Bạn có biết: Ô nhiễm giao thông có thể làm tăng nguy cơ hiếm muộn ở phụ nữ

Bạn có biết: Ô nhiễm giao thông có thể làm tăng nguy cơ hiếm muộn ở phụ nữ
Theo khảo sát mới đây được công bố trên tạp chí Human Reproduction, ô nhiễm giao thông, đặc biệt là ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ hiếm muộn ở phụ nữ.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng các phương tiện giao thông cũng ngày một tăng cao. 

Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông đã "thải" ra ngoài môi trường rất nhiều các loại khí độc hại cho sức khỏe như khí CO, CO2, NO2, các loại khói đen,...

1. Khói bụi giao thông là tác nhân gây hiếm muộn ở phụ nữ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những loại khí này khi đi vào cơ thể con người có thể gây ra rất nhiều những căn bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch và các bệnh về tim mạch, gây ung thư hay làm giảm tuổi thọ của con người. Và mới đây nhất, theo khảo sát mới đây của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Human Reproduction, ô nhiễm không khí, đặc biệt là do khói bụi giao thông, có thể ảnh hưởng đến tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ.

Ảnh 2.

Khảo sát cho thấy phụ nữ sống gần xa lộ ít có cơ hội thụ thai hơn (Nguồn: EXAMINER).

Theo đó, Tiến sĩ Shruthi Mahalingaiah tại Đại học Y khoa Boston và các cộng sự của mình đã tiến hành khảo sát trên 36.000 phụ nữ, theo dõi họ trong vòng 10 năm và phân tích khả năng việc phơi nhiễm với khói bụi giao thông có kéo giảm cơ hội thụ thai hay không. Qua thời gian này, có tới 2.500 trường hợp bị ghi nhận các phụ nữ bị hiếm muộn do tiếp xúc với khói bụi giao thông.

Các số liệu chỉ ra rằng những người sống gần xa lộ với khoảng cách dưới 200m có tỉ lệ nguy cơ hiếm muộn ở phụ nữ cao hơn 11% so với những người sống ở những khu vực xa hơn khoảng cách này. Nhóm nghiên cho rằng tỉ lệ nguy cơ nêu trên có thể bị xem là nhỏ đối với cá nhân nhưng lại thể hiện vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng.

Mặt khác, các nhà khoa học ghi nhận tỉ lệ chênh lệch về khả năng mang thai giữa người sống cách xa lộ ít hơn 200m với người sống xa hơn ở nhóm phụ nữ chưa từng mang thai chỉ khoảng 5%. Tuy nhiên, mức chênh lệch tương tự ở những phụ nữ từng mang thai lên tới 21% và đó là một tỉ lệ đáng kể.

2. Làm thế nào để hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm ít nhất có thể?

"Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nguy hiểm đối với cặp vợ chồng vô sinh. Họ nên chuyển tới khu vực có môi trường sống trong lành để hạn chế các tác động xấu tới sức khỏe", Tiến sĩ Sajal Gupta tại phòng khám Cleveland nhấn mạnh.

Nhiều nhà khoa học cho biết thêm, trong môi trường ít ô nhiễm, mối liên hệ giữa chất lượng không khí và khả năng sinh sản ở nữ giới vẫn tồn tại. Mối liên kết này ngày càng chặt chẽ khi mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn gia tăng.

"Ô nhiễm không khí sẽ tác động tới khả năng sinh sản ở phụ nữ khi họ sống gần đường lớn với mật độ giao thông đông đúc. Các cặp vợ chồng vô sinh cần có biện pháp điều chỉnh lượng không khí trong nhà và hoạt động ngoài trời nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản", Tiến sĩ Christopher Somers tại Đại học Regina cho hay.

Tác giả: DNA