Ai nên tầm soát ung thư lưỡi sớm và thường xuyên?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Ai nên tầm soát ung thư lưỡi sớm và thường xuyên?
Việc phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi ung thư lưỡi càng có hy vọng. Vậy những người nào nên tầm soát ung thư lưỡi?

Ung thư lưỡi là một bệnh lý ác tính rất nguy hiểm, thường gặp nhất trong các ung thư khoang miệng. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, và dễ bị bỏ sót. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 263.900 bệnh nhân ung thư lưỡi mới mắc và có đến 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 ghi nhận 10.530 ca mắc mới và 1900 bệnh nhân tử vong do ung thư lưỡi (Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ). Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư lưỡi ngày càng gia tăng.

Nhiều người thấy thế tâm lý càng sợ , chần chừ không điều trị, tuy nhiên cần nhớ là ung thư lưỡi không bao giờ khỏi được nếu không điều trị dứt điểm. Chính vì vậy việc cần làm đó là đến sớm với các cơ sở y tế chuyên khoa để được tầm soát ung thư lưỡi, phát hiện sớm, điều trị dứt điểm và càng đến sớm thì kết quả điều trị càng cao.

1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi

Hiện nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của ung thư lưỡi là gì. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là nguy cơ của ung thư lưỡi:

- Hút thuốc lá.

- Uống nhiều bia rượu.

- Nhai trầu.

- Vệ sinh răng miệng kém.

- Dinh dưỡng: Thiếu các vitamin A, D, E; thiếu sắt;...

- Vi sinh vật: vi khuẩn có thể trực tiếp tác động làm thay đổi gen hoặc gián tiếp gây viêm, dẫn đến việc phát sinh ung thư lưỡi. Virus HPV được cho là yếu tố nguy cơ của ung thư lưỡi.

Chỉ từ những nguyên nhân trên, phần nào có thể xác định được những người nào có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao cần tầm soát ung thư lưỡi sớm.

2. Những đối tượng nào nên tầm soát ung thư lưỡi sớm?

Tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về định kì tầm soát ung thư lưỡi. Đối với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, thời gian tầm soát ung thư lưỡi thường là 6 tháng đến 1 năm.

Một số những người có nguy cơ cao nên tầm soát ung thư lưỡi sớm bao gồm:

- Nam, nữ trên 55 tuổi.

- Người nghiện thuốc lá, rượu bia. Có khoảng 70 – 80% bệnh nhân bị mắc ung thư lưỡi đều là những người nghiện bia rượu. Vì rượu có khả năng kích thích các gene gây ung thư và gây ra nhiều bệnh ác tính khác nên nếu những người hút thuốc lá thấy xuất hiện những đốm trắng trên lưỡi thì có thể là triệu chứng của loại bệnh này.

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư khoang miệng.

- Mắc một số hội chứng di truyền.

- Nhiễm virus HPV…

- Tiếp xúc với tia xạ: những người tiếp xúc với các tia bức xạ cường độ cao cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư khoang miệng và lưỡi cao hơn so với người bình thường.

Đây là những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh và nên đi tầm soát ung thư lưỡi sớm để có phương án phòng và điều trị bệnh thích hợp.

3. Phòng ngừa bệnh ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi có thể được phòng tránh nhờ vào việc giữ gìn vệ sinh răng miệng. Việc bỏ các thói quen xấu như: bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, bỏ thói quen nhai trầu,... cũng góp phần giảm nguy cơ ung thư lưỡi.

Khi có những dấu hiệu bệnh, nếu sau 3 tuần điều trị không khỏi cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.


Tác giả: Thúy Nga