9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ

9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ
Ăn rau củ và trái cây là một phần của lối sống lành mạnh. Nhưng liệu ăn rau có gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ không?

Ăn rau củ là một cách bổ sung chất xơ, vi chất dinh dưỡng cùng rất nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một chế độ ăn thêm nhiều rau củ tươi có lợi cho việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nguy cơ bệnh tiểu đường type 2, ổn định cân nặng, cải thiện hệ tiêu hoá,...

Tuy nhiên có một số trường hợp, ăn rau củ không phải là một lựa chọn nên được ưu tiên, đặc biệt là khi ăn quá nhiều - bởi chúng có thể gây ra một số phản ứng sức khỏe hay tăng nặng tình trạng bệnh. Theo Everyday Health, dưới đây là những điều bạn cần chú ý khi ăn rau:

1. Runner's diarrhea - hội chứng tiêu chảy của người chạy bộ

Hiện tượng này được mô tả là việc cơn đau bụng muốn đi đại tiện bất ngờ ập đến khi đang chạy bộ do hệ tiêu hóa vô tình bị kích thích do máu tuần hoàn tới các cơ. Theo đó, ăn rau ngay trước khi chạy có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Mặc dù không nghiêm trọng nhưng nó có thể khiến việc tập luyện hay cuộc thi chạy gặp vấn đề và ảnh hưởng tới kết quả. Các chuyên gia khuyên rằng, tốt nhất bạn không nên ăn rau ít nhất 3 giờ trước khi tập luyện và điều này đặc biệt được lưu ý với người có tiền sử bị tiêu chảy hay đang gặp các vấn đề tại đường tiêu hóa khác.

9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ - Ảnh 2.

Ăn rau giàu chất xơ tốt cho sức khỏe nhưng có những trường hợp không nên ăn nhiều rau (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Tránh ăn gì khi đang bị nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy?

Đau bụng buổi sáng chưa chắc do đói bụng mà là bệnh nguy hiểm này

2. Ăn rau củ đóng hộp hoặc chế biến sẵn có thể làm tăng lượng natri tiêu thụ

Rau đóng hộp, rau chế biến sẵn có thể tiện lợi trong nhiều trường hợp nhưng nhiều loại rau đóng hộp được thêm rất nhiều muối để bảo quản lâu hơn và giữ nguyên hương vị của rau. Điều này có thể khiến người dùng vô tình tiêu thụ nhiều hơn lượng natri được khuyến nghị mỗi ngày.

Rủi ro này sẽ lớn hơn với người đang có các vấn đề tim mạch. CDC khuyến cáo, tiêu thụ quá nhiều natri có thể tăng rủi ro gặp phải các biến cố tim mạch như đột quỵ, đau tim hoặc tăng các kết quả bất lợi như huyết áp cao.

3. Ăn rau chứa tinh bột có thể ảnh hưởng tới người bệnh tiểu đường

Thêm nhiều rau hơn vào chế độ ăn uống hàng ngày được cho là một trong những cách kiểm soát đường huyết tốt hơn ở người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các loại rau chứa tinh bột như khoai tây, ngô, bí đỏ lại không phải là lựa chọn thông minh nếu tiêu thụ quá nhiều do chúng giàu carbohydrate.

Quá nhiều carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, gây bất lợi cho người bệnh. Thay vào đó, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn các loại rau như rau bina, rau cải xoăn, bông cải xanh, súp lơ trắng, cà chua, ớt chuông, dưa chuột và bí xanh - chúng ít tinh bột nhưng lại giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khoẻ.

9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ - Ảnh 3.

Quá nhiều carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, gây bất lợi cho người bệnh tiểu đường (Ảnh: Internet)

4. Có thể gây đầy hơi và chướng bụng

Một số loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng, cải thảo, bắp cải có chứa các hợp chất gọi là glucosinolate có thể giải phóng ra khí lưu huỳnh khi phân hủy trong hệ tiêu hóa dẫn tới cảm giác chướng bụng, đầy hơi và có thể tạo ra các phân tử khí có mùi khó chịu; nhất là khi ăn rau với lượng lớn.

Tuy nhiên, các loại rau này khi chế biến ở nhiệt độ cao có thể kéo theo glucosinolate ra khỏi rau nên các cách chế biến như luộc, hấp đều có thể hữu ích để giảm thiểu tình trạng này. Hoặc bạn cũng có thể chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm lượng khí tạo ra.

5. Một số loại rau có thể gây ợ nóng

Ăn rau có tính axit quá nhiều, có thể kể đến như cà chua sống, có thể là nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng do niêm mạc thực quản bị kích thích.

Thay vào đó, có thể ăn rau như bông cải xanh, măng tây, đậu xanh, cần tây, súp lơ và tất cả đều chứa ít axit giúp tránh chứng ợ nóng ở người có sẵn các vấn đề liên quan tới niêm mạc dạ dày, thực quản hay tiêu hóa dễ bị ợ nóng khác.

9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ - Ảnh 4.

