Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không? Những lưu ý khi uống sữa đậu nành cần biết kẻo hại mẹ hại con

Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không? Những lưu ý khi uống sữa đậu nành cần biết kẻo hại mẹ hại con
Sữa đậu nành là thức uống phổ biến, cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể. Tuy nhiên, sữa đậu nành không tốt với tất cả mọi người. Vậy bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau đây.

Đậu nành được biết đến là một loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng và thường được chế biến thành sữa để bổ sung trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Các nghiên cứu đã chứng minh những tác dụng tích cực của sữa đậu nành tới sức khỏe con người.  Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không là băn khoăn của rất nhiều người.

1. Sữa đậu nành là gì?

Sữa đậu nành, có tên tiếng Anh là soy milk, là loại thức uống có nguồn gốc từ thực vật. Thức uống này được sản xuất bằng cách ngâm và nghiền hạt đậu nành, sau đó chắt lọc lấy nước rồi bỏ bã, đun sôi hỗn hợp và lọc các hạt còn lại tạo thành sản phẩm sữa đậu nành.

Sữa đậu nành có nguồn gốc từ vùng Đông Á và hiện nay đã phổ biến tại nhiều khu vực trên thế giới. Sữa đậu nành cũng như các loại sữa có nguồn gốc thực vật khác, thường được sử dụng cho những người ăn chay, những người bị dị ứng lactose.

Theo các nghiên cứu, sữa đậu nành có chứa nhiều loại vitamin, cụ thể là các vitamin A, B1, B2, D, PP, K, F và các men có lợi cho hệ tiêu hóa. Không những vậy, sữa đậu nành còn chứa chất isoflavone giúp bù lại tình trạng thiếu estrogen của phụ nữ có tuổi, phòng chống loãng xương, hỗ trợ điều trị ung thư vú. Sữa đậu nành cũng được biết đến với chức năng cải thiện chứng thừa cholesterol ở đàn ông.

Hơn nữa, mguồn dưỡng chất chứa trong sữa đậu nành có tỷ lệ tương đương với sữa bò. Nên những người dị ứng sữa bò có thể dùng sữa đậu nành thay thế.

Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không? Những lưu ý khi uống sữa đậu nành cần phải biết kẻo hại mẹ hại con - Ảnh 1.

Sữa đậu nành là thức uống chứa nhiều chất dinh dưỡng, có nguồn gốc từ thực vật - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Đậu nành và bệnh ung thư vú - Những hiểu lầm chết người không phải ai cũng biết

Bà bầu uống cà phê được không và thông tin cần biết về bà bầu uống cà phê

2. Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không?

Những tác dụng của sữa đậu nành với sức khỏe con người được rất nhiều nghiên cứu chứng minh. Vậy với những đối tượng là phụ nữ có thai dùng sữa đậu nành có được không và có tốt cho sức khỏe mẹ và bé không?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các bà bầu hoàn toàn có thể dùng sữa đậu nành. Sữa đậu nành không chỉ tốt cho mẹ mà còn tốt cho thai nhi, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Dưới đây là những lợi ích của sữa đậu nành đối với phụ nữ có thai:

- Cung cấp axit folic: Axit folic là dưỡng chất rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai. Sữa đậu nành lại rất giàu axit folic nên đây là thức uống tốt cho bà bầu. Bổ sung axit folic từ sữa đậu nành và  các thực phẩm khác giúp hỗ trợ phát triển tế bào thần kinh và sự phát triển tối ưu của thai nhi trong bụng mẹ.

- Cung cấp vitamin A, E và B1: Sữa đậu nành có chứa nhiều loại vitamin, trong đó có vitamin A, E, B1, rất cần cho mẹ bầu. Những vitamin này cần thiết trong giai đoạn mang thai, giúp phụ nữ mang thai có sức khỏe tốt.

- Cung cấp đạm: Trong sữa đậu nành rất dồi dào đạm, giúp các cơ quan trong cơ thể làm việc hiệu quả. Không những vậy, đạm còn đảm bảo cho cấu trúc cơ thể thai nhi phát triển một cách ổn định.

- Sữa đậu nành tốt cho cả mẹ và bé vì nó rất giàu chất béo thực vật.

- Carbohydrate có trong sữa đậu nành giúp tăng cường năng lượng trong khi mang thai.

- Bổ sung canxi: Hàm lượng canxi có trong sữa đậu nành giúp hạn chế tình trạng loãng xương ở những phụ nữ mang thai, giúp giảm nguy cơ sinh non và nhẹ cân ở thai nhi.

- Ngăn ngừa táo bón: Hàm lượng chất xơ trong sữa đậu nành giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm bớt nguy cơ táo bón ở bà bầu.

Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không? Những lưu ý khi uống sữa đậu nành cần phải biết kẻo hại mẹ hại con - Ảnh 2.

Mẹ bầu uống sữa đậu nành có nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ và thai nhi - Ảnh Internet.

