Ấn vào đỉnh đầu thấy đau là bệnh gì?

Ấn vào đỉnh đầu thấy đau là bệnh gì?
Bạn có thể bị đau một bên đầu, bên trái hoặc bên phải, cũng có thể đau toàn bộ vùng đầu hay đau trên đỉnh đầu… Khi ấn vào đỉnh đầu thấy đau bạn cần phải cẩn trọng vì nó có thể là lời cảnh báo vấn đề sức khoẻ nguy hiểm đang tiềm ẩn.

1. Nguyên nhân đau ở đỉnh đầu

Đau ở đỉnh đầu là khi bạn có cảm giác có trọng lượng nặng đè bên trên đỉnh đầu bạn gây đau nhức và khó chịu. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:

1.1. Đau đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn đau đỉnh đầu. Là khi bạn cảm thấy chúng gây áp lực và khiến bạn đau nhức xung quanh đầu như có một vật nào đó đang siết chặt quanh đầu.

Bạn cũng có thể cảm thấy đau ở cổ, ở sau đầu hoặc ở thái dương. Cơn đau này thường âm ỉ nhưng ít gây nhói và thường không nghiêm trọng so với các cơn đau nửa đầu.

Ấn vào đỉnh đầu thấy đau là bệnh gì? Cách khắc phục như nào? - Ảnh 1.

Đau đầu do căng thẳng là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn đau đỉnh đầu.

1.2. Chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu cũng gây ra cơn đau nhức trên đỉnh đầu. Thông thường nó sẽ kèm theo nhiều triệu chứng như buồn nôn, lạnh tay chân, chóng mặt hay nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và thức ăn. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy đau ở nửa đầu bên trái hoặc nửa đầu bên phải và cơn đau nhức kéo dài có thể di chuyển lên trên đỉnh đầu.

1.3. Đau đầu do mất ngủ

Mất ngủ có thể gây ra tình trạng đau đầu và nó ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Đau đầu do ngủ không đủ giấc hay bị gián đoạn có thể gây ra các cơn đau âm ỉ kết hợp với sức nặng và áp lực ở bên trên đỉnh đầu.

1.4. Đau đầu do bị lạnh

Đau đầu do bị lạnh có thể là do bạn mặc áo quá mỏng khi đi trời lạnh, bị ngâm nước lạnh lâu,… Đau đầu do bị lạnh thường kèm theo tình trạng chảy nước mũi, đau buốt vai gáy và đỉnh đầu, run tay chân. Hiện tượng này sẽ nhanh chóng hết nếu được ủ ấm sau vài phút.

1.5. Đau đầu mãn tính

Đau đầu mãn tính cũng giống với đau đầu do căng thẳng là gây ra tình trạng đau buốt đỉnh đầu. Đối với người mắc bệnh đau đầu mãn tính, các cơn đau rất dễ xảy ra khi bị căng thẳng, khi tiếng ồn lớn kéo dài, giấc ngủ kém hay do các tác nhân khác.

1.6. Đau dây thần kinh chẩm

Đau dây thần kinh chẩm xảy ra khi các dây thần kinh di chuyển từ cột sống đến đầu bị tổn thương, kích thích và đè nén. Đồng thời, nó cũng có thể gây ra tình trạng đau phía sau đầu, cảm giác căng đầu, đau đỉnh đầu và xung quanh đầu.

1.7. Do viêm xoang gây ra

Nhiễm trùng và nhiễm virus có thể gây viêm xoang. Khi bị viêm xoang các chất dịch nhầy bị tiết ra nhiều hơn gây ra tình trạng chảy nước mũi, sổ mũi, chảy nước mũi sau họng,… Các chất dịch bị ứ ở các xoang và không thể thoát ra ngoài sẽ tạo ra một áp lực trong các hốc của xoang và dẫn đến hiện tượng đau đầu.

Ấn vào đỉnh đầu thấy đau là bệnh gì? Cách khắc phục như nào? - Ảnh 2.

Viêm xoang cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng đau đầu. (Ảnh: Internet)

2. Cách điều trị

Đau trên đỉnh đầu có thể là dấu hiệu liên quan đến các bệnh về hệ thần kinh, tuần hoàn máu hay tim mạch. Vì vậy, bạn nên đến phòng khám để được các bác sĩ kiểm tra về tình trạng sức khỏe, thu thập tiền sử bệnh cũng như phân tích các triệu chứng để đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp để kiểm soát tốt hơn bệnh của bạn.

Ngoài ra, sau khi khám bác sĩ có thể kê đơn thuốc để bạn sử dụng tại nhà. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ để tránh dùng quá liều lượng và gây ra tác dụng phụ. Thông thường các loại thuốc có thể dùng để điều trị đau đầu như: Aspirin, Ibuprofen như Advil hay Acetaminophen như Tylenol.

Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn cũng cần phải có một lối sống lành mạnh, môi trường sống tốt, tránh các yếu tố gây hại sau:

+ Tránh các tác nhân gây căng thẳng.

+ Điều chỉnh thói quen ngủ: Ngủ đủ, đúng giờ giấc, không nên thức khuya, ngủ đúng tư thế, tránh gây đau vai gáy.

+ Tránh các yếu tố gây ảnh hưởng khác như âm thanh, mùi...

+ Ngâm mình trong bồn nước ấm để thả lỏng và thư giãn tinh thần.

+ Tập hít thở sâu.

+ Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, êm dịu.

+ Có thể chườm nóng hoặc lạnh để giảm các cơn đau.

+ Ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

+ Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao. Đồng thời, cũng nên thăm khám sức khỏe thường xuyên. Điều đó giúp bạn sớm phát hiện ra các mầm bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Đọc thêm:

 - Mách bạn 5 mẹo chữa đau đầu cấp tốc không cần thuốc

Đau đầu ở dân văn phòng phải làm gì? 

3. Những loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi bị đau đỉnh đầu

3.1. Thực phẩm nên ăn

Một chế độ ăn dinh dưỡng, đủ chất và hợp lý không chỉ giúp cơ thể có đủ năng lượng hoạt động mỗi ngày mà còn giúp tăng sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật.

Một số loại thực phẩm có khả năng làm giảm tần suất cũng như giảm các cơn đau một cách đáng kể như:

+ Rau xanh: Có chứa nhiều loại nguyên tố góp phần làm dịu cơn đau. Theo một nghiên cứu, sự kết hợp của axit folic, B6, B12, magie có trong rau giúp làm giảm các triệu chứng của các cơn đau đầu.

Ấn vào đỉnh đầu thấy đau là bệnh gì? Cách khắc phục như nào? - Ảnh 3.

Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cải thiện cơn đau đầu (Nguồn: Internet)

+ Trái cây tươi: Một số loại quả chứa nhiều chất chống oxy hoá như đu đủ, ớt chuông, cà chua, cam rất giàu magie, kali, vitamin B và carbohydrate phức hợp không những làm giảm đau đầu mà còn thúc đẩy chức năng thần kinh hoạt động tốt hơn.

+ Quả hạnh và các loại hạt như hạt điều, óc chó: Các loại hạt rất giàu magie giúp làm dịu các cơn đau đầu bằng cách làm giãn mạch máu. Nó cũng chứa một lượng đáng kể vitamin E có thể giúp kiểm soát các cơn đau đầu.

+ Cá béo: Trong cá rất giàu axit omega-3 EPA và DHA. Đây là những chất có tác dụng chống viêm. Hơn nữa, các chất có trong cá như vitamin B, coenzyme Q10, vitamin D đều đã được kiểm chứng có thể kiểm soát được tình trạng đau đầu.

3.2. Thực phẩm không nên ăn

Một số loại thực phẩm có thể kích thích các cơ đau đầu của bạn. Vì vậy, bạn cũng nên hạn chế sử dụng hoặc tránh các loại thực phẩm sau đây:

+ Các sản phẩm từ sữa: Sữa có casein - một chất có thể gây ra chứng đau nửa đầu, đau trên đỉnh đầu hoặc một số dạng đau đầu khác ở một số người.

+ Rượu, bia và các chất kích thích khác: Trong các sản phẩm này có chứa cồn gây ảnh hưởng đến não và mạch máu cũng là nguyên nhân gây nên cơn đau nhức đầu dữ dội.

+ Chất bảo quản thực phẩm, phụ gia: Chẳng hạn như nitrat, nitrit, bột ngọt và chất làm ngọt nhân tạo. Các sản phẩm này chứa nhiều nitrit, aspartame, phenylalanine đều có thể gây ra tình trạng đau đầu.

+ Thịt hun khói

+ Chiết xuất nấm men

+ Cà phê, socola và loại thực phẩm có chứa nhiều chất cafein: Chất caffeine chứa nhiều trong các sản phẩm này là tác nhân chính gây ra chứng đau đầu ở người.

+ Các sản phẩm chiên, ăn nhanh nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán…

Như vậy, có thể thấy ấn vào đầu thấy đau là một tình trạng rất dễ gặp phải ở mỗi người. Nó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và tiềm ẩn nhiều căn bệnh nguy hiểm đến sức khoẻ và cơ thể của bạn. Khi thấy có triệu chứng đau đầu xảy ra, các cơn đau nhức kéo dài không giảm, bạn cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và chữa trị đúng cách. 


https://suckhoehangngay.vn/an-vao-dinh-dau-thay-dau-la-benh-gi-20220523114958477.htm
Tác giả: Phạm Trang