Bài tập phục hồi cho bệnh nhân sau xạ trị ung thư vùng đầu cổ

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Bài tập phục hồi cho bệnh nhân sau xạ trị ung thư vùng đầu cổ
Với những bệnh nhân phải xạ trị ung thư vùng đầu cổ như ung thư miệng, ung thư amidan hay ung thư vòm họng thì hoạt động sinh hoạt gặp phải rất nhiều khó khăn. Dưới đây là bài tập phục hồi cho bệnh nhân sau xạ trị ung thư vùng đầu cổ bạn có thể tham khảo.

Xạ trị có thể làm cho các tổ chức mô mềm vùng đầu cổ bị biến đổi gây nên tình trạng viêm, lâu ngày dẫn đến biến chứng xơ chai vùng đầu cổ và làm mất đi sự chuyển động bình thường của vùng đầu cổ. 

Các biến chứng hay gặp sau xạ trị vùng đầu cổ như: xơ cứng vùng cổ, khít hàm hay hạn chế há miệng và khó nuốt. Để phòng ngừa và hạn chế các biến chứng trên xảy ra, ngay trong lúc xạ trị và sau khi xạ trị bệnh nhân phải thường xuyên luyện tập các động tác vận động vùng đầu cổ theo các hướng dẫn sau:

1. Xơ cứng cổ

Là cử động vùng cổ không được dễ dàng, mọi tư thế như xoay, cúi, ngửa cổ trở nên khó khăn. Nên nhớ là điều trị dự phòng vẫn tốt hơn là điều trị phục hồi khi biến chứng đã xảy ra.

Tốt nhất bạn nên thực hiện các động tác trong trạng thái sau: bệnh nhân ngồi trên một ghế dựa, hai vai thả lỏng tư nhiên, hai tay đặt lên đùi, hô hấp đều đặn và tự nhiên, không nên gắng sức.

Trong khi tập vận động vùng cổ, nếu da vùng cổ bị viêm loét thì bạn bphải nghỉ ngơi và xin ý kiến Bác sĩ về việc có nên tiếp tục tập nữa hay không.

1.1. Vận động các khớp vùng cổ

Gồm 5 động tác, mỗi động tác làm từ 3 đến 5 lần. Mỗi lần khoảng 3 giây. Tâp một cách thoải mái và tự nhiên, không nên gắng sức.

a) Gập – ngửa cổ: Từ từ gập cổ xuống hết mức (Hình 1a). Sau đó đưa cổ về vị trí trung gian. Tiếp tục từ từ ngửa cổ ra sau đến mức tối đa có thể chịu được (Hình 1b).

Ảnh 2.

Hình 1


Sau đó lại đưa cổ trở về lại vị trí trung gian.

(b) Xoay trái – phải: Xoay cổ nhẹ và chậm sang trái đến hết mức, sau đó trở về vị trí trung gian. Tiếp tục xoay cổ nhẹ và chậm sang phải đến hết mức (Hình 2).

Ảnh 4.

Hình 2

Sau đó lại đưa cổ trở về lại vị trí trung gian.

(c) Nghiêng trái – phải: Nghiêng cổ chậm sang trái đến khi tai trái chạm vào vai trái. Sau đó đưa cổ trở về vị trí trung gian. Tiếp tục làm như vậy sang bên phải (Hình 3).

Ảnh 6.

Hình 3

(d) Vận động cằm – cổ: Gập cổ sao cho phần cằm chạm vào cổ. Sau đó đưa cổ trở về vị trí trung gian.

(e) Vận động xoay vòng cổ: Xoay cổ theo chiều kim đồng hồ một vòng. Sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ một vòng.

1.2. Vận động căng cơ cổ

Sau khi thực hiện các động tác trên. Tiếp tục thực hiện 4 động tác tiếp theo dưới đây. Mỗi động tác làm 2 lần. Mỗi lần từ 5 đến 10 giây. Phải thư giãn toàn thân khi vận động. Nên thực hiện các động tác một cách chậm chạp thoải mái và tự nhiên, không nên gắng sức. Chú ý không được lấy "đau" làm căn cứ để ngưng tập hoặc giảm nhẹ vận động.

(a) Căng cơ cổ sau: Đầu cúi xuống một cách tự nhiên và chậm chạp, 2 tay lồng vào nhau đặt lên đỉnh đầu, dùng trọng lượng của đôi tay kéo chậm từ từ phần cổ sau xuống (Hình 4).

(b) Căng cơ cổ bên: Đặt bàn tay trái lên đỉnh đầu, dùng sức của bàn tay và cánh tay trái kéo cổ chậm dần sang trái. Làm tương tự với bên phải. Lưu ý, phải thả lỏng các cơ vùng cổ (Hình 5).

