Bại não là căn bệnh có nhiều biểu hiện liên quan đến sự tổn thương của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến khả năng và phát triển của trẻ bại não. Trong các vấn đề liên quan đến bại não, câu hỏi trẻ bại não sống được bao lâu là vấn đề thường xuyên được đặt ra. Vậy tiên lượng sống của trẻ bại não như thế nào, các yếu tố ảnh hưởng và cách cải thiện tiên lượng sống cho trẻ bại não là gì?
Bại não là tập hợp một nhóm các triệu chứng khác nhau (hội chứng) gây nên do sự bất thường của hệ thần kinh mà hậu quả là hạn chế khả năng vận động và sự phát triển trí tuệ ở người mắc phải.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây nên bệnh bại não gồm các nguyên nhân trước sinh (nhiễm trùng bào thai, suy thai, đa thai, chấn thương của mẹ khi mang thai,...), các nguyên nhân lúc sinh (ối vỡ sớm, suy thai, chuyển dạ kéo dài hoặc sang chấn khi chuyển dạ,..) và các nguyên nhân sau khi sinh (nhiễm trùng thần kinh trung ương, co giật, chấn thương đầu, bệnh não do bilirubin,...). Tuy nhiên để xác định được nguyên nhân gây bại não cho một trường hợp cụ thể là điều tương đối khó khăn, bởi bại não có thể là hậu quả của sự kết hợp nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bệnh bại não có tính chất mãn tính, tồn tại suốt đời do đó tỷ lệ gặp phải các biến chứng của bệnh cũng rất lớn. Những biến chứng thường của bệnh bại não thường gặp phải có thể kể đến như tinh thần không ổn định, co rút cơ bắp trên cơ thể, suy dinh dưỡng, lão hóa sớm, các bệnh lý tim phổi,...
Cho đến hiện tại, các phương pháp điều trị bại não vẫn đang được nghiên cứu. Nhiều ý tưởng mới đã được đưa ra và ứng dụng cho thấy hiệu quả tích cực như châm cứu, oxy cao áp, baclofen nội tủy, tiêm chất độc botilium,... Nhưng được đánh giá cao nhất về tính hiệu quả và khả năng ứng dụng vẫn là các hoạt động phục hồi chức năng điều trị cho người bại não.
Đọc thêm:
Bà bầu mắc bệnh Rubella giai đoạn nào khiến trẻ dễ mắc bệnh tim bẩm sinh?
Dị tật bẩm sinh là gì? 9 điều có thể bạn chưa biết về dị tật bẩm sinh
Sẽ rất khó khăn khi đưa ra một câu trả lời chính xác cho câu hỏi trẻ bại não sống được bao lâu. Thực tế, mức tuổi thọ trung bình của các trẻ bị bại não có sự khác biệt tương đối lớn giữa hai nhóm là bệnh nhân bại não nhẹ và bệnh nhân bại não nặng. Do đó, việc cố gắng đưa ra mức tuổi thọ chung cho cả hai nhóm trên có thể đưa đến một cái nhìn thiếu khách quan và thiếu chính xác trong quá trình tiên lượng bệnh.
Với các trẻ có bị bại não nhẹ, người ta nhận thấy rằng hầu hết các trẻ ở được phân loại ở nhóm này có mức tuổi thọ trung bình gần như tương với người bình thường không mắc bệnh, có đến hơn 80% bệnh nhân bại não nhẹ có thể đạt tuổi thọ trên 58 tuổi. Chính vì thế, câu trả lời cho vấn đề trẻ bại não sống được bao lâu ở nhóm bệnh nhân này rất đáng khả quan.
Nhưng với các bệnh nhân bị bại não não, khi này tuổi thọ trung bình sẽ giảm đi đáng kể so với các bệnh nhân bại não nhẹ và trẻ bại não sống được bao lâu sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố hơn do mức độ nặng nề của bại não tỷ lệ thuận với nguy cơ biến chứng. Chỉ có khoảng 40% số bệnh nhân bại não nặng có cơ hội sống sót đến năm 20 tuổi, con số này thấp hơn rất nhiều nếu đem so sánh với các bệnh nhân bại não nhẹ.
Tuy rằng cho đến hiện nay, sự tiến bộ trong các phương pháp can thiệp và điều trị đã giúp cải thiện đáng kể tiên lượng sống của trẻ bại não. Nhưng vẫn còn có nhiều thách thức cần giải quyết để có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh nhân mức độ nặng.
Như đã nói, trẻ bại não sống được bao lâu bị chi phối bởi khá nhiều yếu tố khác nhau. Một số yếu tố trong đó đã được công nhận là có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ và tiên lượng sống của trẻ bại não, chẳng hạn như:
Sự hạn chế vận động của bệnh nhân bại não ảnh hưởng khá nhiều đến tiên lượng tuổi thọ của bệnh nhân. Sự hạn chế vận động khiến trẻ mắc bệnh bại não khó có khả năng tự thực hiện các vận động của bản thân, thậm chí không thể di chuyển và hoàn toàn dựa vào xe lăn cũng như sự hỗ trợ của người thân.
