Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không?

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không?
Ăn gan bò có tốt không? Ăn gan bò có béo không? Ăn gan bò hay gan lợn tốt hơn?,... là một vài băn khoăn khi bà nội trợ muốn thêm gan động vật vào bữa ăn gia đình.

Theo Medical News Today, gan bò được ví như siêu thực phẩm tự nhiên giàu protein, vitamin, chất dinh dưỡng và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Các đặc tính khi ăn gan bò có thể có lợi cho hệ miễn dịch, sự phục hồi mô và quá trình sản xuất năng lượng.

Ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng mua được gan lợn ở chợ, siêu thị,... với giá thành rất rẻ. Có nhiều cách để khử hôi gan bò chẳng hạn như ngâm gan với sữa tươi không đường, trần sơ gan bò với nước sôi,... Do vậy bà nội trợ có thể dễ dàng chế biến gan bò thành nhiều món ăn thơm ngon, đưa cơm lại giúp đổi món cho gia đình như: Gan bò xào dứa, gan bò xào tỏi, gan bò xào đậu que,...

1. Ăn gan bò có tốt không?

Gan bò là bộ phận lớn nhất trong số nội tạng của con bò có vai trò hấp thụ và dự trữ dinh dưỡng, bài thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể bò. Chính vì thế mà nhiều người lo lắng ăn gan bò có tốt không hoặc có những quan niệm rằng ăn gan bò có hại do đây là cơ quan thải độc chính của con bò.

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không? - Ảnh 2.

Ăn gan bò có tốt không? Ảnh: Internet

Đọc thêm:

5 thói quen cần bỏ ngay để tránh tích tụ mỡ nội tạng

Phân biệt chất đạm động vật và đạm thực vật như thế nào?

Theo Medical News Today, dưới đây là những thông tin về giá trị dinh dưỡng của việc ăn gan bò đối với sức khỏe mà bạn có thể tham khảo:

- Giá trị dinh dưỡng cao

Theo USDA, 113 gam gan bò sống có chứa khoảng 153 calo; 4,1 gam chất béo; 78 mg natri; 4,4 gam carbohydrate; 23 gam protein chất lượng cao; 5,54 mg sắt; 354 mg kali; 4,52 mg kẽm; 44,9 mcg selen; 5620 mcg vitamin A; 67 mcg vitamin B12; 328 mcg axit folic; 376 mg choline; 5590 mcg retinol; 1,36 mcg vitamin D; 3,5 mcg vitamin K.

- Giảm nguy cơ thiếu máu, thúc đẩy sản xuất tế bào hồng cầu

Hàm lượng vitamin B12 và sắt đáng kể trong gan bò có thể hữu ích cho người có nguy cơ thiếu máu. Người thiếu máu thường có các biểu hiện như: mệt mỏi, chóng mặt, giảm tập trung, chán ăn, khó thở khi hoạt động gắng sức, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, móng tay khô và dễ gãy, tóc khô xơ và dễ rụng, mất kinh.

- Tăng cường năng lượng cho cơ thể

Ăn gan bò giàu vitamin B và sắt cùng riboflavin, axit pantothenic, niacin, folate và thiamine có thể hỗ trợ cơ thể sản xuất năng lượng và chống lại sự mệt mỏi. Hơn nữa, sắt là một yếu tốt đặc biệt quan trọng đối với quá trình vận chuyển oxy trong máu.

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không? - Ảnh 3.

Gan bò giàu vitamin tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

- Hỗ trợ chức năng miễn dịch

Vitamin A, vitamin B và kẽm trong gan bò đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tật, giúp tế bào miễn dịch hoạt động bình thường.

- Cải thiện chức năng nhận thức

Choline trong gan bò góp phần cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức khỏe não bộ. Một nghiên cứu tại Ai Cập trên trẻ em từ 3 - 9 tuổi bị thiếu máu nhẹ cho thấy, thêm gan vào chế độ ăn 3 lần một tuần trong 90 ngày giúp cải thiện đáng kể chức năng nhận thức và tình trạng thiếu máu so với nhóm trẻ đối xứng không thêm gan vào chế độ ăn.

