9 tác dụng của rong biển đối với sức khỏe và những lưu ý cần biết khi ăn

9 tác dụng của rong biển đối với sức khỏe và những lưu ý cần biết khi ăn
Rong biển là một phần không thể thiếu trong các món ăn của Hàn Quốc hay Nhật Bản. Hãy cùng tìm hiểu những tác dụng của rong biển đối với cơ thể và sức khỏe qua bài viết dưới đây.

Rong biển (Seaweed, tên gọi khác là tảo bẹ) thuộc nhóm tảo đa bào, xuất hiện ở cả môi trường nước mặn và nước lợ. Chúng mọc trên bề mặt san hô, các vách đá hoặc dưới các vùng nước sâu và quang hợp nhờ ánh sáng.

Các dấu vết khảo cổ đã chỉ ra rằng rong biển đã được loài người sử dụng ngay từ thời tiền sử. Mặc dù được coi là món ăn đặc trưng của các nước châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản, việc sử dụng rong biển còn được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng trên thế giới.

Tại Việt Nam, bạn có thể tìm thấy rong biển dưới dạng sấy khô, bột, gel, … tại các cửa hàng thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm chuyên dụng.

1. Thành phần dinh dưỡng

Theo USDA, trong 100g rong biển có chứa:

Lượng calo

45

Chất bột đường

10g

Chất đạm

2g

Chất béo

1g

Chất xơ

Đáp ứng 14-35% khẩu phần hàng ngày

Magie

27-180%

Vitamin K

7-80%

Mangan

10-70%

Iốt

1-65%

Muối

10-70%

Canxi

15-60%

Axit folic

45-50%

Kali

1-45%

Sắt

3-20%

Đồng

6-15%

Bên cạnh những thành phần dinh dưỡng trên, rong biển còn chứa các loại axit béo Omega-3 và Omega-6, photpho, vitamin A, B, C, E và choline.

2. Tác dụng của rong biển đối với sức khỏe con người

2.1. Tăng cường chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp trong cơ thể cần hấp thụ đủ lượng iốt hàng ngày để có thể hoạt động hiệu quả. Thiếu iốt sẽ dẫn đến các triệu chứng như thiếu năng lượng, khô da, suy giảm trí nhớ và tăng cân. Rong biển nổi tiếng là loại thực phẩm giàu iot. Ăn một vài khẩu phần rong biển sẽ giúp bạn nạp đủ lượng iot cần thiết cho cả tuần.

Tuy vậy, bạn cũng nên bổ sung iot cho cơ thể từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Lạm dụng rong biển có thể gây phản tác dụng và ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tuyến giáp.

9 tác dụng của rong biển đối với sức khỏe và những lưu ý cần biết khi ăn - Ảnh 2.

Ăn một vài khẩu phần rong biển sẽ giúp bạn nạp đủ lượng iot cần thiết cho cả tuần. (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

11 tác dụng tuyệt vời của ổi đối với sức khỏe

Điểm danh 8 công dụng của đường đối với cơ thể 

2.2. Tốt cho tim mạch

Hàm lượng chất xơ hòa tan và các chuỗi axit béo Omega-3 trong rong biển có khả năng điều hòa huyết áp và ngăn ngừa tình trạng đông máu. Nhiều nghiên cứu trên cả động vật và con người đều chỉ ra nhiều tín hiệu khả quan về tác dụng của rong biển trong việc giảm thiểu cholesterol xấu và chỉ số mỡ máu.

Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng ăn rong biển giúp cải thiện sức khỏe tim mạch cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng.

2.3. Điều hòa đường huyết

Thêm rong biển vào khẩu phần ăn hàng ngày là một cách hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường. Hợp chất chống oxy hóa fucoxanthin cùng các loại chất xơ trong rong biển có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ chất bột đường của cơ thể và cân bằng đường huyết. Sử dụng rong biển dưới dạng bột hoặc chiết xuất rong biển cũng đem lại những lợi ích tương tự.

