Ai là những người dễ mắc bệnh viêm bàng quang?

Ai là những người dễ mắc bệnh viêm bàng quang?
Ở phụ nữ dễ gặp bệnh viêm bàng quang nếu sinh hoạt tình dục với cường độ cao, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo, do âm hộ, niệu đạo bị tổn thương. Tuy nhiên, thiếu nữ và phụ nữ chưa quan hệ tình dục cũng dễ bị viêm nhiễm đường tiết niệu do vệ sinh chưa đúng cách.

Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm khuẩn ở bàng quang, đây là bệnh lý thường gặp ở người, đặc biệt là ở nữ giới. 

Hiện tượng viêm bàng quang được nhận biết qua những cơn đau, mót tiểu, đi tiểu rắt, đau buốt khi tiểu, có thể lan đến thận, gây viêm thận, đường tiết niệu. Viêm bàng quang nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng về đường tiết niệu, thậm chí ung thư bàng quang. 

1. Ai dễ bị viêm bàng quang?

Viêm bàng quang nói riêng và nhiễm khuẩn tiết niệu nói chung chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo.

Thông thường, hệ tiết niệu có cấu trúc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Nước tiểu có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Tuy nhiên nếu cơ thể có hệ miễn dịch kém, sức đề kháng hoặc niệu đạo bị tổn thương thì cơ hội vi khuẩn càng dễ dàng tấn công vào bàng quang, gây ra viêm nhiễm, đau buốt. 

Ở phụ nữ dễ gặp bệnh viêm bàng quang nếu sinh hoạt tình dục với cường độ cao, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo, do âm hộ, niệu đạo bị tổn thương. 

Ai là những người dễ mắc bệnh viêm bàng quang? - Ảnh 2.

Ở phụ nữ dễ gặp bệnh viêm bàng quang nếu sinh hoạt tình dục với cường độ cao. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, thiếu nữ và phụ nữ chưa quan hệ tình dục cũng dễ bị viêm nhiễm đường tiết niệu do vệ sinh chưa đúng cách, vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo cũng có thể gây viêm bàng quang. 

2. Dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang

90% trường hợp viêm bàng quang là do vi khuẩn E.coli, đây là vi khuẩn thường thấy ở trực tràng. Viêm bàng quang dễ gặp ở nữ giới do cấu trúc bộ phận sinh học đặc thù, niệu đạo ngắn hơn, vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. Đối với phụ nữ mang thai thì sự thay đổi nội tiết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bàng quang. Các bệnh gây cản trở dòng nước tiểu như: u xơ tuyến tiền liệt, sỏi thận, sỏi niệu quản, bàng quang, niệu đạo, đặt ống thông bàng quang… đều dễ bị viêm bàng quang. Người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân đái tháo đường, cảm cúm, viêm gan do virut… đều tăng nguy cơ bị viêm bàng quang.

Phòng bệnh viêm bàng quang bằng các thói quen sinh hoạt là một cách phòng tránh hiệu quả. Việc uống đủ nước mỗi ngày giúp thận và bàng quang được đào thải các chất độc trong cơ thể. Sử dụng các loại nước lợi tiểu như nước ép rau má, râu ngô, rễ cỏ tranh...kháng khuẩn hiệu quả. 

Ai là những người dễ mắc bệnh viêm bàng quang? - Ảnh 3.

Người bị viêm bàng quang thường cảm thấy khó chịu đau tức vùng bụng. (Ảnh: Internet)

Người bị viêm bàng quang thường có những triệu chứng điển hình như sau:

- Rất mót tiểu hay có người mô tả là mót tiểu dữ dội và dai dẳng, đây là triệu chứng khiến bạn khó chịu và lo lắng nhiều. 

- Nóng rát khi đi tiểu, có khi tiểu ra máu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi. Đặc biệt là trường hợp đi tiểu ra máu rất nguy hiểm, đây có thể là triệu chứng cảnh báo sớm của bệnh Ung thư bàng quang hoặc sỏi thận, viêm thận...

- Luôn luôn có cảm giác căng tức vùng bụng dưới. 

- Nhiều trường hợp sốt nhẹ, chán ăn, mất ngủ. Khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán vi khuẩn. 

Viêm bàng quang mặc dù là bệnh lý thường gặp tuy nhiên những biến chứng do căn bệnh này gây ra lại nguy hiểm đến tính mạng. Có thể kể đến các biến chứng của bệnh viêm bàng quang như sau:

- Nhiễm khuẩn thận, viêm đài bể thận

- Tổn thương thận vĩnh viễn

- Ung thư bàng quang, suy thận

3. Điều trị, chăm sóc viêm bàng quang ra sao?

Khi thấy những triệu chứng của bệnh viêm bàng quang, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng. Nếu nghi ngờ viêm bàng quang, bạn cần đi khám để có phương hướng điều trị hợp lý, không tự ý mua thuốc tránh gây các hậu quả nghiêm trọng, khó điều trị về sau. 

Việc chữa bệnh chủ yếu là dùng kháng sinh diệt vi khuẩn. Tuy nhiên dùng loại kháng sinh nào, thời gian bao lâu là tùy thuộc kết quả xét nghiệm phát hiện loại vi khuẩn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những thuốc hay được dùng nhất để điều trị viêm bàng quang là: amocillin, ciprofloxacin, nitrofurantoin, sulfamethoxazole và trimethoprim. Bình thường, các triệu chứng biến mất trong 1-2 ngày dùng kháng sinh. Tuy nhiên, bạn không nên ngưng sử dụng sau khi các triệu chứng biến mất, dùng kháng sinh trong 7 ngày để tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn. 

Ai là những người dễ mắc bệnh viêm bàng quang? - Ảnh 4.

Khuẩn E.Coli có thể kháng được thuốc kháng sinh. (Ảnh: Internet)

 Trường hợp bị nặng có thể phải điều trị từ 15-20 ngày. Bạn cần đi khám chuyên khoa để kiểm tra những bất thường trong hệ tiết niệu. Một số nghiên cứu chỉ ra, chủng E. Coli có thể kháng thuốc, do vậy việc sử dụng kháng sinh chưa chắc đã tiêu diệt được vi khuẩn này. Cho nên thuốc dùng cho bệnh nhân viêm bàng quang trong bệnh viện có thể khác thuốc dùng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Người bệnh hãy yên tâm tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.

Ngoài sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên tự chăm sóc bằng cách giảm sự khó chịu cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Đau tức vùng bụng có thể được hạn chế bằng cách chườm nóng vùng bụng, uống nước để đào thải vi khuẩn ra bên ngoài. Ngoài ra, việc ăn uống lành mạnh như: hạn chế sử dụng các đồ uống có chất kích thích như cà phê, nước chè, rượu bia, gây áp lực cho bàng quang. Tránh sử dụng các loại thức ăn cay nóng vì nó có thể kích thích bàng quang, gây cảm giác khó chịu hơn. 

Tác giả: Thanh Thanh