IV) nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược, TPHCM đã công bố kết quả "giật mình" về vấn đề rối loạn tâm thần và trầm cảm ở học sinh THPT.
Kết quả khảo sát về mức độ trầm cảm ở học sinh (Ảnh: Internet)
Tác giả Thái Thanh Trúc cùng cộng sự, cho hay nghiên cứu của nhóm được thực hiện trong năm 2018 tại 3 trường trên địa bàn TPHCM gồm: Nguyễn Khuyến; Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Nguyễn Thái Bình với 1.114 học sinh tham gia ở quy mô 27 lớp gồm cả 3 khối, trên cơ sở đánh giá cả 3 khía cạnh trầm cảm, lo âu, căng thẳng.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ căng thẳng ở học sinh chiếm hơn 35,1%; lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Trong đó, nhiều trẻ đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp mắc cả 3 vấn đề nêu trên.
So với khối 10 thì học sinh khối 12 phải trải qua kỳ thi cuối cấp và kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, khối lượng bài vở lớn và kiến thức nhiều nên tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, tình trạng trầm cảm ở học sinh có điều kiện kinh tế ở mức nghèo cũng phổ biến hơn do thường phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nặng nề hơn.
Một kết quả nghiên cứu khác được nhóm thực hiện tại khu vực Tây Nguyên về vấn đề trầm cảm ở học sinh chỉ ra xu hướng nguy hiểm hơn khi có tới 27,9% em muốn tìm đến cái chết. Nhóm học sinh ở Tây Nguyên không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn đối mặt với những vấn đề gia đình, xã hội, bị lạm dụng cả về sức lao động lẫn thể xác.
Cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, xã hội để giải quyết tình trạng trầm cảm ở học sinh (Ảnh: Internet)
Từ thực tế trên, các bác sĩ đề nghị cần có các hoạt động khám sàng lọc, tổ chức tư vấn tâm lý học sinh. Gia đình học sinh cần tìm hiểu các rối loạn tâm thần phổ biến như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh những vấn đề stress, lo âu, trầm cảm để giúp làm giảm các vấn đề về rối loạn tâm thần trong trường học.
Việc phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp tình trạng trầm cảm ở học sinh được cải thiện, hỗ trợ các em vượt qua được các giai đoạn khó khăn và phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng trong đó có tự tử.