Biến chứng của cảm lạnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Biến chứng của cảm lạnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản
Cảm lạnh là một bệnh thông thường, có thể tự khỏi mà không sự điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh cảm lạnh lại chủ quan, coi thường sức khỏe dẫn đến các biến chứng của bệnh cảm lạnh rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Cảm lạnh là căn bệnh đơn giản nhưng biến chứng của bệnh rất khó lường và có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trẻ em, người già là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất. Các biến chứng của bệnh cảm lạnh thường gặp là: viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản, và rất nhiều bệnh về đường hô hấp khác. Đưới đây là một số bệnh điển hình.

1. Viêm phổi

Biến chứng này đặc biệt nghiêm trọng và có thể dẫn tới tử vong nếu bệnh chuyển nặng. trẻ em và người già là những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ có các triệu chứng phổ biến như ho, sốt, cảm lạnh, run chân tay. Nếu bạn có những dấu hiệu bệnh dưới đây, hãy nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời:

- Cảm thấy ớn lạnh và đổ mồ hôi thường xuyên.  

-  Khó thở, thở dốc và nặng nề.

-  Cảm giác đau thắt ngực gây khó chịu.

-  Sốt cao trên 39 độ C, sốt liên tục không giảm.

- Ho dữ dội, ho có đờm và đờm có màu xanh, vàng.

Bệnh nhân mắc viêm phổi nên điều trị bằng thuốc kháng sinh để dứt điểm bệnh. Những người hút thuốc lá nhiều, người có bệnh tim mạch, bệnh phổi từ trước thường rất dễ mắc các biến chứng của bệnh cảm lạnh. Đây là những đối tượng cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe khi mắc bệnh cảm lạnh và kiểm soát tốt sức khỏe của bản thân.

2. Viêm tiểu phế quản

Đây cũng là một biến chứng của bệnh cảm lạnh. Bệnh là tình trạng viêm của những đường dẫn khí nhỏ trong phổi (hay còn gọi là tiểu phế quản). Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi do trẻ có sức đề kháng rất yếu.

Triệu chứng bệnh tương tự như cảm lạnh trong một vài ngày đầu. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng như sổ mũi, ngạt mũi, và đặc biệt là sốt. Tuy nhiên, triệu chứng điển hình của bệnh là thở khò khè, tim đập nhanh và bị khó thở. Ngoài ra, bệnh viêm tiểu phế quản còn có các triệu chứng điển hình sau đây:

-  Thở nhanh, nông, nhịp thở thường là 40 nhịp/phút.

- Da tím tái, xanh xao quanh môi, mũi và da móng tay.

-  Khó thở khi đứng thẳng, chỉ khi ngồi mới thở được.

-  Tiếng thở khò khè, nghe rõ tiếng thở.

Đối với các trẻ khỏe mạnh, các bé thường khỏi bệnh chỉ sau 1 – 3 tuần điều trị. Bệnh rất dễ xảy ra ở những trẻ đẻ non hoặc những người bị bệnh mãn tính.

3. Viêm phế quản

Viêm phế quản là biến chứng của bệnh cảm lạnh do sự kích thích quá mức các mảng nhầy của phế quản trong phổi.

Triệu chứng của bệnh thường là ho có đờm, đau tức ngực, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh. Một số triệu chứng điển hình của bệnh này là:

-  Ho kéo dài hơn 3 tuần

-  Ho làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn

-  Ho và sốt trên 38 độ

-  Ho đi kèm với khò khè, khó thở

- Ho ra máu

Để điều trị bệnh, các biện pháp thường được áp dụng là nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước cho cơ thể, dùng máy làm ẩm không khí và uống thuốc kháng sinh để trị bệnh.

Nếu viêm phế quản không được điều trị và chuyển thành bệnh mãn tính, các triệu chứng của bệnh sẽ nặng hơn và bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

4. Viêm thanh khí phế quản

Viêm thanh khí phế quản là tình trạng được đặc trưng bởi những cơn ho liên tục, thường được miêu tả là ho như chó sủa. Những triệu chứng khác bao gồm sốt và khàn giọng.

Viêm thanh khí phế quản thường được điều trị tại nhà. Nhưng nếu trẻ có các triệu chứng sau, bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sỹ nhi khoa:

-  Âm thanh khi hít thở vào to và cao

-  Khó nuốt hoặc chảy nước dãi quá mức

-  Khó thở

- Dễ cáu gắt

-  Sốt từ 39.7 độ trở lên

-  Da xanh hoặc xám quanh vùng mũi, miệng, móng tay

Cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động thể chất của bạn do các triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi, ho, khó thở gây ra và nhiều biến chứng của bệnh cảm lạnh rất nguy hiểm. Nếu các triệu chứng trên ảnh hưởng quá lớn đến bạn, hãy trao đổi với bác sỹ để được điều trị.


Tác giả: Quỳnh Anh