Đồng đóng vai trò quan trọng trong cơ thể bao gồm duy trì mạch máu khỏe mạnh.

- Tốt cho phụ nữ mang thai

Hàm lượng folate trong gan bò rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Các chất dinh dưỡng khác khi ăn gan bò như protein, sắt, vitamin b12 và đồng cũng rất cần thiết trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều gan bò bởi dư thừa vitamin A và cholesterol có thể gây ra một số tác động tiêu cực tới sức khỏe.

- Tốt cho mắt

Một số thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên quy mô lớn cho thấy việc dùng thực phẩm bổ sung có chứa các chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và đồng cùng với vitamin E và vitamin C có liên quan đến việc giảm 25% nguy cơ mắc chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác - một tình trạng có thể gây mất thị lực đáng kể, thậm chí là mù lòa ở người lớn tuổi.

Các chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và đồng lại rất dồi dào trong gan bò.

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không? - Ảnh 4.

Gan bò giàu khoáng chất tốt cho nhiều chức năng của cơ thể (Ảnh: Internet)

Ngoài các tác dụng đối với sức khỏe khi ăn gan bò kể trên thì có một số lợi ích khác của gan bò đến từ các khoáng chất trong đó như: Phốt pho giúp hỗ trợ sức khỏe xương, răng; selen giúp thúc đẩy và duy trì quá trình trao đổi chất,... Hoặc protein chất lượng cao trong gan bò giúp no lâu hơn, thúc đẩy hình thành cơ bắp khỏe mạnh.

2. Tác dụng phụ có thể gặp khi ăn gan bò

Những rủi ro sức khỏe liên quan tới việc ăn gan bò có thể bao gồm:

- Tiêu thụ quá nhiều vitamin A

Gan bò là một nguồn cung cấp vitamin A dồi dào. Mặc dù vitamin rất thiết yếu cho nhiều hoạt động của cơ thể nhưng quá nhiều vitamin A có thể dẫn tới ngộ độc với các triệu chứng điển hình như: Tổn thương gan, tăng áp suất não, các vấn đề thị lực, thay đổi da, đau xương,...

- Dư thừa đồng

Gan bò cũng đặc biệt giàu đồng và tiêu thụ quá nhiều đồng cũng có thể dẫn tới ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc đồng bao gồm: Mất tế bào hồng cầu, suy thận, suy tim, bệnh gan, tổn thương não và thậm chí là mất mạng.

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không? - Ảnh 5.

Gan bò cũng đặc biệt giàu đồng và tiêu thụ quá nhiều đồng cũng có thể dẫn tới ngộ độc (Ảnh: Internet)

- Nguy cơ tiêu thụ thuốc kháng sinh

Do gan bò là cơ quan lọc và đào thải độc tố nên nếu bò bị dùng kháng sinh gần với thời điểm giết mổ có thể dẫn đến tồn dư kháng sinh trong gan. Khi tiêu thụ gan bò lúc này có thể dẫn tới một số tình trạng ảnh hưởng tới sức khỏe như: Dị ứng, sốc phản vệ, nhiễm độc, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai kỳ, rủi ro ung thư,...

3. Ai nên tránh ăn gan bò?

Mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn gan bò, những người này bao gồm:

- Người đang cần quản lý cholesterol: Do gan tự nhiên sản xuất cholesterol, gan bò lại chứa khoảng 274 mg cholesterol trên 100 gam gan bò tươi khiến nó trở thành loại thực phẩm có lượng cholesterol cao. Người bị mỡ máu, cholesterol cao có thể cần thận trọng khi ăn gan bò.

- Người bị gút: Người bị bệnh gút không nên ăn gan bò và các nội tạng động vật khác do chúng có hàm lượng purin cao, chất này phân hủy thành axit uric và có thể gây bùng phát cơn đau do gút.

