9+ công dụng tuyệt vời của lá tía tô đối với sức khỏe

9+ công dụng tuyệt vời của lá tía tô đối với sức khỏe
Là loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người châu Á, tía tô thường được dùng để ăn sống hoặc làm nguyên liệu cho nhiều món ăn. Bên cạnh đó, công dụng của lá tía tô cũng được phổ biến rộng rãi trong những bài thuốc chữa và phòng bệnh theo y học phương Đông.

Tía tô (Perilla, tên khoa học: Perilla frutescens var. crispa) là giống cây thuộc họ Hoa môi, được trồng rộng rãi tại các vùng đất trải dài từ Ấn Độ cho tới Đông Á. Tại Việt Nam, tất cả các bộ phận của cây tía tô (trừ phần rễ) đều có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau. Tía tô được biết đến là một trong những phương thuốc quan trọng của y học phương Đông.

Ở Việt Nam, tía tô thường được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày như rau gia vị hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món ăn. Bên cạnh đó, tía tô còn được dùng để nấu nước uống, tắm hoặc dùng để đắp mặt nạ. Để tìm hiểu thêm về công dụng của lá tía tô, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

1. Thành phần dinh dưỡng

Theo USDA, trong 100g lá tía tô có chứa:

Lượng calo

37

Chất đạm

1g

Chất bột đường

7g

Chất béo

0g

Chất xơ

7g

Đường

0g

Kali

500mg

Natri

15mg

Vitamin C

43%

Canxi

23%

Sắt

9%

2. Công dụng của lá tía tô đối với sức khỏe

Lá tía tô được biết đến như một loại thảo dược đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người:

2.1. Tăng cường hệ miễn dịch

Các hợp chất có trong lá tía tô có công dụng kích thích hoạt động sản sinh ra interferon các tế bào thuộc hệ miễn dịch, giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng của cơ thể khỏi các tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. 

9+ công dụng tuyệt vời của lá tía tô đối với sức khỏe - Ảnh 2.

Lá tía tô là loại thảo dược mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe con người. (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Tác dụng của quả thanh trà đối với sức khỏe

Bảng chỉ số đường huyết của các loại trái cây và thực phẩm

2.2. Chống trầm cảm và cải thiện não bộ

Các chất chống oxy hóa và tinh dầu trong lá tía tô giúp não bộ hoạt động hiệu quả. Các chất này kích thích cơ thể sản sinh ra dopamine (hormone hạnh phúc), hormone này giúp tinh thần phấn chấn, tăng cường trí nhớ và nâng cao hiệu quả hoạt động của não bộ. 

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu của trường Đại học Y Khoa Maryland cũng chỉ ra rằng chất ALA trong tía tô có tác dụng ngăn ngừa và điều trị chứng trầm cảm, giúp nâng cao tinh thần và cải thiện tâm lý một cách rõ rệt. 

2.3. Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch

Các chất chống oxy hóa và tinh dầu có trong lá tía tô đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các loại cholesterol “xấu” (LDL) và tăng cường các loại cholesterol “tốt” (HDL) để nâng cao sức khỏe động mạch. Các chất này cũng hạn chế quy trình oxy hóa cholesterol trong các loại thức ăn hàng ngày mà cơ thể hấp thụ, tránh việc hình thành các mảng bám trong mạch máu. 

Do vậy, bạn có thể thêm lá tía tô vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình để phòng tránh các bệnh về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay ung thư. 

2.4. Tốt cho hệ tiêu hóa

Hàm lượng flavonoid có trong lá tía tô giúp làm giảm các triệu chứng thường gặp sau khi ăn như đầy hơi, buồn nôn. Tinh dầu trong lá tía tô cũng có tác dụng kháng viêm, kích thích tiêu hóa và làm giảm các triệu chứng khó tiêu. 

Axit rosmarinic và acid caffeic có trong lá tía tô (đặc biệt khi sử dụng dưới dạng thuốc) có tác dụng củng cố cơ thắt thực quản dưới để tránh trào ngược dạ dày (đối với thuốc tăng co bóp), hoặc giảm các cơn đau bụng (đối với thuốc chống co thắt).

