Bạn biết gì về dị ứng iot?

Bạn biết gì về dị ứng iot?
Dị ứng iot là tình trạng thường có thể xảy ra trên một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt, mẫn cảm cao,... Dị ứng iot có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ cho đến rất nặng nề, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

Iot là một chất hiện diện thường xuyên trong cơ thể người, trong các loại thực phẩm và một số chế phẩm bổ sung nhân tạo. Nó đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể người cả về thể chất và trí tuệ, điều hòa trình trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt,... Ngoài ra, iot còn được dùng trong y tế với mục đích sát khuẩn, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, điều trị ung thư,..

Người ta thấy rằng, iot không phải là một chất gây dị ứng bởi trong cơ thể chúng ta có sự xuất hiện tự nhiên của iot trong hormone tuyến giáp. Nhưng một số chất được sử dụng kèm theo với iot có thể gây nên hiện tượng dị ứng cho cơ thể, và đôi khi người ta có thể cho rằng đây là sự dị ứng iot của cơ thể.

1. Triệu chứng của dị ứng iot

Không có sự biểu hiện triệu chứng dị ứng iot chung cho tất cả mọi người, sự biểu hiện của các triệu chứng có thể ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng iot bao gồm:

- Nổi ban ngứa trên da, thường gặp khi sử dụng các chế phẩm chứa iot dạng bôi như cồn iot,...

- Nổi mề đay

- Trường hợp dị ứng nặng bệnh nhân có thể có các biểu hiện nặng nề hơn như phát ban toàn thân, phù nề đường hô hấp, khó thở,... Hoặc thậm chí có thể gây nên hiện tượng shock phản vệ.

Những biểu hiện của shock phản vệ khi bệnh nhân bị dị ứng iot rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy), rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, mạch nhanh, khó thở,...

2. Tác nhân gây nên dị ứng iot là gì?

Có nhiều tác nhân khác nhau có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng dị ứng iot ở người sử dụng. Thường hay gặp những tác nhân dị ứng iot phổ biến sau đây:

- Cồn iot: Là một chế phẩm sát trùng quen thuộc trong y tế, tuy nhiên có thể gây nên biểu hiện dị ứng trên các bệnh nhân có da nhạy cảm.

- Các thực phẩm có chứa iot: Những loại thực phẩm có chứa nhiều iot như sữa, cá, thịt, rong biển,... cũng được biết đến là tác nhân gây dị ứng iot khá hay gặp.

- Thuốc cản quang iot: Thuốc cản quang iot được dùng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng có thể gây nên sự dị ứng iot, những biểu hiện của dị ứng thuốc cản quang có chứa iot có thể rất trầm trọng, thậm chí là tử vong.

- Amiodarone: Là một loại thuốc có chứa iot sử dụng để kiểm soát tính trạng rung nhĩ cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân sử dụng Amiodarone có thể sẽ gặp phải các triệu chứng của dị ứng iot. Do đó việc chỉ định sử dụng Amiodarone cho bệnh nhân rung nhĩ cần được thực hiện rất thận trọng.

3. Chẩn đoán và điều trị

Thông thường khi nghi ngờ bệnh nhân bị dị ứng iot, các bác sĩ sẽ kiểm chứng lại nghi ngờ bằng cách dán các miếng dán có chứa iot, và một miếng dán với thành phần tương tự nhưng đã được loại bỏ iot lên da của người bệnh. Sau đó người ta sẽ đối chiếu phản ứng của da người bệnh để chắn chắn rằng phản ứng dị ứng là do iot gây ra chứ không phải một thành phần nào khác của miếng dán.

Nếu bệnh nhân đã được xác định chính xác dị ứng với iot, bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân sử dụng các thuốc kháng histamin hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như Corticosteroids để điều trị cho người bệnh.

Trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện dị ứng là shock phản vệ, người ta có thể sử dụng cho bệnh nhân sử dụng adrenalin để xử trí tình trạng shock.

Có thể thấy rằng, dị ứng iot là một tình trạng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Do đó nếu phát hiện cơ thể có các biểu hiện bất thường sau khi sử dụng các sản phẩm chứa iot, hãy đến ngay cơ sở y tế được xử lý kịp thời bằng các phương pháp thích hợp.

Nguồn dịch:

https://www.healthline.com/health/allergies/iodine#diagnosis-and-treatment

Tác giả: QN