Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em: Đâu là dấu hiệu nhận biết sớm “căn bệnh của xã hội hiện đại”?

Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em: Đâu là dấu hiệu nhận biết sớm “căn bệnh của xã hội hiện đại”?
Chỉ trong một ngày, liên tiếp 2 vụ trẻ vị thành niên tự tử đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Theo đó, rạng sáng ngày 1/4, một nam sinh 16 tuổi tại Hà Nội đã để lại thư tuyệt mệnh rồi trèo ra ban công từ tầng 28 nhảy xuống đất và tử vong.

Chỉ trong một ngày, liên tiếp 2 vụ trẻ vị thành niên tự tử đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Theo đó, rạng sáng ngày 1/4, một nam sinh 16 tuổi tại Hà Nội đã để lại thư tuyệt mệnh rồi trèo ra ban công từ tầng 28 nhảy xuống đất và tử vong.

Cùng ngày hôm đó, tại Bắc Ninh, một nữ sinh lớp 8 được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ cùng lá thư và nhật ký nói rằng "mình sắp đi xa".

2 sự việc đau lòng này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên vì tự tử ở lứa tuổi này là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi ngày càng có xu hướng gia tăng.

Thời gian gần đây, các bệnh viện ghi nhận có sự gia tăng đáng kể bệnh trầm cảm ở trẻ em, trong đó đa số là học sinh, sinh viên. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo với các bậc làm cha mẹ bởi tuy ít được chú ý nhưng số người chết vì nó còn cao hơn cả nạn nhân của tai nạn giao thông.

Những con số đáng lo ngại

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử vì trầm cảm. Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% đến 6%.

Còn theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở nước ta là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Một khảo sát dịch tễ học được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố của nước ta cho thấy, mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em cũng vào khoảng 12%, tương đương với hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn...) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý…), theo nguồn tin từ báo Hà Nội Mới.

Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em: Đâu là dấu hiệu nhận biết sớm “căn bệnh của xã hội hiện đại”? - Ảnh 1.

Theo các trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tấn công sức khỏe con người (sau tim mạch). (Ảnh: Internet)

Đồng thời, các chuyên gia tham dự đã trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tấn công sức khỏe con người (sau tim mạch). Mặc dù có mức độ ảnh hưởng lớn, nhưng trầm cảm chỉ là một phần của các chứng bệnh tâm lý ở người trẻ như lo âu, căng thẳng, bạo lực, tăng động rối loạn giới tính đang diễn ra hằng ngày ở trường học và gia đình, theo báo Kiến Thức.

Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Huy Việt - Nguyên Trưởng bộ môn Tâm thần (ĐH Y Hà Nội) cho biết, trong rối loạn sức khỏe tâm thần thì phổ biến nhất là bệnh trầm cảm. Hiện nay có khoảng 3% - 5% dân số thế giới mắc bệnh này. Ngoài lý do bệnh tật thì bị trầm cảm do chịu áp lực, quá tải, lo lắng, stress từ cuộc sống là căn bệnh của thời đại khiến cho bộ não bị quá tải. Người trầm cảm nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây tổn thương cho chính mình, phản ứng tiêu cực với người chung quanh, có thể tự sát hoặc giết người.

Dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh trầm cảm ở trẻ em là gì?

Theo các tài liệu y khoa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguyên nhân dẫn đến trầm cảm có thể do bệnh nhân bị căng thẳng trong cuộc sống hoặc mắc các bệnh lý như bệnh tim, hô hấp, ung thư…

Trong đó, các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn...) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý…).

Những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em cơ bản thường bao gồm cảm giác buồn bã, vô vọng và thay đổi tâm trạng. Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em rất đa dạng và thường không được nhận biết hay điều trị vì người lớn rất dễ bỏ qua. Do đó, bạn ­có thể cho rằng đó chỉ là những thay đổi về cảm xúc và thể chất của trẻ.

Các nghiên cứu mới đây tập trung vào chứng trầm cảm "được ngụy trang", nghĩa là khi trẻ bộc lộ bằng cách ứng xử giận dữ rất khác với bình thường. Nhiều trẻ còn có biểu hiện buồn bã hoặc chán chường khi giao tiếp với người lớn bị trầm cảm.

Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em: Đâu là dấu hiệu nhận biết sớm “căn bệnh của xã hội hiện đại”? - Ảnh 3.

