Tỏi là loại nguyên liệu quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình. Nó không những giúp món ăn thêm hấp dẫn mà còn có tác dụng tuyệt vời trong việc hỗ trợ và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ăn tỏi đúng cách.
Ăn tỏi nhiều có tốt không và cần chú ý những gì khi ăn tỏi là băn khoăn của rất nhiều người.
Theo các nghiên cứu, tỏi có những công dụng sau:
- Tăng cường hệ miễn dịch: Các hợp chất có trong tỏi, có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa các căn bệnh, đặc biệt là cảm cúm. Vì thế, để ngăn ngừa cảm cúm hay cảm nhẹ thông thường, đừng quên bổ sung tỏi trong các món ăn hàng ngày.
- Giảm choresterol và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch: Các nghiên cứu chỉ ra rằng tỏi là nguyên liệu có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu LDL khoảng 10 - 15%.
- Cải thiện chứng huyết áp cao: Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy trong 600 - 1500mg chiết xuất tỏi có hiệu quả tương tự thuốc Atenolol trong việc giảm huyết áp cao, tương đương với 4 tép tỏi mỗi ngày.
- Cung cấp chất oxy hóa: Tỏi có chứa các chất chống oxy hóa hỗ trợ cơ thể chống lại các tổn thương gây ra quá trình lão hoá, không những vậy, việc dùng tỏi cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, tỏi còn có các công dụng khác như giải độc kim loại nặng, cải thiện sức khỏe của xương khớp, kích thích vị giác.
Đọc thêm:
- Tỏi mọc mầm có ăn được không? Những lưu ý khi ăn tỏi mọc mầm
- Hành tây và những lợi ích đối với sức khỏe
Sở hữu chất diệt khuẩn mạnh là allicin, tỏi được mệnh danh là "thuốc kháng sinh đến từ tự nhiên" bởi những tác dụng tuyệt vời trong việc phòng bệnh và nâng cao hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, tỏi chứa hai hoạt chất liallyl sulfide và ajoene có nhiều tác dụng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan tới tim mạch, huyết áp, não bộ…
Nhưng ăn tỏi nhiều có tốt không? Theo các bác sĩ, việc ăn quá nhiều tỏi không những có tác dụng phòng và chữa trị bệnh mà còn có thể khiến gan bị nhiễm độc. Không những vậy, ăn tỏi nhiều còn gây ra một số vấn đề sức khỏe sau đây:
- Buồn nôn, nôn mửa, ợ nóng: Ăn quá nhiều tỏi, đặc biệt là tỏi sống có thể gây ợ nóng, buồn nôn, Ngoài ra, ăn quá nhiều tỏi cũng có thể gây ra bệnh GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) ở một số người.
- Gây ra mùi hôi: Theo báo cáo của các nghiên cứu quốc tế, hơi thở có mùi tỏi và mùi cơ thể là hai trong số những tác dụng phụ phổ biến nhất liên quan đến tỏi. Ăn quá nhiều tỏi cùng với việc thiếu vệ sinh cá nhân là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này.
- Tiêu chảy: Ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là ăn tỏi khi bụng đói. Những người bị xì hơi thường xuyên cũng không nên ăn nhiều tỏi vì nó có chứa chất fructan, có thể gây sinh bụng, khí trong dạ dày, dẫn tới tình trạng xì hơi trầm trọng hơn.
- Tình trạng xuất huyết tồi tệ hơn: Tỏi là loại nguyên liệu có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Do đó, cần lưu ý không nên ăn tỏi cùng với thuốc làm loãng máu như warfarin. Hơn nữa, nên ngừng tiêu thụ tỏi ít nhất 7 ngày trước khi phẫu thuật, vì tỏi có tác dụng kháng tiểu cầu và có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết trong khi phẫu thuật.
- Gặp vấn đề về dạ dày: Ăn quá nhiều tỏi có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết niêm mạc dạ dày.
- Chóng mặt, đổ mồ hôi: Ăn tỏi quá nhiều có thể khiến bị hoa mắt, chóng mặt và đổ mồ hôi nhiều hơn.
- Gây đau đầu: Ăn quá nhiều tỏi, đặc biệt là khi ăn sống, có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Một số chuyên gia tin rằng ăn tỏi sống nhiều có thể kích thích dây thần kinh này để giải phóng các phân tử tín hiệu thần kinh được gọi là neuropeptide chạy đến các tế bào bao phủ màng não và gây đau đầu.
- Ảnh hưởng đến mắt: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra chứng phù du, nghĩa là xuất huyết bên trong khoang mắt - khoảng trống giữa mống mắt và giác mạc. Nguy hiểm hơn, nếu dùng tỏi với liều lượng lớn khi đang dùng thuốc chống đông máu có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Như vậy, mặc dù có nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe, nhưng việc ăn quá nhiều tỏi có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy ăn tỏi như thế nào cho đúng để phát huy hết tác dụng của nó?
Ăn quá nhiều tỏi sẽ gây hại cho sức khỏe. Vậy ăn tỏi bao nhiêu là đủ? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày ăn khoảng 10g tỏi là tốt nhất để tỏi có thể phát huy công dụng trị bệnh hữu hiệu.
Bên cạnh việc lưu ý về số lượng ăn tỏi, cần lưu ý những vấn đề sau để ăn tỏi đúng cách:
- Băm tỏi thật nhuyễn, đặt trong không khí khoảng 10-15 phút mới ăn hoặc chế biến. Nguyên nhân là vì chỉ sau khi băm nhuyễn, dưới tác dụng của enzyme thì tỏi mới phóng thích ra chất allicin - hoạt chất có nhiều tác dụng với sức khỏe. Theo đó, tỏi băm nhuyễn, dù nấu chín vẫn bảo tồn được 60% tác dụng dược lý.
- Không ăn tỏi khi đói vì ăn lúc đói sẽ bị đầy bụng, ợ hơi.
- Người có bệnh về mắt, thị lực yếu không nên ăn tỏi để tránh tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
- Không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy vì allicin có trong tỏi sẽ kích thích thành ruột, dẫn tới phù nề, nghẽn mạch máu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe
- Những đối tượng có tiền sử mắc các bệnh về gan không nên ăn tỏi vì tỏi có tính nóng, vị cay, làm nóng gan, lâu dài sẽ gây tổn thương cho gan.
- Không ăn tỏi với trứng, thịt gà, thịt chó, cá trắm.
- Những người thể trạng suy yếu không nên ăn quá nhiều tỏi vì ăn tỏi quá nhiều làm tiêu tan khí huyết, loãng khí, hao máu, sinh đờm, phát nhiệt, tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Ngoài ra, khi đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý, bệnh nhân tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ hay các chuyên gia dinh dưỡng trước khi ăn tỏi để tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc ăn tỏi nhiều có tốt không. Dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng việc tiêu thụ quá nhiều tỏi có thể dẫn tới cơ thể phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe. Vì vậy, khi ăn tỏi, nên ăn lượng vừa đủ và lưu ý những vấn đề đã nêu trong bài viết này.