Ai cũng có thể mắc bệnh sỏi thận bởi đây là bệnh lý đường tiết niệu khá phổ biến. Mặc dù ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tuy nhiên ở một số nhóm người, nguy cơ này lại cao hơn một chút. Nhận biết những đối tượng có nguy cơ cao mắc sỏi thận sẽ giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này một cách tối đa nhất.
Sỏi thận là các tinh thể rắn được hình thành do sự lắng đọng từ các chất có thể hòa tan trong nước tiểu. Những viên sỏi thận này có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm. Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân gây ra và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang hay niệu đạo của nam giới.
Sỏi thận là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là nam giới từ 40 tuổi trở lên. Các yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ bệnh sỏi thận. Chế độ ăn uống, sinh hoạt góp phần khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là tỉ lệ mắc bệnh sỏi thận của người da trắng cao hơn người gốc châu Phi và khả năng tái phát lại cũng rất cao.
Các chuyên gia cho rằng đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận và những người thường xuyên mắc phải những thói quen này thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
- Tiền sử gia đình đã bị sỏi thận: Bạn có nguy cơ cao mắc sỏi thận hơn những người bình thường nếu trong gia đình đã từng có người bị sỏi thận.
- Uống ít nước (< 1200ml/ngày): Những người uống ít nước có nguy cơ cao mắc sỏi thận hơn người bình thường. Chính vì vậy, uống nhiều nước là cách tốt nhất để ngăn ngừa sỏi thận. Khi bạn không uống đủ lượng nước cần thiết, lượng nước tiểu của bạn sẽ giảm xuống và không đủ khả năng hòa tan các muối có trong nước tiểu do đó tạo điều kiện gây nên sỏi thận.
Ngoài nước lọc, bạn có thể uống nước cam hoặc nước chanh, nước dừa để đào thải cặn bã và bổ sung một số vitamin, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể uống nhiều hơn 8 ly nước mỗi ngày hoặc ít hơn tùy thuộc vào mức độ tập luyện và tình trạng đổ mồ hôi của bạn. Để biết mình có uống đủ nước hay không, hãy quan sát màu sắc nước tiểu. Màu vàng nhạt cho thấy bạn đã uống đủ lượng nước cần thiết. Ngược lại, nếu nước tiểu của bạn có màu vàng sẫm, bạn cần uống nhiều nước hơn.
- Người ăn quá nhiều muối hoặc đường: Ăn quá nhiều muối hoặc đường sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Khi có quá nhiều muối trong nước tiểu sẽ ngăn không cho calci được tái hấp thu từ nước tiểu vào máu. Điều này làm cho lượng canxi trong nước tiểu tăng cao và dẫn đến hình thành sỏi thận. Ngoài ra muối và đường cũng không tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều, chúng có thể làm ảnh hưởng đến dạ dày, gan, hay các bệnh lý béo phì, tiểu đường nếu dùng quá liều lượng.
Tốt nhất hãy cho ít muối vào khẩu phần ăn của mình để tránh bị sỏi thận cũng như các bệnh tim mạch khác.
- Người mắc bệnh hoặc phẫu thuật dạ dày chẳng hạn như viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể làm thay đổi quá trình tiêu hóa từ đó ảnh hưởng khả năng hấp thụ canxi và nước.
- Mắc một số bệnh lý như nhiễm toan ống thận, cường cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Dùng thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống co giật và thuốc kháng acid.
- Người ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, chẳng hạn như khoai tây chiên và bánh quy thực phẩm đóng hộp thực phẩm có chứa mononatri glutamate, thực phẩm có chứa natri nitrat, thực phẩm có chứa sodium bicarbonate (baking soda)...
Đặc biệt những người làm trong các ngành nghề lao động nặng nhọc như thợ luyện kim, công nhân xây dựng, thủy thủ, người làm việc trí óc căng thẳng như bác sĩ, nhân viên văn phòng có nguy cơ cao mắc sỏi thận hơn những nhóm ngành nghề khác.
Mặc dù không có phương pháp phòng tránh bệnh tật một cách tối đa, với bệnh sỏi thận cũng vậy. Đặc biệt nguy cơ mắc bệnh của bạn là 50% nếu như bạn có tiền sử gia đình đã từng mắc sỏi thận. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh sỏi thận bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, cũng như một số loại thuốc...