Bác sĩ BV Việt Đức lưu ý 8 nguyên tắc cần nhớ khi bị cách ly và nghi nhiễm Covid-19

Bác sĩ BV Việt Đức lưu ý 8 nguyên tắc cần nhớ khi bị cách ly và nghi nhiễm Covid-19
(Tổ Quốc) - Theo bác sĩ Khánh, mọi người không cần quá lo lắng mà nên tập trung ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả nhất.

Trong suốt thời gian vừa qua, bác sĩ Trần Quốc Khánh - hiện đang công tác tại Bệnh viện Việt Đức - đã nhận được rất nhiều cuộc gọi xin tư vấn về vấn đề phòng dịch Covid-19. Trong đó, những câu hỏi mà anh thường gặp nhất là: Khi nghi nhiễm Covid-19 thì phải làm gì? Cần phải tiến hành những bước làm gì? Nên lưu ý những điều gì trong quá trình cách ly tại nhà?

Chính vì vậy, bác sĩ Khánh đã giải đáp tất cả các thắc mắc này trong video thứ hai của series “Chuyện mùa dịch”.

Khi nghi ngờ bị nhiễm Covid-19, chúng ta nên làm gì?

1. Tự giác, chủ động cách ly

- Luôn luôn phải đeo khẩu trang. Nếu có điều kiện, hãy đeo cả kính.

- Tránh tiếp xúc với mọi người trong giai đoạn chưa biết mình có nhiễm Covid-19 hay không.

 - Nếu sống cùng với người thân, nên sinh hoạt, ăn uống và vệ sinh trong một phòng riêng. Luôn giữ khoảng cách từ 1,8-2 m theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

- Hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

2. Liên hệ với các trung tâm y tế gần nhất (trung tâm y tế huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện thành phố) để đến khám và xét nghiệm Covid-19.

Trước khi đến khám, cần gọi điện cho cơ sở y tế có liên quan, thông báo về các triệu chứng mà bản thân đang gặp phải để các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn trang phục bảo hộ và các thiết bị, vật tư cần thiết khi tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19.

3. Ưu tiên tự túc đi lại trong quá trình di chuyển đến bệnh viện

Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn có thể vô tình lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.

- Tốt nhất là di chuyển bằng phương tiện tự túc như tự lái ô tô, xe máy. Tuyệt đối không được sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách, máy bay… vì có thể lây lan ra cộng đồng.

- Trong quá trình di chuyển phải đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp với những người xung quanh.

4. Liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế để được tư vấn

- Nếu ở vùng sâu vùng xa hay những nơi hẻo lánh, hãy gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế để được tư vấn trước: 19009095 và 19003228.

Bên cạnh đó, bác sĩ Khánh cũng lưu ý một điều vô cùng quan trọng. Hiện nay, các triệu chứng tiêu biểu của Covid-19 bao gồm ho, sốt, đau ngực, khó thở. Tuy nhiên, bác sĩ Khánh cũng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khác khiến mọi người gặp phải những triệu chứng trên, chẳng hạn như cảm cúm, viêm V-A, viêm phổi thông thường, viêm tai giữa… Vì vậy, người dân cần phải bình tĩnh khi xuất hiện những triệu chứng trên, chỉ nên nghi ngờ mình nhiễm Covid-19 khi có những triệu chứng trên kèm theo yếu tố dịch tễ như đã từng tiếp xúc với F0, F1… hoặc đi từ vùng dịch về.

Những người dân phải cách ly tại nhà cần chú ý những nguyên tắc gì?

1. Tuân thủ cách ly đủ 14 ngày

2. Sinh hoạt trong một khu riêng biệt: 

- Tránh tụ tập đông người

- Khi nói chuyện với người khác, cần đứng cách xa 2m

- Không khạc nhổ bừa bãi

- Luôn đeo khẩu trang khi cần đi ra ngoài

3. Nâng cao thể trạng bằng cách tập thể dục tại các khu vực riêng biệt, thưa người

Theo bác sĩ Khánh, trong quá trình cách ly, mọi người vẫn cần phải đảm bảo tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ để nâng cao thể trạng của mình, tăng sức đề kháng và giảm stress. Bạn có thể tập thể dục (hít đất, yoga, thiền…) hoặc ra ngoài đi bộ để tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên. Những nơi này cần phải thông thoáng, có đủ ánh nắng và quan trọng nhất là vắng người. Bác sĩ Khánh cũng nhấn mạnh rằng cách ly không nhất thiết là bạn phải ngồi trong nhà một chỗ.

Việc ngủ đủ giấc (ít nhất 6 tiếng/ngày) cũng hết sức cần thiết. Người bị cách ly nên ăn thêm các loại rau xanh, hoa quả, các loại gia vị (gừng, tỏi, mật ong…) và men vi sinh.

Nếu bạn chẳng may phát hiện bị nhiễm Covid-19 trong 14 ngày cách ly này, việc tập thể dục, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc cũng sẽ cải thiện sức đề kháng, giúp bạn hồi phục và khỏi bệnh nhanh hơn. Những người quá lo lắng, hoang mang, không tập thể dục sẽ bị giảm sức đề kháng, càng khiến việc điều trị thêm khó khăn.

4. Luôn giữ tinh thần thoải mái

Bác sĩ Khánh đặc biệt lưu ý rằng tinh thần là yếu tố then chốt quyết định sức đề kháng của mỗi người. Khi quá lo lắng và hoang mang, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra rất nhiều hormone cortisol gây suy yếu hệ miễn dịch, tạo cơ hội cho virus xâm nhập dễ dàng. Do đó, bạn cần phải giữ tinh thần thoải mái trong thời gian quan trọng này.

 - Ảnh 1.

Để giữ cho bản thân luôn lạc quan và thư giãn, bạn nên làm những việc có ý nghĩa và tương tác với mọi người bằng những thông điệp vui vẻ. Bác sĩ Khánh cho biết: “Khi chia sẻ những điều tích cực, chúng ta sẽ nhận lại những điều tích cực. Khi nói những điều tiêu cực, tâm trạng chúng ta sẽ tiêu cực theo”. Theo bác sĩ Khánh, mọi người có thể thực hiện những việc sau đây:

- Không chia sẻ tin giả, cập nhật thông tin cách ly của bản thân để tránh gây hoang mang trong cộng đồng.

- Đọc sách

- Làm việc trên máy tính

- Tập thiền hoặc tập thể dục

Ngoài ra, bác sĩ Khánh cũng trấn an rằng mọi người nên bình tĩnh trước dịch Covid-19 vì tỷ lệ tử vong của căn bệnh này rất thấp (2%). Chỉ người già trên 60 tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người có các bệnh kèm theo như lao phổi, suy thận, suy gan… mới phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đối với những người bình thường, cơ hội khỏi bệnh là rất cao nếu duy trì ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ.

 - Ảnh 2.

Cập nhật những thông tin chính xác về dịch bệnh COVID-19 tại ĐÂY!!

Tác giả: MN