9 thay đổi giúp giảm nhẹ cơn đau lưng dưới lan xuống hông đơn giản tại nhà

9 thay đổi giúp giảm nhẹ cơn đau lưng dưới lan xuống hông đơn giản tại nhà
Đau lưng dưới lan xuống hông thường xảy ra cùng nhau do nhiều nguyên nhân, bao gồm chấn thương, căng cơ, thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp và các vấn đề về cột sống khác.

Cảm giác đau lưng dưới lan xuống hông có thể đi kèm với:

- Cảm giác đau ở một bên cơ thể

- Đau háng ở bên bị ảnh hưởng

- Cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động

- Đau khi đi bộ

- Khó ngủ, đặc biệt vào ban đêm hoặc khiến một người tỉnh dậy do cơn đau ập đến và gặp khó khăn trong việc ngủ trở lại

- Đau cơ và yếu cơ

- Cơn đau lan xuống chân

- Đau tăng lên khi cúi người hoặc khi ngồi

- Tê hoặc yếu ở chân hoặc bàn chân.

1. Nguyên nhân gây ra cơn đau lưng dưới lan xuống hông

Mặc dù đau hông có thể xảy ra cùng với đau lưng nhưng đôi khi đau lưng có thể bị nhầm lẫn với đau hông và ngược lại. Điều này là do khớp hông nằm gần cột sống thắt lưng (phần dưới của cột sống) và chấn thương ở hông có thể gây đau lưng. Đau lưng cũng có thể ảnh hưởng đến khớp hông và xương chậu.

Theo Very Well Health, đau lưng dưới và đau hông có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng bao gồm:

- Bong gân và căng cơ: Đau lưng cấp tính thường do bong gân hoặc căng cơ. Bong gân lưng xảy ra khi dây chằng bị căng quá mức hoặc bị rách. Căng cơ lưng là do căng và rách các cơ và gân.

- Chèn ép dây thần kinh: Các triệu chứng bao gồm tê, châm chích như kim châm, đau nhức hoặc đau lan ra từ các khu vực bị chèn ép.

9 thay đổi giúp giảm đau lưng dưới và hông đơn giản tại nhà - Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau lưng dưới lan xuống hông (Ảnh: Internet)

- Đau thần kinh tọa: Đau dây thần kinh xảy ra khi dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc bị kích thích. Bạn có hai dây thần kinh tọa, một ở mỗi bên cơ thể, chạy qua mỗi hông, mông và xuống chân. Ngoài đau chân lan tỏa, đau thần kinh tọa còn gây tê hoặc ngứa ran ở lưng hoặc mông. Các triệu chứng đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến lưng dưới, hông, mông, chân và bàn chân.

Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi một trong các đĩa đệm giữa các xương nhỏ của cột sống (đốt sống) bị trượt ra khỏi vị trí. Đĩa đệm có thể gây áp lực lên các dây thần kinh gần đó và gây ra cảm giác ngứa ran và đau rát ở vùng lưng dưới. Cơn đau có thể lan xuống hông và chân và gây ra các triệu chứng đau thần kinh tọa.

Rối loạn chức năng khớp cùng chậu (SI): Mọi người có thể cảm thấy đau lưng và hông khi cử động ở khu vực này bị hạn chế hoặc khi họ gắng sức quá mức. Các triệu chứng của rối loạn chức năng khớp SI bao gồm lưng dưới cứng, đau nhức và cơn đau trầm trọng hơn khi hoạt động.

Viêm khớp: Các loại viêm khớp khác nhau có thể dẫn đến đau lưng và đau hông. Ví dụ, viêm khớp hông có thể dẫn đến đau và cứng khớp hông, trong khi viêm khớp cột sống gây viêm các khớp mặt của cột sống hoặc khớp SI. Viêm xương khớp ở lưng có thể dẫn đến đau lưng và hông khi sụn bảo vệ cột sống bị tổn thương. Khi mất đi lớp đệm này, các xương sẽ cọ xát vào nhau và gây căng thẳng lên các dây thần kinh ở lưng dưới và hông.

Một số loại viêm khớp cũng gây đau lưng và hông, bao gồm viêm khớp dạng thấp , viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến,...

- Hẹp ống sống thắt lưng: Tình trạng này xảy ra khi ống sống ở vùng lưng dưới bị thu hẹp. Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi do những thay đổi thoái hóa. Các triệu chứng bao gồm đau hông và lưng, đau chân và chuột rút, tê và yếu ở chân.

9 thay đổi giúp giảm đau lưng dưới và hông đơn giản tại nhà - Ảnh 3.

Tùy từng nguyên nhân mà điều trị đau lưng dưới lan xuống hông cũng có sự khác biệt (Ảnh: Internet)

- Bệnh Paget: Rối loạn xương hiếm gặp này ảnh hưởng đến xương. Nó cản trở việc tạo ra mô xương mới và khiến xương mềm đi. Những người mắc bệnh này có nguy cơ cao bị đau xương và gãy xương. Bệnh Paget thường ảnh hưởng đến hông, lưng dưới và xương chậu.

- Rối loạn chức năng sàn chậu: Hội chứng đau ở xương chậu, lưng dưới, bộ phận sinh dục và trực tràng có thể phát triển khi các cơ này không co bóp hoặc thư giãn như bình thường. Một người cũng có thể gặp khó khăn khi đi đại tiện và đi tiểu.

- Các bệnh phụ khoa: Đau bụng kinh, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,.. có thể gây đau ở vùng chậu hoặc lưng dưới.