Những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em cơ bản thường bao gồm cảm giác buồn bã, vô vọng và thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em rất đa dạng và thường không được nhận biết hay điều trị vì người lớn rất dễ bỏ qua. (Ảnh: Internet)

Biểu hiện trầm cảm ở trẻ có những đặc điểm khác so với trầm cảm ở người lớn, cụ thể như sau:

- Triệu chứng cơ thể: 

Cảm giác đau chính là triệu chứng hay được kể đến. Theo đó, trẻ thường xuyên cảm thấy đau đầu, đau bụng, đau ngực, ngột ngạt kèm cảm giác lo buồn chán nản...

Tuy nhiên, các biểu hiện triệu chứng cơ thể nổi bật nêu trên cũng xảy ra khá phổ biến nên đôi khi, với những dấu hiệu này mọi người thường bỏ qua và cũng khó phát hiện chẩn đoán sớm. Chưa kể, đa phần các trường hợp này, bố mẹ thường đưa đến các cơ sở nội nhi khám bệnh với các chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ thể về tim mạch, tiêu hoá, thần kinh..., và được điều trị bằng các thuốc chuyên khoa đặc hiệu điều trị các dấu hiệu kể trên nhưng không thấy kết quả, hoặc không thấy có các bằng chứng tổn thương thực thể rõ ràng.

- Khí sắc trầm:

Với biểu hiện này, trẻ thường có cảm giác buồn chán không rõ rệt, cũng không giải thích được nguyên nhân tại sao. Đồng thời hay cáu kỉnh, giảm hứng thú trong học tập, và cả trong các sinh hoạt nhóm hay đoàn thể, các hoạt động đông người.

- Giảm chú ý, khó tập trung:

Đây là một biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở trẻ mắc bệnh trầm cảm. Bố mẹ có thể thấy ngay ở kết quả học tập của trẻ. Quá trình này có thể diễn ra từ từ hoặc nhanh chóng tùy thuộc vào từng trẻ. Đây cũng là lý do quan trọng mà các bậc cha mẹ đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh hoặc tư vấn tâm lý.

Song, bên cạnh đó, một số khác lại cảm thấy hưng phấn, thấy khả năng của mình vượt trội, trẻ chăm chỉ học tập. Kết quả bước đầu có thể tốt nhưng sau đó cũng bị giảm sút một cách rõ rệt.

- Tự cô lập bản thân, không muốn giao tiếp: 

Trẻ thu mình, tự cô lập và không muốn giao tiếp hay tham gia các hoạt động đoàn thể, liên tục phàn nàn không có bạn thân hoặc khó chia sẻ với bạn.

Trẻ thờ ơ, ít quan tâm đến các hoạt động diễn ra xung quanh và cả những người xung quanh, thậm chí là những người thân thiết nhất. Các biểu hiện thay đổi ở các mức độ khác nhau, từ tình trạng kém nhiệt tình đến thờ ơ…

 - Rối loạn ăn uống:

Biểu hiện nổi bật là cảm giác chán ăn, không có hứng thú trong ăn uống, mất cảm giác ngon miệng, hậu quả là trẻ bị giảm cân. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp ăn nhiều hơn bình thường, hoặc ăn uống vô độ dẫn đến tăng cân.

- Rối loạn giấc ngủ:

Trẻ ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, trong nhiều trường hợp trẻ thường xuyên gặp ác mộng. Có thể biểu hiện tình trạng trẻ nằm nhiều nhưng lại mất ngủ, thường phàn nàn khó vào giấc ngủ hay chất lượng giấc ngủ giảm sút, hay bị thức giấc lúc nửa đêm, dậy sớm...

- Rối loạn hành vi:

Với những trẻ mắc bệnh trầm cảm, ngoài các biểu hiện kể trên, trẻ còn bị rối loạn hành vi như: quậy phá, chống đối xã hội, chống đối bố mẹ, trộm cắp, dễ sa vào con đường xấu…

- Tự sát:

Đây cũng là một triệu chứng rất quan trọng và nghiêm trọng trong bệnh trầm cảm nói chung (ở cả người lớn và trẻ em).

Trẻ có thể cảm thấy tồi tệ đến mức muốn thực hiện hành vi tự sát bằng các hình thức khác nhau như uống thuốc, đập đầu vào tường, thắt cổ, cắt mạch máu,... và thường xảy ra ở bệnh nhân có mức độ trầm cảm nặng.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, trầm cảm là một bệnh lý mạn tính, cần điều trị lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì cũng như cần có sự thấu hiểu, hỗ trợ, động viên từ người thân. Khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu mất ngủ, lo âu, mệt mỏi, kém tập trung… kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần phải đưa con đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

https://suckhoehangngay.vn/bao-dong-benh-tram-cam-o-tre-em-dau-la-dau-hieu-nhan-biet-som-can-benh-cua-xa-hoi-hien-dai-20201116170429879.htm
Tác giả: An Nhi