Ai nên dùng thuốc bổ sung sắt?

Ai nên dùng thuốc bổ sung sắt?
Việc thiếu sắt gây ra nhiều vấn đề cho cơ thể, do vậy việc sử dụng thêm thuốc bổ sung sắt là điều cần thiết, đặc biệt là ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao.

Sắt là một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe con người. Tất cả các tế bào trong cơ thể đều chứa một số chất sắt, nhưng hầu hết chúng nằm trong các tế bào hồng cầu. Những tế bào hồng cầu này đảm nhận vai trò vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và mô trên khắp cơ thể.

Bên cạnh đó, sắt còn có vai trò tạo năng lượng từ các chất dinh dưỡng. Nó cũng góp phần vào việc truyền các xung thần kinh dưới dạng các tín hiệu để phối hợp các hành động của các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Nếu bạn có nhiều hàm lượng sắt hơn mức cần thiết, nó sẽ được lưu trữ để sử dụng trong tương lai.

Thông thường chế độ ăn hàng ngày đã cung cấp đủ lượng sắt. Tuy nhiên có một số trường hợp nhất định cần sử dụng thuốc bổ sung sắt để cung cấp đầy đủ nhu cầu của cơ thể.

Những đối tượng nên sử dụng thuốc bổ sung sắt

1. Những người bị bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi không có đủ chất sắt trong các tế bào hồng cầu của bạn. Khi không có đủ hàm lượng sắt trong cơ thể, các tế bào hồng cầu của bạn không thể cung cấp oxy cho các tế bào và các mô một cách hiệu quả.

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu bao gồm:

- Cơ thể mệt mỏi.

- Cảm thấy yếu đuối, không có sức.

- Chóng mặt.

- Khó tập trung.

Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất. Ngoài ra bệnh còn có thể do xuất huyết tiêu hóa bởi sử dụng thuốc như asprin và ibuprofen kéo dài, mất máu do chấn thương...

2. Phụ nữ mang thai

Phụ nữ nếu không mang thai hoặc cho con bú cần uống 15 đến 18 miligam sắt mỗi ngày. Tuy nhiên phụ nữ đang mang thai cần nhiều hàm lượng chất sắt hơn. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), mức sắt được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai là 27 miligam mỗi ngày.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không được tự ý bổ sung gấp đôi lượng sắt sử dụng hàng ngày thông qua uống thuốc bổ sung sắt. Điều này có thể khiến bạn bị ngộ độc sắt và có thể làm tổn thương em bé. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt cho cơ thể.

3. Trẻ em sơ sinh

Hàm lượng chất sắt có trong trẻ sơ sinh là lượng chất sắt dư thừa từ mẹ trong khi mang thai. Lượng sắt này được sử dụng trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Chính vì vậy việc bổ sung sắt cho trẻ sau 6 tháng đầu là thực sự cần thiết.

Hầu hết các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên sử dụng một các loại thuốc bổ sung sắt nếu bạn cho bé bú bình. Ngoài ra với những trẻ sinh non không có đủ thời gian để tích trữ đủ lượng sắt cũng có thể được bổ sung sắt.

Hãy nhớ rằng luôn luôn kiểm tra với bác sĩ nhi khoa trước khi bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh.

4. Nữ giới sau thời kỳ kinh nguyệt

Khi kinh nguyệt xảy ra sẽ khiến cạn kiệt hàm lượng sắt có trong cơ thể. Đây là lý do tại sao phụ nữ có tỷ lệ thiếu máu cao hơn nam giới. Ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học cho thấy rằng dân tộc cũng là một yếu tố nguy cơ gây thiếu máu, thiếu sắt.

Người ta chứng minh được rằng phụ nữ Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico có tỷ lệ thiếu sắt cao hơn so với phụ nữ da trắng. Phụ nữ sau thời kỳ kinh nguyệt mỗi tháng thường rơi vào tình trạng thiếu máu, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc bổ sung sắt,

5. Vận động viên thể thao

Theo ý kiến của các chuyên gia, các vận động viên nữ là một trong những đối tượng có nguy cơ bị thiếu sắt.Tuy nhiên lý do chính xác hiện vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các vận động viên có thể cần nhiều tế bào hồng cầu hơn để vận chuyển oxy, từ đó họ có thể tiếp tục tập thể dục, thể thao.

