Axit uric: Chỉ số cao là bao nhiêu? Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng axit uric

Tham vấn chuyên môn:
Axit uric: Chỉ số cao là bao nhiêu? Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng axit uric
Tăng axit uric không phải hoàn toàn là do bệnh gout, với mỗi nguyên nhân khác nhau là các phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân cần lưu ý trong việc điều trị tăng axit uric đúng với vấn đề mà mình đang gặp phải.

Không phải cứ tăng axit uric trong máu là bị bệnh gout. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao của chỉ số này, tăng axit uric có liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ nhiều đạm động vật, nội tạng động vật, thịt đỏ, bia rượu... Nam giới thường bị bệnh tăng axit uric hơn phụ nữ là bởi lý do này.

Vì vậy, chỉ số xét nghiệm máu khi khám sức khỏe được nhiều nam giới quan tâm nhất hiện nay là acid uric. Axit uric thế nào là cao? Khi nào cần dùng thuốc điều trị? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết.

1. Phân biệt chứng tăng axit uric và bệnh gout

Axit uric là một chất thừa, sản phẩm của chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric. Đây là nguồn axit uric nội sinh. Axit uric được thải loại 80% qua đường niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da.

Những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như nội tạng, thịt đỏ, hải sản cũng có nhân purin, khi thu nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric. Việc dư thừa axit uric là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Tuy nhiên việc chẩn đoán có mắc gout hay không không phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ số tăng hay giảm mà còn phải kết hợp nhiều xét nghiệm lâm sàng khác.

Nồng độ axit cao, lắng đọng tập trung ở các khớp là cơ chế gây ra bệnh gout. Ngoài ra, nếu axit uric lắng đọng ở tim sẽ gây ra vấn đề về tim mạch, tương tự trong trường hợp lắng động ở thận gây ra suy thận, sỏi thận...

Do vậy không phải hoàn toàn tăng axit uric là bị bệnh gout. Điều này không ít người nhầm lẫn, đến cả những người có chuyên môn cao như các bác sĩ. Điều trị tăng axit uric trong máu khác so với điều trị viêm khớp do gout.

2. Axit uric trong máu bao nhiêu là cao, cần điều trị khi nào?

Bình thường, lượng axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7mg/dl. Được coi là tăng khi lượng axit uric trong máu cao hơn giới hạn bình thường. Khi bị tăng axit uric, có cần dùng thuốc điều trị ngay không? Đây là câu hỏi mà nhiều người rất quan tâm.

Với những bệnh nhân tăng axit uric ở mức độ trung bình  (dưới 10mg/dl), lúc này cần được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể không tạo ra thêm axit uric. Chế độ ăn khoa học lành mạnh, tránh các tác nhân trực tiếp khiến nồng độ axit uric tăng cao như đạm động vật, rượu bia, sử dụng thường xuyên rau củ quả. Nếu chế độ ăn uống không cải thiện được chỉ số này mới cần dùng đến thuốc.

Thông thường, khi axit uric ở mức trên 12mg/dl, nguy cơ bệnh tim mạch cận kề thì cần dùng thuốc điều trị hạ axit uric.

Các trường hợp khác đều không có chỉ định dùng thuốc, trừ bệnh nhân có tình trạng hủy tế bào quá nhiều, xuất hiện sự sản xuất axit uric cấp tính như ở bệnh nhân ung thư phải hóa trị hoặc xạ trị thì có thể dùng liệu pháp dự phòng tăng axit uric máu nhằm tránh tình trạng suy thận cấp do tăng lắng đọng tinh thể urat ở ống thận.

Đối với các trường hợp đặc biệt: Nếu xét nghiệm chỉ số axit uric thường xuyên trên mức trung bình, điều trị không hiệu quả bằng chế độ ăn uống, có tiền sử gia đình bị gút, bị sỏi thận kèm tăng axit uric máu, có dấu hiệu tổn thương thận đều cần phải dùng các thuốc giảm axit uric.

Một số loại thuốc được khuyên dùng trong điều trị tăng axit uric trong máu như: thuốc ức chế men xanthin oxydase làm giảm tạo thành axit uric như allopurinol, thiopurinol hoặc thuốc tiêu axit uric (enzym uricase).

Lưu ý, không dùng nhóm thuốc tăng thải axit uric qua thận như probenecid ở những bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: tiền sử hoặc đang có sỏi thận, suy thận, có hạt tophi và giảm bài tiết urat qua thận.

3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng axit uric

- Không phải trường hợp nào cũng nên dùng thuốc hạ axit uric ngay. Bạn có thể gặp phải nhiều biến chứng khác nếu như dùng thuốc tùy tiện.

- Thuốc hạ axit uric thông dụng nhất và hiệu quả được sử dụng phổ biến là allopurinol. Tuy nhiên, đây là loại thuốc cần hết sức cẩn trọng vì chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên cơ thể của bạn như tổn thương da, ngứa, nặng hơn là mẩn đổ, mề đay, nặng nhất là hội chứng Steven Johnson.

Khi bị hội chứng Steven Johnson, việc điều trị rất khó khăn, lâu dài và bệnh nhân có thể bị tử vong. Ngoài ra, nếu sử dụng allopurinol không đúng còn thúc đẩy bệnh nhân có tổn thương thận tiềm tàng sang suy thận.

Khi đang dùng allopurinol, cần tránh sử dụng các kháng sinh nhóm penicillines, đặc biệt là ampicilline và amoxyclin vì allopurinol làm tăng khả năng dị ứng của các kháng sinh này lên nhiều lần.

Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi và đề phòng bị phản ứng thuốc, thông báo với bác sĩ kịp thời để được tư vấn phải ngưng thuốc hoặc cần đến bệnh viện để điều trị kịp thời.


Tác giả: TMH