Ai cần nội soi đường tiêu hóa? Quy trình thực hiện như thế nào?

Ai cần nội soi đường tiêu hóa? Quy trình thực hiện như thế nào?
Nội soi đường tiêu hóa là phương pháp tầm soát, phát hiện chính xác các tổn thương xảy ra trong ống tiêu hóa mà các phương pháp chẩn đoán khác khó có thể phát hiện được cụ thể. Nội soi đường tiêu hóa bao gồm nội soi thông thường và nội soi gây mê.

Nội soi đường tiêu hóa là tên gọi chung cho các phương pháp nội soi dạ dày - thực quản – tá tràng – đại tràng – trực tràng.

Đây là phương pháp hiện đại nhất giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương tiêu hóa một cách chính xác và có thể giúp phát hiện các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, ung thư tá tràng,… Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh.

1. Ai cần nội soi đường tiêu hóa

Nội soi đường tiêu hóa trên như thực quản, dạ dày, tá tràng thường áp dụng cho bệnh nhân bị đau vùng ngực hoặc thượng vị, ói, ợ hơi, cảm giác khó tiêu… Phương pháp nội soi đường tiêu hóa dưới như trực tràng, đại tràng được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng của bệnh lý u đại tràng, viêm đại tràng, trĩ, dò hậu môn...

Ngoài ra, phương pháp nội soi đường tiêu hóa còn đường dùng để tầm soát liệu bệnh nhân bị viêm, loét hoặc có ung thư hay không. Ngay cả khi chẩn đoán bệnh rõ ràng như viêm, loét, u, polyp … cũng cần được nội soi lấy các mẫu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc để xét nghiệm mô bệnh học. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các trường hợp nghi ngờ có vi khuẩn HP hay tế bào ung thư.

2. Quy trình thực hiện nội soi tiêu hóa

Quy trình thực hiện phương pháp nội soi đường tiêu hóa được tiến hành ở phòng soi với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng. Cách thức thực hiện như sau:

2.1. Nội soi thông thường

Trước khi thực hiện nội soi đường tiêu hóa theo phương pháp thông thường, bệnh nhân sẽ được xịt thuốc tê vào sâu trong miệng để làm bớt khó chịu khi đưa ống soi vào. Bệnh nhân sẽ được nội soi ở tư thế nằm nghiêng bên trái hoặc ngồi ngả ra sau. Ống nội soi được đưa vào thực quản qua đường mũi hoặc đường họng.

Quá trình này có thể gây cho bệnh nhân cảm giác đau, khó chịu, muốn ho hay sặc, buồn nôn hoặc nặng hơn là nghẹn thở. Tuy nhiên những cảm giác này chỉ thoáng qua và sẽ mất ngay nếu cố gắng hít sâu, thở chậm để giảm buồn nôn.

Tiếp đó ống nội soi được đưa qua thực quản xuống với dạ dày. Một camera nhỏ được gắn vào đầu thiết bị nội soi giúp truyền hình ảnh tới màn hình video trong phòng. Bác sĩ sẽ theo dõi để tìm những ra những bất thường trong đường tiêu hóa từ đó chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

2.2. Nội soi gây mê

Với phương pháp này, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân sẽ được gây mê. Thuốc gây mê sẽ được đưa qua tĩnh mạch với liều lượng phù hợp với từng người. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi giống như quy trình nội soi thông thường, tuy nhiên do người bệnh đã được gây mê nên hoàn toàn không có cảm giác đau đớn hay khó chịu.

Sau khi kết thúc nội soi đường tiêu hóa gây mê, bệnh nhân có thể vẫn chưa tỉnh táo do tác dụng của thuốc vì vậy cần ở lại bệnh viện để theo dõi khoảng 1 giờ sau đó. Kết thúc nội soi đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng nhẹ như:

- Sưng phù và nóng rát họng.

- Đau họng.

- Co thắt, đau bụng nếu nội soi đại tràng

Những triệu chứng trên sẽ giảm dần trong ngày tuy nhiên nếu dấu hiệu đau bụng ngày càng dữ dội, căng chướng hoặc đi tiểu ra máu thì bệnh nhân cần nhanh chóng tái khám để được xử kịp thời.

3. Nội soi tiêu hóa mất bao lâu?

Bình thường, toàn bộ quy trình nội soi sẽ diễn ra trong khoảng 10 – 15 phút. Tuy nhiên đối với một số trường hợp, việc thực hiện nội soi đường tiêu hóa có thể lâu hơn nếu bác sĩ cần phải lấy mẫu tế bào để xét nghiệm HP và chẩn đoán ung thư.

Việc thực hiện sinh thiết trong quá trinh nội soi đường tiêu hóa sẽ không gây đau đớn và không gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với nội soi can thiệp thì thời gian nội soi không xác định bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.


Tác giả: Anh Dũng