Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài hơn 6 phút, hướng dẫn bài tập phục hồi chức năng phổi cho F0 thể nhẹ và trung bình, không triệu chứng hoặc người đã trị khỏi hoàn toàn COVID-19. Được biết tác giả của những bài tập trên là Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (Bệnh viện 1A). Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Calvin Q Trịnh, để tìm hiểu rõ hơn về các bài tập trên.
Bác sĩ hướng dẫn F0 tập thở
Thưa bác sĩ, lý do nào giúp ông biên soạn những bài tập phục hồi chức năng cho các bệnh nhân F0?
Bác sĩ Calvin Q Trịnh: Theo các nghiên cứu, khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình, 15% thể nặng, 5% thể nguy kịch. Bệnh có thể gây tổn thương phế nang với số lượng lớn, dẫn đến suy hô hấp cấp, phải điều trị thở máy.
Người mắc thể nhẹ và trung bình, ít nhiều cũng có thể gây tổn thương phế nang phổi, sẹo phổi và có thể ảnh hưởng chức năng hô hấp sau đó.
Khi dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, mỗi người cần trang bị kỹ năng, chuyển từ thụ động sang chủ động bảo vệ sức khỏe.
Các bài tập sẽ giúp cơ thể bệnh nhân có nhiều oxy hơn, tăng cường thông khí và sức bền các cơ hô hấp. Chúng làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm và cuối cùng cải thiện các chức năng thể chất, tâm lý. Hiểu được điều đó, tôi đã biên soạn và ghi lại bài giảng gửi cho nhiều bệnh nhân F0, thậm chí là những trường hợp F1, F2.
Đặc biệt, khi bệnh nhân rơi vào trạng thái khó thở, suy hô hấp mà chưa gọi ngay được lực lượng y tế, các bài tập thở sẽ giúp khai thông đường hô hấp và mở lồng ngực. Người nhà cần giúp bệnh nhân bình tĩnh để thở sâu và đều. Càng hốt hoảng, thở gấp thì tình trạng càng xấu đi nhanh chóng.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh.
Đọc thêm:
Người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có thể được chăm sóc tại nhà không? WHO nói gì?
Chăm sóc người cao tuổi tại nhà trong dịch COVID-19
Xin bác sĩ hãy phân tích những bài tập và vận động phục hồi chức năng cho bệnh nhân F0 nói trên có lợi như thế nào với những người bệnh?
Bác sĩ Calvin Q Trịnh: Các bài tập trong sách vở y văn, hoặc từ chuyên gia được nghiên cứu công dụng, hiệu quả, sàng lọc, sắp xếp lại theo từng bước khoa học và logic để giúp đạt được hiệu quả mong muốn, cải thiện tình trạng suy hô hấp nhẹ hoặc xem như một bài tập thể dục chuyên biệt cho phổi cho F0 và cho mọi người.
Khi nhiễm COVID 19, virus chủ yếu sẽ tấn công đường hô hấp ít nhiều gây tổn thương phế nang, nặng thì suy hô hấp cấp, nhẹ thì không triệu chứng. Hơn nữa theo các nghiên cứu khoa học mới nhất có tình trạng yếu cơ, dĩ nhiên bao gồm cả cơ hô hấp ở bệnh nhân nhiễm COVID 19.
Do đó việc tăng thông khí, tăng sức bền cơ hô hấp sẽ giúp người bệnh tăng sức chống chọi với các tổn thương do virus gây ra. Giúp người bệnh từ hoang mang lo sợ, không biết làm gì chuyển sang trang thái tích cực và chiến đấu, tập luyện nâng cao sức khỏe đặc biệt lá phổi, tự giúp mình vượt qua bệnh tật, giảm số ca nhập viện, giảm tải hệ thống y tế.
Những bài tập này có "kén" người bệnh hay không, ví dụ những người có bệnh nền thì có được tập hay không?
Bác sĩ Calvin Q Trịnh: Những bài tập này và dụng cụ sử dụng hết sức đơn giản, già hay trẻ khỏe hay yếu đều có thể luyện tập, kể cả những người có bệnh nền (chưa nhiễm hoặc đã nhiễm) đều có thể luyện tập điều chỉnh cường độ phù hợp với mình.
Hơn nữa mọi người đều có thể xem đây là bài thể dục chuyên biệt cho phổi, dịch bệnh lây lan mạnh, toàn dân ai cũng sẵn sàng chiến đấu.
Các bài tập giúp cơ thể có nhiều oxy hơn, tăng cường thông khí và sức bền các cơ hô hấp. Đối với bệnh nhân, chúng làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng, trầm cảm, cải thiện các chức năng thể chất, tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Bài tập với 7 bước, gồm kỹ thuật thở ra, mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở, tăng cường vận động cơ hô hấp, loại bỏ dung tích khí cặn trong phổi, tăng cường sức bền, tăng dung tích sống từng thùy phổi, vũ điệu nhịp thở.
Khi tập thì các bệnh nhân có cần lưu ý gì không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Calvin Q Trịnh: Bài tập này thiết kế cho từng cá nhân và có thể thực hiện nhiều lần trong ngày, mỗi động tác lặp lại 7-10 lần.
Do đó lưu ý nếu tập trong khu cách ly chung, hoặc chỗ đông người vẫn phải đảm bảo giãn cách và đeo khẩu trang. Khi đó bài tập thổi bóng có thể thay bằng động tác thở ra tối đa.
Khi triển khai các bài tập này, nhiều bệnh nhân F0 đã có phản hồi tích cực khiến tôi rất vui. Mong rằng những bài tập này sẽ được nhiều người áp dụng rộng rãi, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ, Chuyên khoa Y học thể thao và Phục hồi chức năng sau sinh tại Mỹ, ngày 10/3, Bác sĩ Calvin Q Trịnh về Việt Nam. Ông là công dân Việt Nam đầu tiên về nước với “hộ chiếu” vaccine.
BS Calvin Q Trịnh dự định sẽ liên hệ công tác tại một số bệnh viện ở Việt Nam. Ông cho biết, dù ở Mỹ nhưng lúc nào ông cũng theo dõi tình hình dịch bệnh tại quê nhà và thực sự khâm phục, quý mến tinh thần chống dịch của đất nước, nhất là các bác sĩ tuyến đầu.
Trong thời gian cách ly, BS Calvin Q Trịnh đã dùng những kiến thức và kinh nghiệm của mình viết một bài tập thể dục vận động đặc thù, dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Sau bài tập ấy, ông đã nghiên cứu, sáng tạo ra bài tập dành cho những bệnh nhân F0 thể nhẹ và trung bình nói trên.