Ai là đối tượng dễ bị loãng xương?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ai là đối tượng dễ bị loãng xương?
Người hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu (thậm chí là cà phê) là một trong những đối tượng dễ bị loãng xương. Nguyên nhân là vì các chất kích thích này sẽ thúc đẩy việc thải canxi qua đường thận, làm giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa.

1. Thực trạng bệnh loãng xương ở Việt Nam

Theo một khảo sát của Viện Dinh Dưỡng, tại Việt Nam, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Uớc tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Đáng nói hơn, hiện nay bệnh loãng xương không chỉ gặp ở người cao tuổi mà ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ từ 30 tuổi.  

Chế độ dinh dưỡng và khẩu phần ăn của người Việt hiện chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế loãng xương. Lượng canxi đưa vào cơ thể trung bình là 524mg/ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu trung bình 800 - 1.000mg đối với mỗi người lớn một ngày.

2. Những đối tượng dễ bị loãng xương

2.1. Phụ nữ trước và sau mãn kinh 

Phụ nữ sinh nở nhiều lần và nuôi con bằng sữa mẹ nhưng thường ăn uống không đủ chất, nhất là protid và canxi để bù đắp lại. Bên cạnh đó, quá trình mất xương ở nữ giới cũng diễn ra nhanh hơn so với nam giới, nhất là giai đoạn trước và sau mãn kinh.

Đặc biệt, thời kỳ mãn kinh sẽ khiến phụ nữ có nguy cơ mất xương nhiều nhất. Nguyên do là lúc này, cơ thể giảm sản xuất estrogen mạnh, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp canxi. Phụ nữ mãn kinh sớm hoặc từng cắt bỏ buồng trứng càng có khả năng bị loãng xương.

2.2. Có tiền sử gia đình bị loãng xương

Theo các bác sĩ, yếu tố di truyền chiếm trên 60% là nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương. Cha mẹ bị gãy xương do loãng xương thì nguy cơ con cái bị loãng xương là rất cao. Do đó, nếu bạn thuộc đối tượng dễ bị loãng xương thì nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

2.3. Thể trạng kém phát triển, ít hoạt động thể chất 

Những người thấp bé, thiếu cân hoặc còi xương, suy dinh dưỡng từ nhỏ, chế độ ăn thiếu protid, canxi, vitamin D là đối tượng dễ bị loãng xương. Tương tự với những người ít hoạt động thể dục hoặc nằm bất động lâu do bệnh tật.

Để khắc phục tình trạng này, việc tập thể dục điều độ sẽ giúp kích thích sự tạo xương. Vận động dưới nắng sớm cũng giúp cơ thể tiếp nhận vitamin D có tác dụng tăng hấp thụ canxi. 

2.4. Lạm dụng một số loại thuốc

Sử dụng các loại thuốc kháng viêm, chống động kinh, chữa bệnh tiểu đường… lâu ngày sẽ gây ức chế quá trình tạo xương. Bên cạnh đó, chúng làm giảm hấp thu canxi ở ruột, tăng bài tiết canxi ở thận, từ đó làm tăng quá trình phá hủy xương.

2.5. Mắc các bệnh về nội tiết, suy thận

Người mắc các bệnh nội tiết như cường tuyến cận giáp, cường tuyến giáp, cường tuyến vỏ thượng thận hoặc bị suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất nhiều canxi qua đường tiết niệu là đối tượng dễ bị loãng xương.

Ngoài ra, người mắc các bệnh xương khớp mãn tính cũng có nguy cơ loãng xương.

2.6. Hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu 

Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu (thậm chí là cà phê) sẽ thúc đẩy việc thải canxi qua đường thận, làm giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa. Chính vì vậy, những người hút thuốc và lạm dụng chất kích thích cũng là đối tượng dễ bị loãng xương.

3. Thói quen tốt giúp phòng bệnh loãng xương

Để phòng bệnh loãng xương, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Lưu ý là không chỉ phòng ngừa loãng xương lúc đã cao tuổi mà cần cung cấp đủ canxi cho cơ thể ngay từ khi còn nhỏ, trong mọi lứa tuổi. Đặc biệt, nên tăng cường canxi trong những giai đoạn quan trọng như trẻ em đang phát triển, phụ nữ mang thai và cho con bú.

- Nên ăn đa dạng, đầy đủ các nhóm chất tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. 

- Chú trọng các thực phẩm giàu canxi như cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nhỏ nguyên vỏ, cua đồng, đậu nành, sữa và các chế phẩm từ sữa. 

- Nên uống sữa hằng ngày vì sữa rất giàu canxi, vitamin D cùng nhiều khoáng chất khác với tỷ lệ cân đối dễ hấp thu.

- Từ sau tuổi 30 hoặc nếu là một trong các đối tượng dễ bị loãng xương nêu trên, bạn có thể uống bổ sung canxi để giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên, nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thành phần canxi từ thiên nhiên sẽ dễ hấp thu hơn và tránh nguy cơ canxi bị lắng đọng trong động mạch gây cản trở lưu thông dòng máu.

- Tăng cường hoạt động thể lực, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời... 

- Thay đổi các thói quen không lành mạnh như uống nhiều cà phê, trà đặc, bia, rượu, hút thuốc lá… 

- Kiểm soát tốt các bệnh lý và dùng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định bác sĩ. 


Tác giả: An Di