Ảnh 8.

Hình 5

(c) Căng cơ cổ trước – bên: Nghiêng cổ hướng một góc 45o về phía sau trái, tay trái đặt lên đỉnh đầu, dùng sức của bàn tay và cánh tay trái kéo căng từ từ phần cơ cổ trước phải. Làm tương tự với phần cơ cổ trước trái (Hình 6).

Ảnh 10.

Hình 6

(d) Căng cơ cổ sau – bên: Nghiêng cổ hướng một góc 45o về phía trước trái, tay trái đặt lên đỉnh đầu, dùng sức của bàn tay và cánh tay trái kéo căng từ từ phần cơ cổ sau phải. Làm tương tự với phần cơ cổ sau trái (Hình 7).

Ảnh 12.

Hình 7

2. Khít hàm

Khít hàm hay hạn chế há miệng do hiện tượng xơ cứng hóa khớp thái dương – hàm. Vậy nên, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, trước – trong – sau xạ trị bạn cần thực hiện thường xuyên các động tác sau:

1.1. Khớp thái dương - hàm

Tập vận động khớp thái dương – hàm gồm có 3 động tác, mỗi động tác thực hiện từ 3 đến 5 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Vẫn giữ nguyên tắc thư giãn toàn thân, nhẹ nhàng thoải mái khi vận động.

Xin đừng gắng sức!

(a) Há miệng: Môi trên và môi dưới từ từ mở ra, rồi từ từ khép lại (Hình 8).

Ảnh 13.

(b) Vận động cơ vùng hàm dưới: Mở miệng nhỏ rồi di chuyển dần vùng hàm dưới kéo môi dưới sang trái, sau đó trở về vị trí trung gian, rồi di chuyển dần vùng hàm dưới kéo môi dưới sang bên phải (Hình 9).

Ảnh 14.

(c) Vận động hình cái vá: Duỗi cằm dưới hết mức như hình cái vá, sau đó đưa trở về vị trí trung gian bình thường (Hình 10).

Ảnh 15.

1.2. Tập sức căng của hàm

Gồm 3 động tác, trong đó hai động tác đầu mỗi động tác làm 2 lần, mỗi lần khoảng 5 giây, sau đó dần dần tăng thêm thời gian. Khi tập vận động phải thả lỏng phần cơ hàm, liên tục và nhẹ nhàng kéo căng cơ. Chú ý không được lấy "đau" làm căn cứ để ngưng hoặc giảm nhẹ vận động.

(a) Kéo căng khoang miệng bằng ngón tay: Quấn gạc quanh ngón trỏ và ngón giữa hai bàn tay, để hai ngón tay ở giữa răng hàm trên và răng hàm dưới. Sau đó dùng sức của ngón trỏ và ngón giữa kéo rộng khoang miệng.

(b) Kéo căng khoang miệng bằng bàn tay: Quấn gạc quanh bàn tay trái và phải, một tay giữ cố định hàm trên, một tay giữ cố định hàm dưới. Dùng sức của đôi bàn tay kéo rộng khoang miệng.

(c) Kéo căng khoang miệng bằng dụng cụ: Dùng dụng cụ có kích cỡ phù hợp đưa vào khoang miệng để kéo căng khoang miệng, sau đó cắn đối kháng lại dụng cụ để thu nhỏ khoang miệng lại. Lần thứ nhất thực hiện khoảng 5 phút, sau đó dần dần tăng số lần và thời gian (Hình 11).

Ảnh 17.

Hình 11

3. Khó nuốt

Xạ trị đơn thuần hoặc hóa – xạ đồng thời có thể làm xơ hóa khoang miệng, lưỡi và cổ họng. Hiện tượng giảm tiết nước bọt dẫn đến khô miệng, khô họng. Khả năng phối hợp các động tác nhai – nuốt sau xạ trị kém. Các yếu tố trên chính là nguyên nhân dẫn đến khó nuốt. Bệnh nhân thường phải uống kèm thêm nước khi ăn để giúp thức ăn dễ nuốt trôi, tuy nhiên vẫn có cảm giác như thức ăn bị mắc nghẹn ở cổ họng và rất dễ bị sặc.

Điều trị phục hồi khó nuốt là làm sao cho thức ăn từ khoang miệng xuống thưc quản một cách tự nhiên và tránh để thức ăn rơi vào khí đạo.

Thời gian luyện tập nuốt tốt nhất là trước khi ăn. Chia làm 3 đợt luyện tập trong ngày, mỗi đợt thực hiện từ 6 đến 10 lần. Phải luyện tập đều đặn và thường xuyên mỗi ngày. Gồm 4 bước như sau:

3.1. Tập vận động khoang miệng và cổ họng

(a) Vận động môi: Huýt sáo, há to miệng, ngậm môi, cười mỉm, kéo 2 mép miệng về 2 phía, phồng miệng… (Hình 12a – d)

Ảnh 19.

