Ai là người có nguy cơ cao bị thoái hoá cột sống?

Ai là người có nguy cơ cao bị thoái hoá cột sống?
Thoái hoá cột sống là căn bệnh phổ biến. Đối tượng bị thoái hóa cột sống không chỉ là người lớn tuổi, bệnh đang dần có xu hướng “trẻ hoá”.

Thoái hoá cột sống là căn bệnh phổ biến, gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống người bệnh. Đối tượng mắc bệnh không chỉ là người lớn tuổi, bệnh đang dần có xu hướng "trẻ hoá". Hãy cùng xem những đối tượng nào sau đây có nguy cơ cao bị thoái hoá cột sống nhé.

1. Người cao tuổi bị thoái hóa cột sống

Được xem là căn bệnh của tuổi già, sau tuổi 50 các dấu hiệu của thoái hoá cột sống ngày càng biểu hiện rõ rệt hơn. Có đến 85% người cao tuổi bị thoái hóa cột sống. Lúc này, xương, khớp và các nhóm cơ không còn giữ được cấu tạo và chức năng bình thường vốn có. Tốc độ lão hoá được đẩy nhanh hơn khi tuổi càng cao, gây ra tình trạng đau nhức kéo dài.

Là căn bệnh không thể tránh khỏi, tuy nhiên người bị thoái hóa cột sống có thể hạn chế sự phát triển của bệnh. Bổ sung canxi, magie và vitamin trong khẩu phần ăn, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý sẽ giúp kiểm soát và hạn chế biểu hiện thoái hóa cột sống ở tuổi già.

2. Người làm việc nặng nhọc, nhân viên văn phòng

Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ bị thoái hoá cột sống sớm do đặc thù công việc. Ở nhóm đối tượng này, thoái hoá cột sống thường không được phát hiện và điều trị sớm do người bệnh chủ quan, thiếu hiểu biết. Bệnh cũng có xu hướng nặng thêm do bệnh nhân đang ở giai đoạn lao động, thiếu thời gian nghỉ ngơi.

Người làm việc nặng nhọc, đặc biệt là các công việc khuân vác thường bị thoái hóa cột sống ở độ tuổi 30. Vật nặng tiếp xúc, tạo áp lực lên vùng cổ, vai, gáy và phần thắt lưng, từ đó gây ra tình trạng tổn thương, làm gia tăng tốc độ lão hoá của cột sống. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến phức tạp, làm hạn chế khả năng vận động.

Công việc văn phòng tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng cũng là lý do khiến tỷ lệ người bị thoái hoá cột sống sớm tăng cao. Người làm việc văn phòng thường ít vận động, di chuyển, giữ tư thế cố định trong thời gian dài. Việc hạn chế trong vận động khiến tình trạng tê cứng cổ và lưng xảy ra thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, việc ngồi không đúng tư thế, lưng cong và gập người về phía trước cũng gây tổn thương cột sống.

Những người thuộc nhóm đối tượng này nên có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kì để dễ phát hiện mình có bị thoái hoá cột sống hay không. Những bài tập nhẹ nhàng trong thời gian giải lao cũng là cách giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

3. Người chịu yếu tố di truyền, bẩm sinh, người mang các di chứng của chấn thương

Cấu trúc xương được hình thành nhờ yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh xương khớp, thì khả năng cao các thế hệ sau cũng có nguy cơ bị thoái hóa cột sống sớm hơn.

Người bẩm sinh có các dị dạng về xương khớp cũng là đối tượng đáng lưu ý. Chính những dị dạng này khiến vùng xương khớp tại đó dễ tổn thương và chịu áp lực nhiều hơn, từ đó cũng dễ bị thoái hóa cột sống hơn.

Các chấn thương liên quan đến xương khớp không được điều trị dứt điểm có khả năng để lại di chứng. Đặc biệt là các chấn thương ở vùng nhạy cảm như vai, gáy, cổ và lưng. Các di chứng này cũng là nguyên nhân khiến người bệnh có nguy cơ bị thoái hóa cột sống nặng hơn.

Những người thuộc nhóm này nên tránh các lao động nặng, tạo áp lực lên vùng xương bị tổn thương. Kiểm tra sức khoẻ xương khớp thường xuyên và tránh lạm dụng thuốc giảm đau khi chưa được bác sĩ chỉ định.

Thoái hoá cột sống là căn bệnh phổ biến, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh chủ động. Người bị thoái hóa cột sống có thể kiểm soát bệnh tình nếu nắm rõ các thông tin liên quan. Hãy quan tâm đến sức khoẻ xương khớp ngay từ bây giờ để thoái hoá cột sống không còn là nỗi lo.




Tác giả: Thùy Dung