Bài thuốc chữa bệnh vảy nến bằng đông y

Bài thuốc chữa bệnh vảy nến bằng đông y
Huyết nhiệt là nguyên nhân sinh ra vảy nến, đông y cho rằng bệnh có liên quan đến tạng can. Vậy chữa bệnh vảy nến bằng đông y như thế nào?

Để phòng trị vảy nến, nên thanh huyết, mát gan, nhuận phế, trừ phong, tăng cường khí huyết nuôi dưỡng tới bì phu. Bệnh vảy nến ăn uống mát bổ phù hợp còn hơn cả uống thuốc. Sau đây là một số món ăn thuốc mát bổ rất tốt cho người bệnh.

1. Bài thuốc chữa vảy nến bằng đông y

- Canh khổ qua

Khổ qua 200g bỏ ruột, đậu phụ non 30g, nấm mèo 20g, miến 20g, gia vị vừa đủ nhồi ruột trái nấu canh ăn. Tác dụng: dưỡng huyết, mát gan, giải độc, tăng miễn dịch.

- Canh khoai tím

Khoai tím 200g, tôm lột 50g băm nhỏ, rau mùi, hành, gia vị vừa đủ nấu ăn. Tác dụng: bổ âm, dưỡng huyết, nhuận phế, mát gan, giải độc.

- Canh bí đao

Bí đao 200g, chân gà 4 cái, làm sạch chặt khúc, thêm rau mùi, hành hoa, gia vị nấu canh ăn. Tác dụng: thanh phế, mát gan, sinh tân, lợi đại tiểu tiện.

- Canh atisô

Bông atisô tươi 200g, thịt vịt 50g, gia vị vừa đủ nấu nhừ ăn. Tác dụng: bổ huyết, mát gan, nhuận phế, thận, lợi mật, lọc máu, lợi tiểu.

- Canh rau má

Rau má 200g, thịt nạc lợn băm 50g nấu canh ăn. Tác dụng trị phế nhiệt ho khan, viêm họng, gan nóng, mụn nhọt...

- Canh chua cá kèo

Giá đậu 100g, dứa 50g, cà chua 30g, cá kèo làm sạch 100g, me, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

- Giò lợn tiềm thuốc

Sinh địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược, mạch môn mỗi vị 12g; câu kỷ, cúc hoa mỗi vị 10g hầm với móng giò lợn 1 cái. Tác dụng trị: bổ huyết, điều huyết, nhuận phế, mát gan...

- Rau diếp sốt cà chua

Rau diếp 100g, dưa leo 100g thái lát, cà chua 2 trái, thịt lợn băm 50g, gia vị vừa đủ. Thịt băm sốt và cà chua làm nước sốt chấm rau ăn.

- Chè đậu xanh

Đậu xanh 150g, nấm hương 20g, lá nha đam 50g tước vỏ cứng, đường cát vừa đủ nấu chè ăn. Tác dụng: dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế, giải độc, sinh tân dịch.

2. Phòng bệnh vảy nến như thế nào?

Để phòng trị bệnh, tăng cường ăn các loại rau bổ mát giàu vitamin A, B5, B có trong cà chua, bí đỏ, cà rốt, bông cải, rau dấp cá, mùng tơi, rau đay, lá lốt, giá đậu, nấm; sữa chua...; quả bơ, đu đủ, dâu, chuối, dưa hấu, dưa bở...

Ăn loại cá lành ít dị ứng như cá quả, cá rô, cá ba sa, cá hồi... Ăn gạo lứt, bắp tươi, đậu mè còn nguyên vỏ lụa... Uống nước mía, râu ngô, bột sắn dây, nhân trần, nước cam, chanh trái cây tươi.

Hạn chế ăn vị cay nóng mặn, tiêu ớt, ca-ri, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thịt cá khô kho mặn. Không hút thuốc lá, rượu bia. Tránh căng thẳng thần kinh.


Tác giả: Lương y Phan Thị Thạnh