Bạn có thể bị mụn rộp do nhiễm virus Herpes khi đi bơi không?

Bạn có thể bị mụn rộp do nhiễm virus Herpes khi đi bơi không?
Herpes là một nhóm virus có thể dẫn đến vết loét ở miệng hoặc bộ phận sinh dục. Virus này cực kỳ dễ lây lan - nhưng bạn có thể nhiễm nó khi đang bơi không, hay clo có thể tiêu diệt mụn rộp không?

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới - WHO, ước tính có khoảng 3,7 tỷ người dưới 50 tuổi (67%) trên toàn cầu nhiễm virus herpes simplex loại 1 (HSV-1), nguyên nhân chính gây ra mụn rộp miệng. Ước tính có khoảng 491 triệu người trong độ tuổi 15–49 (13%) trên toàn thế giới nhiễm virus herpes simplex loại 2 (HSV-2), nguyên nhân chính gây ra mụn rộp sinh dục.

Virus herpes simplex (HSV), được gọi là herpes, là một bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể gây ra mụn nước hoặc vết loét đau đớn. Bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc da kề da. Mụn rộp do loại virus này có thể điều trị được nhưng không thể chữa khỏi.

Có hai loại virus Herpes: Loại 1 là HSV-1 thường gây ra mụn rộp ở miệng, có thể gây ra vết loét lạnh, mụn nước và mụn rộp ở lưỡi. Loại 2 là HSV-2 thường gây ra mụn rộp sinh dục, có thể gây ra các mụn nước đau đớn ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Vào mùa hè, nhu cầu bơi lội để giải nhiệt tăng cao. Điều này làm dấy lên nỗi lo ngại rằng liệu virus herpes có thể lây lan qua nước hay không? Những người bị mụn rộp do herpes có nên đi tắm ở hồ bơi hay không?

1. Con đường lây nhiễm của virus herpes

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới WHO, HSV-1 chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với vi-rút ở vết loét, nước bọt hoặc bề mặt trong hoặc xung quanh miệng. Ít phổ biến hơn, HSV-1 có thể lây truyền đến vùng sinh dục thông qua tiếp xúc bằng miệng hoặc bộ phận sinh dục.

Loại virus này có thể lây truyền từ các bề mặt miệng hoặc da có vẻ bình thường; tuy nhiên, nguy cơ lây truyền lớn nhất là khi có vết loét đang hoạt động. Những người đã nhiễm HSV-1 không có nguy cơ tái nhiễm nhưng họ vẫn có nguy cơ nhiễm HSV-2.

HSV-2 chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục khi tiếp xúc với bề mặt bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, da, vết loét hoặc chất dịch của người bị nhiễm vi-rút. HSV-2 có thể lây truyền ngay cả khi da trông bình thường và thường lây truyền khi không có triệu chứng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, mụn rộp (HSV-1 và HSV-2) có thể truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, gây ra mụn rộp ở trẻ sơ sinh.

Bạn có thể bị mụn rộp do nhiễm virus Herpes khi đi bơi không? - Ảnh 2.

Virus herpes chủ yếu lây qua tiếp xúc da kề da (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Trẻ mắc bệnh này tuyệt đối không được đi bơi

Phát ban da do clo khi đi bơi và những điều cần biết

2. Bạn có thể bị nhiễm Herpes khi đi bơi không?

Theo Cedars-Sinai, mụn rộp thường lây lan qua tiếp xúc da kề da. Theo đó, khả năng mắc bệnh mụn rộp trong hồ bơi - nếu không tiếp xúc cơ thể với người nhiễm vi-rút - là thấp.

Đó là bởi vì các chất khử trùng hóa học như clo thường tiêu diệt mụn rộp - theo Đại học Nebraska-Lincoln.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhiễm vi-rút trong hồ bơi nếu tiếp xúc cơ thể với người bị bệnh mụn rộp hoặc nếu bạn sử dụng chung một số dụng cụ như khăn tắm hoặc một số đồ dùng cá nhân có sự tiếp xúc với da.

3. Bạn có thể đi bơi khi đang bùng phát mụn rộp do herpes không?

Có, bạn có thể đi bơi khi đang bùng phát bệnh mụn rộp. Tuy nhiên, bơi trong hồ bơi với vết thương hở có thể khiến bạn có nguy cơ bị kích ứng và đau đớn. Clo có thể gây đau và kích ứng vết loét.

Nếu bạn định đi bơi trong thời điểm bùng phát bệnh mụn rộp, đây là một số mẹo có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn:

Mặc đồ bơi: Khi tắm ở hồ bơi bạn nên che vết phồng rộp lại. Một bộ đồ bơi sẽ bảo vệ khỏi sự tiếp xúc vô tình của người khác với mụn nước, đồng thời cũng có thể làm giảm đau và kích ứng do clo, vì đồ bơi là rào cản giữa da và nước.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thoa thuốc: Sau khi đi bơi về bạn nên tắm rửa lại sạch sẽ, khô ráo và thoa thuốc.

- Dùng kem chống nắng: Ánh sáng mặt trời có thể kích hoạt bùng phát mụn rộp. Bạn nên thoa kem chống nắng, bao gồm cả son dưỡng môi có chỉ số chống nắng (SPF). Điều này có thể giúp bạn tránh bùng phát bệnh mụn rộp.

Bạn có thể bị mụn rộp do nhiễm virus Herpes khi đi bơi không? - Ảnh 3.

Mặc đồ bảo hộ khi bơi để tránh tiếp xúc mụn rộp với người khác (Ảnh: Internet)

4. Cách phòng ngừa và điều trị mụn rộp

Herpes không thể chữa khỏi. Nhưng may mắn thay, bệnh này có thể phòng ngừa được và có những phương pháp điều trị giúp giảm bớt sự bùng phát.

- Bạn có thể giảm nguy cơ mắc hoặc lây truyền mụn rộp miệng bằng cách không dùng chung các vật dụng tiếp xúc với miệng, như cốc, đồ dùng, bàn chải đánh răng và khăn tắm.

- Quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su

- Tăng cường miễn dịch với lối sống lành mạnh để tránh mụn rộp bùng phát

Các phương pháp điều trị mụn rộp do herpes (đối với cả vết loét miệng và bộ phận sinh dục) bao gồm:

- Thuốc kháng vi-rút hoặc thuốc mỡ theo toa (Những loại thuốc này có tác dụng tốt nhất khi bắt đầu sớm, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào. Bạn có thể bị ngứa ran hoặc đau trước khi nhìn thấy vết sưng.)

- Chườm gạc mát hoặc ấm lên vết loét bị kích thích

- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen để giảm đau

Tóm lại, mụn rộp do virus herpes thường lây cho người khác khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân. Mặc dù tỷ lệ nhiễm herpes khi đi bơi là thấp nhưng đi bơi cũng dễ bị nhiễm trùng do các vi khuẩn, virus khác như Cryptosporidium - gây ra bệnh tiêu chảy, Pseudomonas aeruginosa - gây phát ban, Legionella - nhiễm trùng phổi,...

Để đảm bảo an toàn, mọi người nên lựa chọn hồ bơi sạch sẽ, sử dụng đồ bảo hộ như kính mắt, quần áo bơi và nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể, tai, mắt, mũi,... sạch sẽ.

Nguồn tham khảo:

1. Is It OK to Go Swimming If You Have a Herpes Outbreak?

2. Can You Get Herpes While Swimming?


Tác giả: Vân Anh