2.4. Tăng cường sức đề kháng

Rong biển là một trong những loại thực phẩm hiếm hoi không gây dị ứng và kích ứng da. Lượng chất chống oxy hóa cao có sẵn sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống chịu được với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra tác dụng của những hợp chất này trong việc ngăn chặn các loại virus mang những bệnh truyền nhiễm như Herpes hay HIV xâm nhập các tế bào của cơ thể.

2.5. Bảo vệ đường ruột

Hàm lượng chất xơ phong phú trong rong biển vừa có vai trò đảm bảo sức khỏe cho hệ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, vừa là nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong ruột. Khi sử dụng rong biển dưới dạng thực phẩm chức năng, bạn sẽ tiêu diệt và hạn chế được sự sinh sôi nảy nở của các vi sinh vật có hại.

Tác dụng chống viêm và kháng khuẩn của các loại prebiotic có trong rong biển cũng sẽ giúp hạn chế bệnh viêm loét dạ dày, ruột non hay thực quản.

9 tác dụng của rong biển đối với sức khỏe và những lưu ý cần biết khi ăn - Ảnh 3.

Hàm lượng chất xơ phong phú trong rong biển vừa có vai trò đảm bảo sức khỏe cho hệ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. (Ảnh: Internet)

2.6. Giảm thiểu tình trạng thừa cân

Sử dụng các sản phẩm làm từ rong biển một cách khoa học giúp bạn giảm cân và sớm đạt được vóc dáng mong muốn. Hàm lượng chất xơ và hợp chất fucoidan có trong rong biển đều có tác dụng làm giảm các cơn đói, đồng thời đẩy mạnh quá trình đốt mỡ của cơ thể.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng việc thay các món ăn vặt thường ngày bằng rong biển vừa giúp bạn kiểm soát cảm giác thèm ăn trong ngày, vừa đem lại những tín hiệu tích cực về cân nặng trong ngắn hạn.

2.7. Ngăn ngừa bệnh ung thư

Các hợp chất có trong rong biển, đặc biệt là các giống tảo nâu (như tảo bẹ, wakame hay kombu) có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Ở phụ nữ, những dưỡng chất này sẽ giúp điều hòa lượng estrogen trong cơ thể để phòng chống ung thư vú.

Hàm lượng chất xơ hòa tan cao có trong rong biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa chứng ung thư đại tràng.

2.8. Nuôi dưỡng mái tóc

Tại các nước Đông Á, rong biển là thành phần quan trọng trong các sản phẩm chăm sóc tóc. Với hàm lượng collagen và vitamin sẵn có, rong biển mang tác dụng phục hồi, cân bằng độ ẩm, bổ sung chất khoáng và tăng độ dày cho tóc. 

Nếu bạn không thể tìm được các sản phẩm ngoại này ở Việt Nam, thì việc sử dụng rong biển khô trong việc chăm sóc tóc cũng đem lại tác dụng tương tự.

2.9. Giải nhiệt

Trong y học cổ truyền, rong biển được biết đến với đặc tính thanh mát, giải nhiệt và phù hợp cho những bữa ăn ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, mùi vị hơi tanh của loại thực phẩm này là điều mà không phải ai cũng thích.

Tuy nhiên, nấu canh rong biển với thịt, trứng, đậu, tôm, … là một phương thức chế biến phù hợp để vừa loại bỏ được vị tanh khó chịu, và đem lại tác dụng giải nhiệt ngày hè cho gia đình.

Bên cạnh những tác dụng tích cực trên, việc ăn và sử dụng rong biển một cách có khoa học cũng đem lại những lợi ích sức khỏe khác như giảm khả năng mắc hội chứng chuyển hóa, kháng viêm, dưỡng da và chăm sóc xương.