3. Những lưu ý khi uống sữa đậu nành với bà bầu

Như vậy, với nguồn dinh dưỡng thiết yếu dồi dào, bà bầu uống sữa đậu nành không những không có hại mà còn đáp ứng nhu cầu của cơ thế cho cả mẹ và bé. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mẹ bầu có thể uống tối đa 4 ly sữa đậu nành mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu uống không đúng cách thì sẽ tác động tiêu cực tới mẹ và thai nhi.

Dưới đây là những lưu ý cho mẹ bầu khi uống sữa đậu nành:

- Không uống quá nhiều sữa đậu nành: Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia cho biết bà bầu không nên uống quá 500ml sữa đậu nành một ngày. Uống quá nhiều sữa đậu nành trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng khó tiêu, đầy hơi, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.

- Đun sôi kỹ trước khi uống: Đậu nành chưa chín kỹ sẽ sản sinh ra một số chất độc hại cho cơ thể, không tốt trong thời gian thai kì nói riêng, cho sức khỏe nói chung. Vì thế, cần đun sôi kỹ, nếu uống sữa đậu nành đóng hộp nên uống sữa đậu nành tiệt trùng, có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng.

- Không uống sữa đậu nành cùng với trứng và các loại đường nâu: Trứng và các loại đường nâu là thực phẩm không nên kết hợp với sữa đậu nành. Nguyên nhân là vì protein trong lòng trắng trứng khi kết hợp với chất trypsin trong sữa đậu nành sẽ tạo thành chất kết tủa, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể.

Còn đối với đường nâu, axit hữu cơ có trong đường nâu khi kết hợp với protein trong sữa đậu nành sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng có trong sữa, đồng thời làm ảnh hưởng khả năng tiêu hóa.

- Không uống sữa đậu nành với các thực phẩm có tính axit cao như trái cây họ cam, đồ ăn chua. Nguyên nhân là vì khi kết hợp với những sản phẩm này dễ khiến bà bầu bị đau bụng, tiêu chảy.

- Không uống sữa đậu nành với các loại thuốc: Trong trường hợp bà bầu cần dùng thuốc thì không nên dùng sữa đậu nành vì chất dinh dưỡng có trong sữa kết hợp với các hoạt chất của thuốc có thể gây ra nhiều phản ứng phụ.

- Không uống sữa đậu nành lúc đói: Khi đói bụng, nếu uống sữa đậu nành sẽ khiến các chất dinh dưỡng trong sữa hầu hết sẽ chuyển thành nhiệt khi đi vào ruột nên cơ thể sẽ không hấp thu được. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mẹ bầu nên dùng sữa đậu nành với các thực phẩm giàu tinh bột, bánh mì, bánh ngọt.

Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không? Những lưu ý khi uống sữa đậu nành cần phải biết kẻo hại mẹ hại con - Ảnh 3.

Không nên uống sữa đậu nành lúc đói bụng - Ảnh Internet.

4. Bà bầu uống sữa đậu nành có ảnh hưởng tới giới tính thai nhi không?

Sữa đậu nành là thức uống có nhiều giá trị dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Có không ít phụ nữ nghi ngờ rằng sữa đậu nành không phải là thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng đầu vì có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển giới tính thai nhi. 

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy không có chứng cứ nào chứng minh sữa đậu nành có ảnh hưởng tới sự phát triển giới tính thai nhi cũng như hại tới sức khỏe của bé. Vì vậy, phụ nữ mang thai hoàn toàn yên tâm khi uống sữa đậu nành.

5. Đối tượng nào không nên uống sữa đậu nành? 

Tuy nhiên, cần lưu ý những bà bầu thuộc nhóm có những vấn đề sức khỏe sau đây không nên uống sữa đậu nành:

- Viêm thận, sỏi thận: Những phụ nữ có thai mà mắc bệnh thận không nên uống sữa đậu nành vì hàm lượng protein cao làm tăng gánh nặng cho thận, có thể làm thận phải hoạt động trong tình trạng quá tải.

- Viêm dạ dày: Những bà bầu bị viêm dạ dày cấp tính hoặc mãn tính không nên uống sữa đậu nành vì sẽ khiến bệnh thêm nghiêm trọng hơn.

- Hen suyễn, viêm mũi dị ứng : Hàm lượng protein trong đậu nành là nguyên nhân phổ biến khiến bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu bà bầu mà bị hen suyễn hoặc viêm mũi thì nên tránh xa sữa đậu nành.

- Có tiền sử bệnh ung thư: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thành phần phytoestrogen có trong đậu nành có thể kích thích estrogen tạo nên sự tương tác, từ đó làm các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Vì vậy, những mẹ bầu có tiền sử ung thư vú, ung thư buồng trứng, tử cung không nên uống sữa đậu nành.

Trên đây là tổng hợp những thông tin giải đáp thắc mắc bầu uống sữa đậu nành có tốt không cũng như những lưu ý khi sử dụng loại thức uống này. Nắm chắc những kiến thức này sẽ giúp những mẹ bầu biết cách ăn uống khoa học để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.


Tác giả: Ngọc Điệp