Cơ thể thừa đường là nguyên nhân gây nên vô số bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn khá chủ quan do chưa nắm được đầy đủ thông tin. Cùng tìm hiểu thêm về các bệnh lý do thừa đường trong bài viết sau đây nhé!
Chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm cả bệnh tim. Cụ thể chế độ ăn nhiều đường sẽ dẫn đến béo phì, viêm, chỉ số triglyceride, lượng đường trong máu và huyết áp cao. Đây đều là những yếu tố nguy cơ của các căn bệnh liên quan đến tim mạch. Ngoài ra, việc cơ thể thừa đường còn là tác nhân gây ra chứng xơ vữa động mạch.
Việc sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá. Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn. Đồng thời, đồ ngọt cũng khiến lượng đường trong máu và insulin tăng. Đây là nguyên nhân gây tăng tiết androgen, sản xuất dầu và viêm, khiến mụn trứng cá phát triển.
Bệnh tiểu đường type 2 có thể đến từ những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chế độ ăn uống nhiều đường được chứng minh có mối quan hệ với căn bệnh này. Béo phì do tiêu thụ quá nhiều đường được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, việc cơ thể thừa đường sẽ thúc đẩy tình trạng kháng insulin. Insulin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy nhằm điều chỉnh lượng đường trong máu. Kháng insulin sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao và làm tăng mạnh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Việc sử dụng quá nhiều đường hàng ngày có thể khiến cho một số căn bệnh ung thư phát triển. Béo phì và kháng insulin do thừa đường là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cơ thể thừa đường là một trong những tác nhân gây ung thư thực quản, ung thư màng phổi và ung thư ruột non. Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cũng sẽ cao hơn ở những phụ nữ thường xuyên sử dụng đồ ngọt.
Fructose được chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Không giống glucose và các loại đường khác, fructose không được hấp thụ bởi phần lớn tế bào trên cơ thể. Fructose chỉ được hấp thụ bởi gan và được chuyển thành năng lượng hoặc được lưu trữ dưới dạng glycogen.
Tuy nhiên, gan chỉ có thể lưu trữ glycogen trước khi lượng dư thừa được chuyển thành chất béo. Do đó, một lượng lớn đường được dung nạp vào dưới dạng fructose làm gan bị quá tải. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ dù bạn không sử dụng bia, ruợu.
Bên cạnh những bệnh lý trên, cơ thể thừa đường còn dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Cụ thể như sau:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh thận: Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương cho các mạch máu ở thận. Điều này diễn ra thường xuyên chính là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh về thận.
- Tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng: Việc sử dụng các món ăn quá nhiều đường có thể gây ra sâu răng và các bệnh răng miệng. Bởi các vi khuẩn trong khoang miệng sẽ ăn đường và giải phóng các sản phẩm phụ axit, gây khử khoáng răng.
- Tăng nguy cơ phát triển bệnh gout: Gout là một tình trạng viêm đặc trưng bởi đau ở khớp nhưng lại có liên quan đến đồ ngọt. Cơ thể thừa đường sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu, làm tăng nguy cơ phát triển hoặc khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
- Đẩy nhanh sự suy giảm trí nhớ: Chế độ ăn nhiều đường có thể khiến quá trình suy giảm trí nhớ diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, nó còn làm tăng nguy cơ đãng trí hay thậm chí là mất trí nhớ.
Các bệnh lý do cơ thể thừa đường sẽ được hạn chế và kiểm soát nhờ chế độ ăn uống khoa học. Do đó, hãy hạn chế đồ ngọt ngay từ hôm nay để bảo vệ mình khỏi các căn bệnh này nhé!