2. Cách giảm đau lưng dưới lan xuống hông

Nhìn chung, cơn đau lưng dưới lan xuống hông thường là tạm thời và hầu hết mọi người sẽ hồi phục trong vài tuần hoặc vài tháng. 

2.1. Tự chăm sóc tại nhà

Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhẹ cơn đau, bao gồm:

- Giữ cho lưng dưới và hông được nghỉ ngơi

- Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng lưng dưới và hông bị đau

- Dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen

- Tiếp tục vận động nhiều nhất có thể để giữ cho cơ bắp và khớp được linh hoạt, không bị cứng lại

- Tránh các hoạt động gây căng thẳng thêm cho cơn đau lưng dưới lan xuống hông, đặc biệt là các hoạt động mang vác vật nặng khi cơn đau đang xảy ra

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, có chế đọ ăn hợp lý, thúc đẩy sự phát triển của xương

9 thay đổi giúp giảm đau lưng dưới và hông đơn giản tại nhà - Ảnh 4.

Hạn chế mang vác nặng khi cơn đau đang diễn ra (Ảnh: Internet)

- Mang giày đế thấp, thoải mái khi hoạt động

- Ngủ nghiêng để giảm áp lực lên cột sống

- Tránh hút thuốc để cải thiện lưu lượng máu đến đốt sống lưng dưới.

2.2. Điều trị y tế

Hầu hết những người bị đau lưng và hông không cần can thiệp y tế nhưng nếu cần giảm đau thêm, bác sĩ có thể chi định người bệnh uống thuốc theo đơn, vật lý trị liệu hoặc các liệu pháp bổ sung thay thế cũng có thể hữu ích. Phẫu thuật được coi là lựa chọn cuối cùng trong điều trị cơn đau lưng và hông.

- Thuốc theo đơn có thể bao gồm: thuốc chống viêm, thuốc bôi tác dụng nhanh, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm để thay đổi phản ứng đau và kiểm soát cơn đau thần kinh, tiêm steroid hoặc corticosteroid đường uống,...

- Vật lý trị liệu có thể được khuyến nghị khi cơn đau lưng và hông kéo dài hơn một vài tuần và bắt đầu cản trở các hoạt động bình thường. Vật lý trị liệu nhằm giảm đau và cải thiện khả năng vận động cũng như chức năng lưng - hông.

- Liệu pháp bổ sung và thay thế như châm cứu, massage, kỹ thuật thư giãn, chỉnh hình,...

- Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng của người bệnh không đáp ứng với các biện pháp kể trên hoặc những người bị chèn ép dây thần kinh dẫn tới yếu cơ, hạn chế trong các hoạt động hàng ngày và có chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.

9 thay đổi giúp giảm đau lưng dưới và hông đơn giản tại nhà - Ảnh 5.

Các bài tập kéo giãn lưng dưới và hông có thể hỗ trợ giúp giảm đau (Ảnh: Internet)

2.3. Kéo giãn lưng dưới và hông giúp giảm đau

Các bài tập kéo giãn được thực hiện đúng cách có thể giúp giảm đau lưng và hông, đồng thời kiểm soát các triệu chứng như cứng và căng. Nhưng tùy thuộc vào từng tình trạng đau mà các động tác kéo giãn sẽ có cường độ tập khác nhau.

Nói chuyện thêm với bác sĩ để được hướng dẫn về các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Các bài giãn cơ có thể tham khảo như: tư thế gối ngang, căng cơ Piriformis, bài tập giãn cơ cat-camel, tư thế yoga em bé, Seated hamstring stretch, bài tập duỗi thẳng cột sống, Glute bridge, Clamshell,...

Khi tập, hãy lắng nghe phản ứng của cơ thể và dừng lại nếu cảm thấy cơn đau tăng lên đồng thời liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.

3. Điều gì khiến cơn đau lưng dưới lan xuống hông trở nên nghiêm trọng hơn?

Để kiểm soát tốt cơn đau lưng dưới lan xuống hông, bạn cần lưu ý tới nguyên nhân khiến cơn đau này trở nên nghiêm trọng hơn, đó có thể là:

- Lối sống ít vận động có thể khiến cơ lưng dưới và hông yếu đi và giảm tính linh hoạt ở những vùng đó

Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể gây căng thẳng cho lưng dưới và hông, dẫn đến đau

Nâng vật nặng và không đúng cách có thể làm căng lưng và hông

Việc lạm dụng lưng dưới và hông cũng như các động tác lặp đi lặp lại có thể dẫn đến đau và sưng tấy

Tư thế xấu, đặc biệt là cúi người xuống, có thể làm căng cơ và dây chằng

Ngồi lâu sẽ gây căng thẳng quá mức cho lưng dưới và hông

- Căng thẳng có thể gây căng cơ và nhạy cảm với cơn đau.

Nếu cơn đau lưng dưới lan xuống hông kéo dài hơn vài tuần và không cải thiện, bạn nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Đặc biệt nếu cơn đau lưng liên tục xảy ra; đau lưng kèm theo tê và ngứa ran ở chân, bàn chân; đau lưng thể lan tỏa từ lưng và cột sống tới các vùng khác bao gồm cả tay và chân; đau nghiêm trọng hơn vào ban đêm có thể là dấu hiệu tổn thương thần kinh; đau nhiều hơn khi ho hoặc hắt hơi; đau lưng và hông kèm theo khó tiểu hoặc tiểu không tự chủ; đau háng hoặc mông; đau lưng hoặc hông có dấu hiệu viêm;...

9 thay đổi giúp giảm đau lưng dưới và hông đơn giản tại nhà - Ảnh 6.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Addressing Lower Back and Hip Pain

2. Why Do I Have Lower Back and Hip Pain?


Tác giả: Allen