9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà

9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà
Trước tình trạng người dân đổ xô mua thuốc và các thiết bị y tế dự trữ không cần thiết, nhất là khi không có chỉ định của bác sĩ, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y đã có một số khuyến cáo.

Chia sẻ thông tin trên Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y khuyến cáo, người dân tự ý mua, uống thuốc không theo hướng dẫn khuyến cáo của bác sĩ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe.

BS. Tuấn cũng đưa ra lời khuyên cho người dân khi trở thành F1 hoặc F0 cần dự phòng một số thuốc và trang bị vật tư để đảm bảo cách ly và tự điều trị.

1. 9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà

1. Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…

2. Nhóm các thuốc chữa ho

3. Nhóm các thuốc tiêu chảy

4. Nước súc miệng

5. Cồn sát trùng

6. Các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần)

7. Các loại thuốc xịt mũi

8. Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho

9. Nước uống thông thường, nước bù điện giải.

"Các loại nước này vô cùng quan trọng khi bạn bị sốt và đặc biệt khi nhiễm COVID-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài"- TS.BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng nói thêm: "Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đặc biệt các triệu chứng của COVID-19 lại thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để chúng ta có thể dùng ngay".

9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà - Ảnh 2.

9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà (Ảnh minh họa: Internet)

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cũng lưu ý, người dân cần dự phòng các thiết bị cần thiết để cho việc tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như:

1. Nhiệt kế

2. Máy đo SpO2

3. Que test nhanh 

4. Găng tay y tế

5. Các máy theo dõi bệnh nền

6. Khẩu trang.

Đồng thời, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cũng đưa ra lời khuyên về nhóm các thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị, đó là thuốc:

- Kháng sinh

- Kháng viêm

- Kháng virus.

Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hoá và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khi trở thành F1, F0, mỗi người cần chuẩn bị thêm:

1. Lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu 1 mình)

2. Dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn

3. Giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái

4. Chỗ ở cách ly đảm bảo quy định

5. Số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch. 

2. Phân nhóm thuốc A,B,C theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội trong thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà

Nhóm A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng

- Paracetamol 500mg: Uống một viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt.

- Vitamin tổng hợp: Uống một viên/lần/ngày.

- Vitamin C: Sáng một viên, tối một viên.

9 loại thuốc và 6 thiết bị F0 cần chuẩn bị để cách ly, điều trị tại nhà - Ảnh 3.

Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, trong đó có gói thuốc A, B (Ảnh: CDC TP Hồ Chí Minh)

Nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt

Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 từ 96% trở xuống) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất trước khi chuyển viện:

- Dexamathasone 0,5mg x 12 viên uống một lần, (12 viên tương đương 6mg) hoặc Methylprednisolone 16mg x 1 viên uống.

- Rivaroxaban 10mg x 1 viên uống hoặc Apixaban 2,5mg x 1 viên uống hoặc Dabigatran 220mg x 1 viên uống.

Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý các thuốc trên không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh (viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý gây chảy máu khác).

Nhóm C là thuốc kháng virus

- Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg uống ngày 2 lần: sáng 800mg, chiều 800mg, uống 5 ngày liên tục.

- Hoặc Favipiravir viên 200mg. Ngày đầu 1.600mg/lần x 2 lần/ngày, các ngày sau uống 600mh/lần x 2 lần/ngày, uống từ 7 - 14 ngày.

Thuốc nhóm C không sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai, đang cho con bú.

F0 điều trị tại nhà cũng cần đặc biệt chú ý những dấu hiệu cảnh báo bệnh diễn biến nặng. Nếu có một trong những dấu hiệu này, F0 điều trị tại nhà cần báo ngay với nhân viên y tế.


Tác giả: Châu Anh