Ai nên thực hiện tầm soát ung thư xương sớm?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Ai nên thực hiện tầm soát ung thư xương sớm?
Khi có những dấu hiệu bất thường ở xương, hoặc bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ ung thư xương cao thì nên nhanh chóng thực hiện tầm soát ung thư xương. Bởi ung thư xương có tốc độ phát triển và lây lan rất nhanh. Việc tầm soát và phát hiện sớm sẽ giúp ích rất nhiều trong phòng tránh và điều trị bệnh.

1. Tầm soát ung thư xương là gì?

Tầm soát ung thư xương là kiểm tra, đánh giá tình trạng ung thư xương những người ở giai đoạn đầu của bệnh, trước khi họ có bất kỳ triệu chứng nào. Tầm soát ung thư xương phải đạt được 3 yêu cầu sau:

- Kết quả của các xét nghiệm phải đáng tin cậy trong việc phát hiện ung thư.

- Tổng thể của quá trình tầm soát ung thư xương phải mang lại nhiều lợi ích hơn là những tổn thương hoặc cơn đau mà người tầm soát phải chịu.

- Tầm soát ung thư xương phải là điều mà mọi người sẵn sàng thực hiện.

Tuy nhiên, những đối tượng thực hiện tầm soát ung thư xương cũng cần hiểu rõ, các xét nghiệm là không hoàn hảo và có một số rủi ro. 

Tầm soát ung thư xương không có trong chương trình sàng lọc quốc gia vì tỉ lệ bị ung thư xương rất hiếm, nhiều người có thể phải trải qua các xét nghiệm không cần thiết. Mặt khác, những lợi ích đạt được lại nhỏ hơn chi phí phải bỏ ra để thực hiện sàng lọc quốc gia. 

Do vậy, mọi người cần hiểu rõ bản thân mình, và chủ động đi thực hiện tầm soát ung thư xương khi cần thiết.

2. Ai là người nên tầm soát ung thư xương?

- Những người mắc các bệnh ung thư khác nên hỏi bác sĩ về việc tầm soát ung thư xương. Bởi xương là bộ phận rất dễ bị di căn ung thư từ các cơ quan khác.

- Những người sống sót sau ung thư cũng có nên đi tầm soát ung thư xương định kỳ. Đặc biệt là nhóm đối tượng từng bị ung thư ở tuổi thanh thiếu niên, đã từng xạ trị hoặc điều trị bằng một loại hóa trị gọi là thuốc kiềm hóa. 

Sự gia tăng rủi ro này có thể không chỉ liên quan đến việc điều trị làm xương bị ảnh hưởng bởi tia xạ hoặc thuốc hóa trị. 

Nó cũng có thể là do các bệnh ung thư trước đây đã làm tăng các yếu tố nguy cơ như lỗi gen, làm tăng nguy cơ ung thư xương và các loại ung thư khác. Ví dụ, Sarcoma xương và  Retinoblastoma (U nguyên bào võng mạc- một loại ung thư thời thơ ấu) được xác định là có liên kết với nhau, do có cùng một lỗi gen.

- Những người bị các bệnh về xương khác như thoái hóa xương hoặc Ollier cũng nên tầm soát ung thư xương thường xuyên. Những người mắc một căn bệnh hiếm gặp gọi là bệnh Ollier (còn gọi là bệnh enchondromatosis) sẽ phát triển nhiều khối u lành tính trong xương. Theo các thống kê y khoa cho thấy, những người bị u xương lành tính hoặc thoái hóa xương có nguy cơ cao mắc Sarcoma sụn (ung thư sụn).

- Tầm soát ung thư xương rất cần thiết cho những người có người thân từng mắc bệnh lý này trước đó. Có một số yếu tố di truyền có liên quan đến ung thư xương, trong đó thường gặp nhất là di truyền võng mạc và hội chứng Li-Fraumeni.

U nguyên bào võng mạc là một loại ung thư mắt do gen bị lỗi. Trẻ em nếu nhận lại gen lỗi này do di truyền từ bố mẹ thì có nhiều nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, trong đó có ung thư xương.

Hội chứng Li-Fraumeni gây ra bởi một lỗi gen được thừa hưởng từ cha mẹ của bạn. Nếu bạn mắc hội chứng Li-Fraumeni, bạn có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư xương.

- Khi bạn nhận thấy cơ thể có dấu hiệu của ung thư xương, hoặc xuất hiện những bất thường ở xương, chính là lúc bạn cần đi tầm soát ung thư xương ngay lập tức. Đó có thể là cảm giác đau trong xương. Cơn đau từ mơ hồ đến rõ ràng, đau trong thời gian dài, và cơn đau càng ngày càng trầm trọng. Dấu hiệu khác có thể là xuất hiện khối u, sưng trên bề mặt da, đau nhức cơ thể, xương yếu dễ gãy, hạn chế vận động,....


Tác giả: Mai Nhung