Ai nên tầm soát ung thư máu? Ưu và nhược điểm của phương pháp tầm soát ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ai nên tầm soát ung thư máu? Ưu và nhược điểm của phương pháp tầm soát ung thư máu
Ung thư máu là căn bệnh ác tính, khả năng điều trị thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, việc phát hiện sớm bệnh là vô cùng quan trọng. Vậy, những đối tượng nào nên đi tầm soát ung thư máu?

1. Ai nên tầm soát ung thư máu?

Tất cả mọi người nên đi tầm soát ung thư nói chung, và ung thư máu nói riêng theo đình kỳ. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm đối tượng dưới đây có thể đi tầm soát thường xuyên hơn, hoặc cần đến ngay bệnh viện khi có những dấu hiệu bất thường:

- Người có tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư máu. Theo thống kê, có đến 15% bệnh nhân ung thư máu có liên quan đến yếu tố gia đình.

- Đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, người làm việc trong môi trường nhiều chất hóa học như công ty sơn, hóa chất tẩy rửa, xăng dầu, thuốc trừ sâu,...

- Người thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ nồng độ cao trong thời gian dài.

- Những người có xuất hiện các dấu hiệu sau cần đi khám và tầm soát ung thư máu càng sớm càng tốt: sưng hạch bạch huyết, khó thở, đau bụng, đau xương, đau đầu thường xuyên, chảy máu cam, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, thiếu máu, dễ bị bầm tím, sốt cao, giảm cân không rõ nguyên do,....

2. Tầm soát ung thư máu có lợi ích gì?

- Giống như các loại ung thư khác, triệu chứng của ung thư máu thường không biểu lộ sớm. Tầm soát là phương pháp hữu ích giúp mọi người phát hiện ra nguy cơ tiềm ẩn và triệu chứng sớm (nếu có). 

- Vì có khả năng phát hiện triệu chứng sớm, nên tầm soát ung thư máu có thể giúp chẩn đoán bệnh ngay giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị. Bệnh nhân có kết quả điều trị tốt hơn, có khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn, kéo dài sự sống, tiết kiệm được rất nhiều chi phí y tế. 

- Tầm soát ung thư máu cần phải trải qua rất nhiều các xét nghiệm. Do vậy, trong quá trình tầm soát, bác sĩ có thể phát hiện ra những căn bệnh khác (nếu có).

- Tầm soát ung thư máu định kỳ giúp cho mọi người kiểm soát và hiểu rõ sức khỏe của bản thân, yên tâm và vui vẻ sống.

3. Nhược điểm của tầm soát ung thư máu

- Phương pháp tầm soát ung thư máu bao gồm rất nhiều các xét nghiệm rắc rối, phức tạp. Việc thực hiện nhiều thủ thuật thí nghiệm có thể khiến cho bệnh nhân bị đau trong quá trình tầm soát. Việc đợi kết quả tầm soát trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý, làm bệnh nhân bồn chồn lo lắng.

- Tầm soát ung thư máu bao gồm cả những xét nghiệm hình ảnh, yêu cầu người bệnh phải chụp CT Scan, tiếp xúc nhiều với tia phóng xạ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Vì bao gồm nhiều xét nghiệm, nên chi phí tầm soát ung thư máu khá cao, khó tiếp cận được với những đối tượng thu nhập thấp. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ người tham gia tầm soát ung thư rất thấp. Mọi người thường chỉ đi khám khi đã có triệu chứng rõ ràng.

- Tầm soát ung thư máu có thể cho ra kết quả dương tính ảo, làm bệnh nhân lo lắng và hoang mang. Bệnh nhân có thể phải làm lại từ đầu các bước xét nghiệm gây tốn thời gian, chi phí và sức khỏe. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể phải "điều trị oan". Do vậy, điều quan trọng là mọi người hiểu rõ tình trạng của bản thân, đi khám và tầm soát tại những cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị đầy đủ và hiện đại.

Tuy rằng tầm soát ung thư máu có nhiều nhược điểm đi song song với các lợi ích. Nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trong của nó. Vì vậy, tất cả mọi người nên chủ động đi tầm soát ung thư máu định kỳ hoặc theo hẹn của bác sĩ. Hãy đến ngay bệnh viện để thăm khám và tầm soát nếu như cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường. 


Tác giả: Mai Nhung