(b) Vận động hàm dưới: Tương tự Hình 8 – 9 – 10, thực hiện các vận động như há miệng, vận động cơ vùng hàm dưới, vận động hình cái vá.

(c) Vận động lưỡi: Le dài lưỡi, rút vào, kéo cao, uốn lưỡi, đẩy lưỡi về hai bên má, phát âm tiếng vó ngựa. Đồng thời nên luyện phát âm (Hình 13)

Ảnh 21.

Hình 13

(d) Lợi dụng thực phẩm: Dùng thực phẩm có tính chất và hình dạng khác nhau để luyện tập các cơ vùng khoang miệng và hoạt động phối hợp các động tác.

(e) Tăng cường đóng mở cổ họng: Khi nuốt dùng sức

3.2. Thay đổi tư thế khi nuốt

Mục đích của việc thay đổi tư thế khi nuốt là đưa thức ăn vào thực quản được an toàn và hiệu quả, đồng thời lợi dụng trọng lực để trợ giúp đưa thưc ăn di chuyển xuống dưới dễ dàng hơn. Các tư thế thường được thực hiện đồng thời khi nuốt như sau:

(a) Cúi đầu: Tránh thức ăn xuống cổ họng quá nhanh và giảm nguy cơ thức ăn rơi vào khí quản.

(b) Nâng cao cằm: Trợ giúp thức ăn đưa về sau cổ họng.

(c) Phối hợp theo trình tự trên: Làm theo trình tự bước a-b, khi nuốt cúi đầu sau đó nâng cao cằm để đưa thức ăn xuống dễ dàng hơn.

(d) Kích thích từ bên ngoài: Khi đang nuốt nếu bạn có cảm giác bị mắc nghẹn vùng cổ họng thì nên kích thích nhẹ từ bên ngoài. Dùng hai ngón tay đặt lên cổ trước khí quản rồi vuốt nhẹ từ trên xuống. Động tác này sẽ kích thích nhu động thực quản trợ giúp đưa thức ăn xuống dưới.

3.3. Phương pháp nuốt đặc thù

Dùng phương pháp đặc thù để thay đổi cách thức nuốt tự nhiên. Đây cũng là phương pháp hỗ trợ việc "nuốt" được an toàn. Phương pháp nuốt đặc thù thường áp dụng như:

(a) Thức ăn trong miệng được chia làm nhiều lần nuốt: Tăng cường số lần nuốt để thức ăn tích tụ trong cổ họng được từ từ nuốt sạch.

(b) Nín thở – nuốt – ho: Trước khi nuốt thưc ăn hít một hơi dài, sau đó nín thở rồi nuốt thức ăn, mục đích là để trợ giúp sự đóng mở của khí đạo. Sau khi nuốt rồi thì ho, điều này có thể khiến cho lượng thức ăn ít ỏi còn sót lại nơi cổ họng trở lại khoang miệng để làm sạch thoáng vùng hầu họng.

(c) Nín thở – cúi đầu – nuốt – ho: Mục đích là làm giảm nguy cơ thức ăn rơi vào khí đạo.

Lưu ý: Các phương pháp nói trên là cơ bản, ngoài ra tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ hoặc người trị liệu sẽ điều chỉnh sao cho dùng phương pháp nuốt thức ăn được an toàn và có lợi nhất.

3.4. Phương pháp bù trừ

Phương pháp bù trừ nhằm thay đổi và giảm thiểu tình trạng khó nuốt.

(a) Thay đổi khẩu phần thức ăn: Thức ăn đặc hoặc hơi cứng thì rất khó nuốt nhưng khá an toàn, ít bị sặc khi nuốt. Ngược lại, hức ăn lỏng thì dễ nuốt nhưng cũng rất dễ bị sặc.

(b) Thay đổi mùi vị thức ăn: Tăng kích thích vị giác có thể tăng cảm giác muốn ăn. Nhưng cũng phải ở trong phạm vi thích hợp, tránh những thức ăn quá kích thích như quá nồng hoặc cay.

(c) Thay đổi nhiệt độ thức ăn

(d) Điều chỉnh lượng thức ăn: Nên ăn từ từ chậm chạp với lượng ít

(e) Kéo dài thời gian ăn hoặc chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày

(f) Nếu miệng không thể há to: Do lưỡi bị hạn chế cử động hoặc hạn chế há miệng (khít hàm) có thể dùng muỗng canh mỏng, ống tiêm nhỏ hay ống hút để đưa thức ăn vào trong khoang miệng một cách dễ dàng.



Tác giả: KP