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng liên quan đến thiếu sắt, hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc bổ sung sắt có thể dùng.

6. Những người thường xuyên bị mất máu

Những người bị mất máu quá nhiều thường cần thêm chất sắt. Những người hiến máu thường xuyên và những người bị xuất huyết tiêu hóa cũng là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân của xuất huyết tiêu hóa có thể được gây ra bởi thuốc hoặc các tình trạng như viêm loét và ung thư. Ngoài ra cần lưu ý rằng nếu bạn luôn thiếu sắt thì không nên hiến máu thường xuyên.

7. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Rất nhiều người đang lọc máu bằng phương pháp chạy thận nhân tạo cần sử dụng thuốc bổ sung sắt. Điều này là do thận có trách nhiệm làm cho erythropoietin, một hormone kích thích sản xuất hồng cầu. Nếu thận không hoạt động tốt, thiếu máu thường là tác dụng phụ.

Bạn có thể mất một lượng máu nhỏ trong quá trình lọc máu và chế độ ăn khi lọc máu cũng thường hạn chế lượng sắt. Ngoài ra, mộtt số loại thuốc mà những người đang chạy thận sử dụng có thể gây thiếu sắt hoặc ngăn chặn khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc để bổ sung sắt cho cho chính mình.

8. Những người đang dùng thuốc làm suy giảm chất sắt

Một số loại thuốc có thể cản trở khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể bạn. Các loại thuốc có thể làm suy giảm chất sắt bao gồm:

- Quinolones, một họ kháng sinh bao gồm ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin (Levaquin).

- Tetracycline (Panmycin),  ranitidine (Zantac) và omeprazole (Prilosec) được dùng cho loét, ợ nóng và các vấn đề dạ dày khác.

- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) cho bệnh nhân huyết áp cao.

- Colestipol (Colestid) và cholestyramine (Prevalite) để giảm cholesterol.

Nếu bạn lo lắng về một trong những loại thuốc của mình có thể gây thiếu sắt, hãy đến gặp bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bổ sung sắt cần được sự đồng ý của bác sĩ.

9. Bệnh nhân ADHD

Một nghiên cứu năm 2014 được công bố cho thấy rằng thiếu sắt ngày càng liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Sau khi nghiên cứu nồng độ sắt, ferritin, vitamin Dmagiêcanxi và phospho trong máu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em bị ADHD có hàm lượng sắt và ferritin thấp hơn. Chính vì vậy, bệnh nhân ADHD là một trong những đối tượng cần sử dụng thuốc bổ sung sắt.

10. Những người có sử dụng thuốc ức chế men chuyển 

Các bác sĩ thường kê toa thuốc ức chế men chuyển để điều trị một số bệnh, bao gồm:

- Bệnh tim.

- Huyết áp cao.

- Tiểu đường type II.

- Bệnh thận nhẹ.

Thuốc ức chế men chuyển thậm chí có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận ở những người mắc bệnh tiểu đường type II. Ho khan là tác dụng phụ phổ biến của thuốc. Theo một nghiên cứu y khoa đã được công bố, những người dùng thuốc bổ sung 200 miligam sắt sulfate mỗi ngày, ít nhất hai giờ sau khi uống thuốc ức chế men chuyển ít bị ho hơn những người không dùng.

Điều này là do các nhà nghiên cứu phát hiện dùng sắt làm tăng lượng oxit nitric trong máu. Chính oxit nitric giúp giảm ho do thuốc ức chế men chuyển.

Một số lưu ý khi dùng thuốc bổ sung sắt:

- Hầu hết mọi người chỉ cần dùng thuốc bổ sung sắt dưới dạng viên nang. Tuy nhiên một số người có nồng độ sắt rất thấp có thể cần đến tiêm tĩnh mạch.

- Tốt nhất, bạn nên bổ sung sắt khi bụng đói vì thức ăn có thể làm giảm lượng chất sắt mà cơ thể bạn hấp thụ. Uống bổ sung sắt với thực phẩm hoặc đồ uống có vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn.

- Hãy chắc chắn chỉ dùng đúng liều lượng khuyến cáo của sắt. Quá nhiều có thể gây độc, đặc biệt là cho trẻ em. Và hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn để tìm hiểu trước khi bổ sung sắt.

Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/10-reasons-iron-supplements#the-takeaway


Tác giả: Anh Dũng