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không? - Ảnh 6.

Mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn gan bò (Ảnh: Internet)

- Người bị dị ứng với thịt bò hoặc nội tạng động vật: Tiêu thụ gan bò có thể gây ra các phản ứng dị ứng như mẩn ngứa, nổi mề đay, sưng nề niêm mạc miêng, sưng môi và thậm chí là khó thở,... cần thăm khám bác sĩ sớm.

- Người mắc chứng tăng bạch cầu ái toan (một rối loạn tế bào bạch cầu): Đây là tình trạng các tế bào bạch cầu ái toan trong máu, trong mô hoặc một số tạng tăng lên một cách bất bình thường. Chứng tăng bạch cầu ái toan thường liên quan đến đáp ứng điều hòa miễn dịch, xảy ra ở nhiều quá trình bệnh lý, bao gồm phản ứng viêm, dị ứng, ung thư và nhiễm ký sinh trùng.

Có một số nghiên cứu (dù ít) đã liên kết việc ăn gan bò với bệnh giun đũa chó mèo (toxocariasis) ở những người mắc chứng tăng bạch cầu ái toan máu. Do vậy, để đảm bảo an toàn, người mắc hội chứng này cần nói chuyện với bác sĩ trước khi có ý định thêm gan bò vào chế độ ăn của mình.

4. Câu hỏi thường gặp về gan bò

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về việc ăn gan bò mà bạn có thể tham khảo:

- Gan bò bảo quản tủ lạnh được bao lâu?

Theo USDA, gan bò nên được bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong vòng một đến hai ngày sau khi mua. Hãy đông lạnh nếu bạn không dùng ngay trong vòng hai ngày. Khi đông lạnh đúng cách, gan sẽ tươi trong 3 - 4 tháng.

Ăn gan bò có tốt không? Gan bò có giàu sắt hơn gan lợn không? - Ảnh 7.

gan bò nên được bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong vòng một đến hai ngày sau khi mua (Ảnh: Internet)

- Ăn gan bò sống có sao không?

Nhiều người cho rằng việc ăn gan sống hay ăn gan bò sống có thể giúp hấp thụ tối đa vitamin cùng khoáng chất trong gan bò. Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thịt sống, gan có thể chứa vi khuẩn Salmonella, E. coli hoặc Campylobacter gây ra các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.

Và đông lạnh gan trước khi ăn sống sẽ không giúp tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn. USDA khuyến nghị nấu gan bò ở nhiệt độ bên trong là 160 độ F hoặc 71 độ C trước khi tiêu thụ để đảm bảo sức khỏe.

- Làm cách nào để loại bỏ mùi hôi của gan bò?

Ngâm gan bò với sữa tươi không đường và trần lại với nước sôi trước khi tẩm ướp, chế biến là cách đơn giản giúp loại bỏ mùi hôi của gan bò và giúp món ăn thơm ngon đậm vị hơn.

- Gan bò hay gan lợn giàu sắt hơn?

Trong 100 gam gan lợn có chứa khoảng 25 mg sắt còn trong 100 gam gan bò có chứa khoảng 6,5 mg sắt. Như vậy có thể thấy, nếu so sánh về hàm lượng sắt thì gan lợn giàu sắt hơn gan bò.

Nhìn chung, ăn gan bò là một trong những cách giúp thúc đẩy và bảo vệ nhiều khía cạnh sức khỏe. Tuy nhiên không nên ăn liên tục gan bò, tốt nhất chỉ nên ăn 100 - 250 gam gan bò mỗi tuần, tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe. Nếu đang điều trị bệnh và có sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để tránh tương tác thuốc không mong muốn khi ăn gan bò.

Nguồn dịch tham khảo:

1. What to know about beef liver

2. Beef Liver Benefits: A Nutritional Powerhouse That Supports the Whole Body

3. Beef Liver Nutrition Facts and Health Benefits


Tác giả: Allen