Chính sự hạn chế vận động này khiến các cơ quan của bệnh nhân bị kém nuôi dưỡng, nằm hoặc ngồi quá lâu có thể gây nên tình trạng loét do tỳ đè, nhiễm trùng vết loét,...
Sự khuyết tật trí tuệ do bại não gây nên khiến trẻ mắc bệnh thiếu khả năng truyền đạt và diễn tả đầy đủ các vấn đề đang mắc phải. Chính điều này khiến các vấn đề mà bệnh nhân đang mắc phải không được nhận biết và can thiệp kịp thời dẫn đến hậu quả là ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng sống.
Khả năng nuốt của trẻ bị bại não thường bị ảnh hưởng, nhất là những trẻ bị bại não nặng lại càng có sự biểu hiện rất nặng nề. Nguyên nhân gây nên điều này là bởi khả năng thực hiện động tác nuốt khó khăn và thường xảy ra các sự cố khi nuốt.
Khả năng nuốt giảm sút gây hậu quả đầu tiên chính là cung cấp dinh dưỡng không đầy đủ cho trẻ, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, bất thường động tác nuốt còn khiến trẻ dễ bị sặc, dịch tiêu hóa và thức ăn có thể theo đó đi vào đường hô hấp gây nên viêm phổi hít, là một tình trạng rất nặng nề.
Chính bởi vậy, giảm khả năng ăn uống là một trong các yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc trẻ bại não sống được bao lâu.
Các rối loạn hệ hô hấp mãn tính có thể xảy ra ở trẻ bại não và ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ của trẻ. Nguyên nhân gây nên điều này có thể là do tình trạng loạn sản phế quản phổi ở các trẻ bại não non tháng, hoặc tình trạng viêm phổi mãn tính do thường xuyên có dịch tiêu hóa và thức ăn lọt vào đường hô hấp.
Một yếu tố khác có ảnh hưởng lớn đến việc trẻ bại não sống được bao lâu chính là co giật. Người ta nhận thấy rằng, tỷ lệ tử vong ở trẻ bại não có co giật thường xuyên cao hơn đáng kể so với trẻ bại não nhưng không có co giật. Điều này có thể là do các tai nạn có thể xảy ra khi trẻ co giật chẳng hạn như té ngã hay tình trạng co thắt các cơ hô hấp,...
Bên cạnh vấn đề trẻ bại não sống được bao lâu thì vấn đề phải làm gì để cải thiện tiên lượng sống cho trẻ bại não cũng rất được quan tâm. Do các tổn thương trên hệ thần kinh của trẻ là cố định, do đó phương pháp để kéo dài tiên lượng sống cho trẻ bại não là các phương pháp giúp cải thiện khả năng của trẻ, hỗ trợ trẻ về tâm lý và vận động, ngăn chặn các biến chứng do bại não gây nên,...
- Các gia đình có trẻ bại não cần liên hệ sớm với các bác sĩ chuyên khoa thăm khám cho trẻ sớm. Điều này giúp chẩn đoán xác định bệnh, đưa ra đánh giá mức độ phù hợp và có chương trình can thiệp tích cực, sớm để cải thiện chất lượng và tiên lượng sống cho trẻ.
- Tích cực áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho trẻ có tác dụng cải thiện đáng kể các vấn đề, biến chứng do bại não gây nên.
Tập luyện phục hồi chức năng đúng cách có thể giúp điều hòa được hoạt động vùng môi miệng và từ đó thực hiện động tác nuốt dễ dàng hơn. Ngoài ra, các bài tập phục hồi chức năng còn cải thiện khả năng vận động của trẻ, tạo điều kiện để trẻ có thể sinh hoạt bình thường nhất có thể và giúp trẻ hòa nhập, tự tin hơn.
- Tạo môi trường sống về mặt tâm lý tốt nhất cho trẻ, không kỳ thị,... để khiến trẻ tự tin hòa nhập và có thể phát triển tốt nhất về tâm lý.
- Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ bại não, tránh các biến chứng do suy dinh dưỡng kéo dài gây nên.
Qua đây có thể thấy rằng, trẻ bại não sống được bao lâu bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, gia đình có trẻ bại não cần có chế độ chăm sóc và trị liệu cho trẻ đúng cách để có thể cải thiện tiên lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho trẻ.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.cdc.gov/ncbddd/cp/features/cerebral-palsy-11-things.html
2. https://www.cerebralpalsyguide.com/cerebral-palsy/prognosis/life-expectancy/