PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, lượng bệnh nhi nhập viện tăng từ 10 - 20%. Trong đó, đa phần là các ca trẻ bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, có biểu hiện sốt cao và tiêu chảy. Nặng hơn, những bệnh nhi bị viêm đường hô hấp kèm sốt cao kèm theo biến chứng bị viêm phổi.
Vì thế việc các bậc phụ huynh chú ý tới các sai lầm khi phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ vào mùa lạnh là điều cần thiết. Dưới đây là một số sai lầm mà bác sĩ đã chỉ ra:
“Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc mũi - họng không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phổi. Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng nói.
PGS.TS Dũng cho biết, khi trời lạnh, để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ cha mẹ cần hạn chế tối đa việc đưa trẻ ra ngoài trời. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài hay đưa trẻ đi học thì cần đảm bảo trẻ đã mặc đủ ấm. Đặc biệt, hạn chế để trẻ bị gió thổi trực tiếp vào người, vào mặt hay cổ.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý, quần áo, đồ giữ ấm cho trẻ chỉ cần vừa đủ, không nên mặc quá dày khiến cho trẻ bị bí, bức bối, toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào trong cơ thể sẽ gây bệnh viêm đường hô hấp, nhất là vùng lưng hay ngực. Chưa kể đến, trẻ còn hiếu động, nô đùa chạy nhảy liên tục sẽ rất nhanh ra mồ hôi.
Đây là một sai lầm khi phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ vào mùa lạnh mà cha mẹ rất hay mắc phải. Cha mẹ có thói quen coi việc cảm nhận nhiệt độ bên ngoài của bản thân để suy luận ra nhiệt độ cảm nhận của con. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Với những gia đình sử dụng điều hòa 2 chiều mùa lạnh cũng cần chú ý. Với mỗi độ tuổi khác nhau của trẻ, nhiệt độ cần thiết để làm ấm cũng khác nhau. Ngoài ra tùy vào không gian phòng rộng hay không, công suất của điều hòa là bao nhiêu mà bố mẹ nên có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Bác sĩ cho biết, với trẻ sơ sinh, nhiệt độ phòng thích hợp mùa lạnh nên khoảng 30 độ C còn với trẻ từ 5 tuổi trở lên thì nhiệt độ phòng có thể vào khoảng từ 24 - 25 độ C. Trẻ càng lớn thì nhiệt độ thấp hơn còn trẻ càng nhỏ thì phòng càng cần phải giữ ấm.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, khi trời trở lạnh các bệnh nhi nhập viện tăng cao, trong đó phổ biến nhất là bệnh viêm phổi. Bệnh có những biểu hiện như ho, khò khè, trẻ quấy khóc, chán ăn, bỏ ăn hay bỏ bú nhưng cha mẹ lại chủ quan không đưa trẻ nhập viện sớm.
Chính điều này đã khiến trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh trở nặng hơn, việc điều trị cũng khó khăn hơn. Do đó, bác sĩ cho biết, để phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới những biểu hiện bất thường của đường hô hấp, không nên tự ý mua thuốc, tự ý điều trị mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ chủ yếu là do vi khuẩn gây bệnh. Bởi vậy mà cha mẹ cần lưu ý tới việc vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, hệ hô hấp còn chưa phát triển toàn diện như người lớn.
Vào mùa lạnh, nhất là khi rét đậm, rét hại thì mặc ấm vẫn chưa đủ để phòng ngừa bệnh đường hô hấp cho trẻ. Độ ẩm không khí trong nhà, trong phòng ngủ cũng là một yếu tố góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ mùa lạnh.
Đồng thời, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tránh xa các nguồn có nguy cơ lây nhiễm như người lớn bị bệnh hô hấp, trẻ ở trường học đang bị ho, sổ mũi,.. Bên cạnh đó cần đảm bảo nguồn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo chế độ ăn uống khoa học đủ chất đạm và các vitamin cần thiết giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể phòng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
>> Để giữ ấm và phòng bệnh hiệu quả cho mùa lạnh cần bổ sung ngay những thực phẩm này!
Khi giữ ấm cho bé, mặc dù cổ, tai, ngực, chân tay là các bộ phận cần chú ý giữ ấm nhưng nhiều phụ huynh lại bỏ qua việc giữ ấm đường thở của trẻ.
Bác sĩ giải thích, đường thở của trẻ là nơi đầu tiên tiếp xúc với không khí lạnh nhưng cha mẹ lại không thể vì giữ ấm mà bịt kín được. Cần có biện pháp giữ ấm hợp lý, bảo vệ đường thở của trẻ khi ra ngoài đường.
Đeo tất chân, tất tay cũng là điều cần thiết nhưng chỉ nên đeo khi trẻ ra ngoài trời hoặc khi ngủ không có các vận động mạnh thì mới nên đeo.