3. Một số lưu ý về tác dụng phụ cũng như đối tượng sử dụng rong biển

3.1. Các tác dụng phụ của rong biển

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng rong biển dưới dạng tươi sống là an toàn với phần lớn mọi người. Tuy vậy, ăn rong biển thường xuyên hoặc quá liều lượng có thể dẫn đến những tác dụng phụ như sau:

  • Một số loại rong biển được thu hoạch những vùng nước có chứa dư lượng kim loại nặng cao (như thủy ngân, cadimi, chì hay asen). Đối với rong biển tươi sống, các cơ quan quản lý thị trường sẽ đưa ra các tiêu chuẩn về dư lượng kim loại nặng để kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, các thực phẩm chức năng làm từ rong biển hoàn toàn có thể chứa những tạp chất gây hại cho sức khỏe này.

  • Hàm lượng muối và kali cao trong một số loại rong biển có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ở các bệnh nhân mắc bệnh thận.

  • Vitamin K có trong rong biển có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của các loại thuốc chống đông máu nếu sử dụng cùng nhau.

  • Lượng iot có chứa trong rong biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hoạt động của tuyến giáp. Tuy nhiên, một số giống rong biển như tảo bẹ, tảo dun hay tảo kombu chứa lượng iot rất cao, có thể gây phản tác dụng và ảnh hưởng xấu tới tuyến giáp.

3.2. Các đối tượng không nên sử dụng rong biển

Với những tác dụng phụ trên, những bệnh nhân gặp phải các vấn đề về thận hay máu và đang sử dụng thuốc cần đặc biệt lưu ý tới liều lượng rong biển mà bản thân sử dụng. Để đảm bảo an toàn, nên kiêng việc ăn rong biển trong thời gian này.

Đối với những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và cho con bú, các bệnh nhân sắp hoặc đang điều trị thuốc, phẫu thuật, …; việc sử dụng rong biển dưới bất kỳ dạng nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ.

Đối với những đối tượng khác, đảm bảo chất lượng rong biển bằng việc lựa chọn kỹ càng và sử dụng một cách khoa học sẽ giúp hạn chế tối đa các tác dụng phụ nói trên.

4. Cách bổ sung rong biển vào các bữa ăn hàng ngày

Đối với việc sử dụng rong biển làm thực phẩm, hiện tại khoa học vẫn chưa chứng minh được đâu là phương pháp chế biến tối ưu nhất. Mặc dù các phương thức nấu và bảo quản thức ăn ngày càng phát triển, việc đảm bảo rằng rong biển vẫn còn đủ chất dinh dưỡng khi ăn vẫn là một thách thức. Để đem lại hiệu quả cao nhất, hãy cố gắng chọn các loại rong biển mới được chế biến để sử dụng trong các bữa ăn gia đình.

9 tác dụng của rong biển đối với sức khỏe và những lưu ý cần biết khi ăn - Ảnh 4.

Canh rong biển là một món ăn đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. (Ảnh: Internet)

Sau đây là một số cách mà bạn có thể thêm rong biển vào các bữa ăn hàng ngày:

  • Sử dụng rong biển khô để cuộn sushi hoặc thay thế cho vỏ bánh tortilla

  • Thêm rong biển tươi vào salad, trộn cùng rong biển khô để thay gia vị và tăng độ giòn

  • Sử dụng rong biển khô làm món ăn vặt trong ngày

  • Xay sinh tố rong biển

  • Nếu không thích hương vị của rong biển tươi sống, bạn có thể thêm chúng vào canh hay các món hầm.

Với những công dụng kể trên, rong biển là một loại thực phẩm xứng đáng có mặt trong khẩu phần ăn của gia đình bạn. Có rất nhiều giống rong biển chứa rất ít calo nhưng lại giàu dinh dưỡng với hàng loạt các chất xơ, chất béo “tốt” cùng những hợp chất có lợi cho sức khỏe khác. Để tận dụng được tối đa tác dụng của rong biển, hãy lưu ý tới quy trình lựa chọn cùng liều lượng sử dụng. Và đừng quên làm cho mình và gia đình những món ăn thật ngon từ loại thực phẩm bổ dưỡng này.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.healthline.com/nutrition/seaweed-healthy-nutritious

2. https://www.healthline.com/nutrition/benefits-of-seaweed

3. https://www.webmd.com/diet/health-benefits-seaweed

4. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323916

Tác giả: Đinh Đức Huy