Một số loại rau có thể gây ợ nóng do giàu axit (Ảnh: Internet)

6. Có thể khiến hội chứng ruột kích thích nghiêm trọng hơn

Các loại thực phẩm khác nhau ảnh hưởng đến những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) theo những cách khác nhau. Theo đó những loại rau có thể gây đầy hơi, chướng bụng không phải là lựa chọn nên được ưu tiên nếu bạn bị mắc hội chứng ruột kích thích. Có thể kể đến như bông cải xanh, súp lơ trắng, tỏi, hành tây, bắp cải, cải xoăn, ... bởi nhiều loại trong số đó có hàm lượng oligosaccharides, disaccharides, monosaccharides và polyols lên men (FODMAP) cao. Các thành phần này đều hấp thụ kém ở ruột non và chuyển tiếp vào ruột kết, nơi chúng lên men nhanh chóng, gây đầy hơi và khó chịu ở bụng.

Người mắc hội chứng ruột kích thích nên thay bằng các loại rau củ như rau đay, mồng tơi, giá hẹ, ớt chuông, rau lá xanh khác, cà tím, cà rốt, bí đao, khoai lang,... Nếu muốn ăn các loại rau có hàm lượng FODMAP cao kể trên, cần ăn theo khuyến nghị của bác sĩ.

7. Có thể cung cấp quá nhiều kali cho người mắc bệnh thận

Nhu cầu kali cần thiết mỗi ngày ở người bình thường là 4.700 miligam (mg) kali, được lấy chủ yếu qua nguồn thực phẩm chứa nhiều Kali. Việc bổ sung kali có thể thay đổi ở những người mắc bệnh về thận, cụ thể là ít hơn 4.700 mg/ngày theo chỉ định của bác sĩ.

9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ - Ảnh 5.

Người bệnh thận nên thận trọng khi ăn một số loại rau (Ảnh: Internet)

Nói cách khác, người mắc bệnh thận cần quản lý nghiêm ngặt nồng độ kali tiêu thụ hàng ngày. Điều đó có nghĩa là ăn rau củ chứa nhiều kali như rau lá xanh, măng tây, rau chân vịt, bông cải xanh luộc, dưa chuột tươi, khoai lang, khoai tây, cà tím, nấm, củ cải, củ dền, bí ngô,... không đúng cách có thể khiến các triệu chứng bệnh thận nghiêm trọng hơn bởi suy giảm chức năng thận khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc loại bỏ kali ra ngoài.

Hơn nữa, khi nồng độ kali tích tụ quá cao trong máu có thể gây ra thêm các biến chứng nghiêm trọng khác như nhịp tim không đều, suy nhược cơ thể và thậm chí là đau tim.

8. Có thể khiến nước tiểu đổi màu

Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng nước tiểu đổi màu có thể ảnh hưởng tới các chẩn đoán bệnh tật. Điều này có thể xảy ra khi ăn các loại rau củ như củ dền, củ cải đỏ, cà rốt, đại hoàng,... Những thay đổi này là do sự hiện diện của một số hóa chất và sắc tố trong các loại rau này chẳng hạn như axit asparagusic, betacyanin,...

Nhưng nếu bạn nghi ngờ có điều gì đó không ổn với sức khỏe đường tiết niệu của mình, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe phù hợp.

9. Ảnh hưởng tới các phẫu thuật liên quan tới đường tiêu hoá

Nếu sắp phẫu thuật liên quan tới đường tiêu hoá, bác sĩ có thể đề nghị bạn có chế độ ăn uống tránh xa rau (ít chất xơ) bởi việc áp dụng chế độ ăn ít chất xơ có thể khiến việc phục hồi tại đường tiêu hóa nhanh hơn.

9 tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc ăn rau củ - Ảnh 6.

Chế độ ăn ít chất xơ thường được chỉ định khi chuẩn bị phẫu thuật đường tiêu hóa (Ảnh: Internet)

Điều này được giải thích là do việc hạn chế tiêu thụ chất xơ sẽ giúp giảm gánh nặng lên đường tiêu hoá, bạn sẽ đi đại tiện ít hơn, từ đó giảm các nguy cơ biến chứng tiềm ẩn sau phẫu thuật.

Chế độ ăn ít chất xơ còn có thể được bác sĩ yêu cầu để điều trị các triệu chứng tiêu chảy và đau thắt bụng, trước khi nội soi đại tràng hoặc sau phẫu thuật. Bạn cũng được yêu cầu ăn ít chất xơ nếu bộc phát các vấn đề đường ruột như: Hội chứng ruột kích thích, viêm túi thừa, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, táo bón, các vấn đề về tiêu hóa, đường tiêu hóa bị kích thích hoặc tổn thương, hẹp ruột do khối u, trải qua điều trị phóng xạ hoặc các loại phương pháp khác có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, những tác dụng phụ của việc ăn rau củ này không phải là lý do khiến bạn cắt bỏ chất xơ hoàn toàn trong chế độ ăn, điều quan trọng là lắng nghe cơ thể. Như đã nói, chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Nếu đang gặp phải các tình trạng bệnh phải điều trị hay uống thuốc theo đơn, hãy nói chuyện với bác sĩ về những lưu ý trong chế độ ăn hàng ngày để không ảnh hưởng tới tình trạng bệnh và quá trình phục hồi.

Nguồn dịch tham khảo: 10 Surprising Side Effects of Eating Vegetables


Tác giả: Allen