Mặc dù trên thực tế, trong phần lớn các trường hợp bệnh Rubella đều lành tính và có thể khỏi mà không gây nên hậu quả gì cho người mắc. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp có các biến chứng của bệnh Rubella xảy ra khi bị mắc bệnh.
Vì vậy, xác định được các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc những biến chứng do bệnh Rubella là rất cần thiết để có kế hoạch theo dõi và điều trị bệnh nhân thích hợp hơn, tránh bỏ sót các biến chứng.
Khi mắc Rubella, dưới sự tấn công của virus và sự đáp ứng lại của các cơ chế miễn dịch trong cơ thể, các biến chứng của bệnh có thể xảy ra ở nhiều hệ cơ quan khác nhau dưới nhiều cơ chế khác nhau. Trong đó, những biến chứng thường gặp có thể kể đến như:
- Viêm khớp: Viêm khớp là biến chứng phổ biến nhất khi mắc bệnh Rubella. Tình trạng viêm khớp thường bắt đầu xuất hiện và kéo dài trong khoảng thời gian từ 2-30 ngày kể từ khi phát ban ngoài da. Các khớp viêm thường có biểu hiện đau nhức, đôi khi có thể sưng đỏ, hạn chế hoạt động của bệnh nhân,...
Vị trí thường gặp viêm khớp do biến chứng của bệnh Rubella nhất bao gồm khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân,...
- Viêm màng não - viêm não: Là một biến chứng của bệnh Rubella trên hệ thần kinh trung ương khiến màng não, nhu mô não bị viêm. Đây là một biến chứng nguy hiểm, dễ để lại nhiều hậu quả lâu dài do các tổn thương tại não, thậm chí là đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được can thiệp và điều trị đúng.
Các dấu hiệu điển hình khi mắc viêm màng não - viêm não do biến chứng của bệnh Rubella kể đến như rối loạn tri giác, sợ ánh sáng, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, các dấu hiệu màng não dương tính,...
- Giảm tiểu cầu: Giảm tiểu cầu do biến chứng của bệnh Rubella xảy ra chủ yếu liên quan đến yếu tố miễn dịch của cơ thể. Giảm tiểu cầu quá mức có thể khiến tình trạng xuất huyết xảy ra, các mức độ xuất huyết có thể thay đổi nhiều từ nhẹ với xuất huyết dưới da, cho đến các mức nặng hơn như xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não,...
- Dị tật thai nhi: Dị tật thai nhi là một biến chứng của bệnh Rubella rất nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài cho thai nhi sau khi sinh. Các biểu hiện thường thấy trong hội chứng Rubella bẩm sinh do mẹ bị mắc bệnh Rubella trong thời kỳ mang thai bao gồm sinh non nhẹ cân, dị tật tim, đục nhân mắt, đục giác mạc, chậm phát triển trí tuệ,...
Tìm hiểu thêm các thông tin về Dị tật thai nhi TẠI ĐÂY.
Ngoài ra, một số các biến chứng của bệnh Rubella khác cũng có thể gặp bao gồm viêm gan nhẹ, viêm tinh hoàn, viêm phổi,...
Chính bởi sự nguy hiểm và ảnh hưởng lâu dài của các biến chứng Rubella, vì thế cần thiết xác định được các nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc biến chứng bệnh cao hơn, điều này có lợi cho quá trình theo dõi và tầm soát để phát hiện, điều trị sớm các biến chứng nếu chúng có xảy ra.
- Trẻ em: Theo các thống kê cho thấy, trẻ em dễ bị mắc biến chứng của bệnh Rubella cao hơn hẳn so với người lớn. Điều này có thể liên quan nhiều đến hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện hoàn toàn của trẻ. Những biến chứng của bệnh Rubella hay gặp ở trẻ em bao gồm xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm màng não - viêm não,...
- Phụ nữ: Khi mắc bệnh Rubella, phụ nữ sẽ dễ bị các biến chứng của bệnh hơn là các bệnh nhân nam giới. Người thấy rằng, nữ giới có khả năng bị mắc biến chứng viêm khớp do bệnh Rubella cao gấp 4-5 lần so với nam giới. Bên cạnh đó, xuất huyết giảm tiểu cầu do biến chứng của bệnh Rubella cũng dễ xảy ra ở nữ giới hơn nam giới và ở trẻ gái nhiều hơn ở trẻ nam.
- Phụ nữ mang thai quý đầu thai kỳ: Virus Rubella có khả năng qua nhau thai đến xâm nhập thai nhi. Do trong giai đoạn quý đầu của thai kỳ (trước tuần 13) là giai đoạn lên quan nhiều đến sự biệt hóa các cơ quan và tổ chức của thai nhi, do đó sự xâm nhập và tấn công của virus Rubella dễ dẫn đến các rối loạn đối với quá trình này, hậu quả là tình trạng dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Vì thế bà bầu tiêm phòng trước khi mang thai để phòng tránh các bệnh có thể gây dị tật thai nhi là rất quan trọng. Bạn nên biết về Các mũi tiêm nên tiêm trước khi mang thai.
Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh trước tuần 13 của thai kỳ, có đến 70% các trường hợp thai nhi sẽ bị nhiễm virus Rubella và trong đó có đến 25% các trường hợp sẽ bị dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc Rubella bẩm sinh giảm nhanh xuống còn 17% khi mắc Rubella vào tuần thứ 13-18 của thai kỳ, và không còn nguy cơ dị tật thai nhi gần như không còn sau khi mắc bệnh Rubella sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Trên đây là một số các biến chứng của bệnh Rubella có thể gặp và những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc phải. Vì vậy, cần đặc biệt thận trọng trong quá trình điều trị bệnh Rubella cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng của bệnh Rubella để có thể phát hiện và xử trí kịp thời, tránh để lại các ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe bệnh nhân.
Nguồn dịch tham khảo: https://emedicine.medscape.com/article/968523-followup#e5