2.5. Kháng viêm và giảm thiểu các cơn đau khớp

Các axit béo trong lá tía tô mang lại công dụng vô cùng hiệu quả đối với những người bị bệnh xương khớp bởi chúng giúp tăng khả năng “bôi trơn” các khớp và ngăn ngừa các triệu đau nhức xương khớp. 

Sử dụng lá tía tô dưới dạng thực phẩm bổ sung cũng có thể thay thế các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) vốn có nhiều rủi ro và tác dụng phụ.

2.6. Ngăn ngừa ung thư

Các gốc tự do xuất hiện nhiều trong cơ thể có thể dẫn tới hiện tượng mất cân bằng oxy hóa và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư. Các chất chống oxy hóa trong lá tía tô có khả năng tiêu diệt các gốc tự do và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. 

Bổ sung đủ khẩu phần lá tía tô hàng ngày là một cách hữu hiệu để giảm thiểu khả năng mắc ung thư của cơ thể. 

2.7. Giải cảm, cúm, ho, hen suyễn, viêm phế quản

Tía tô có chứa nhiều loại flavonoid như quercetin, luteolin cùng các axit béo có lợi khác. Đây đều là những thành phần có lợi cho hệ hô hấp của cơ thể và giúp cho người bị bệnh dễ hít thở hơn. Sử dụng lá tía tô thường xuyên trong quá trình điều trị, và dung tích phổi sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian ngắn.

2.8. Nâng cao sức khỏe răng miệng

Các nghiên cứu tại Nhật Bản chỉ ra rằng lá tía tô có tác dụng kháng khuẩn và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ăn nhiều lá tía tô sẽ giúp giảm thiểu các hiện tượng như chảy máu chân răng, viêm lợi,...

2.9. Chống viêm và dị ứng

Ăn lá tía tô giúp điều hòa lượng histamine trong cơ thể (ức chế sự kích thích sản sinh histamine khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng), giúp hạn chế các biểu hiện dị ứng như chảy nước mắt, sổ mũi, ngứa và thở dốc. 

2.10. Làm đẹp da

Trong lá tía tô có chứa axit rosmarinic, đây là loại chất giúp chống lại các yếu tố kích ứng da và làm giảm hiện tượng sưng tấy. Tinh dầu tía tô được sử dụng trong lĩnh vực làm đẹp, chúng có tác dụng đặc biệt trong việc kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa vượt trội. 

9+ công dụng tuyệt vời của lá tía tô đối với sức khỏe - Ảnh 3.

Tinh dầu tía tô được sử dụng trong lĩnh vực làm đẹp, chúng có tác dụng đặc biệt trong việc kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa vượt trội. (Ảnh: Internet)

Bổ sung đầy đủ tinh dầu tía tô sẽ giúp cho da trở nên căng mịn, chữa lành các vết mụn hay phát ban, loại bỏ nếp nhăn để làn da trẻ đẹp hơn. 

Bên cạnh đó, bã tía tô xay nhuyễn cũng có tác dụng bảo vệ da khỏi bị cháy nắng. Uống thuốc sắc lá tía tô cũng có tác dụng chống say nắng và giảm nhẹ các triệu chứng say nắng.

3. Tác dụng phụ của lá tía tô

3.1. Tác dụng phụ của lá tía tô

Nhìn chung, việc ăn trực tiếp hoặc sử dụng các sản phẩm làm từ lá tía tô qua đường miệng là tương đối an toàn. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng với liều lượng hợp lý, quá trình sử dụng tía tô có thể kéo dài nhiều tháng mà không đem lại bất cứ tác dụng phụ đáng kể nào.

Khi sử dụng các sản phẩm làm từ lá tía tô trên da (đặc biệt là tinh dầu), dị ứng là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với những người có làn da nhạy cảm. Tùy vào mức độ kích ứng da, các biểu hiện dị ứng có thể khác nhau (thường là phát ban).

Ngoài ra, một số loài động vật tiếp xúc với hoặc ăn phải lá tía tô sẽ dẫn đến hiện tượng phù phổi và suy hô hấp.

3.2. Các đối tượng không nên sử dụng lá tía tô

Với những tác dụng phụ kể trên, có thể thấy lá tía tô là loại thực phẩm tương đối “lành”. Mặc dù vậy, những ai có làn da nhạy cảm vẫn cần phải lưu ý khi sử dụng lá tía tô để tránh những biểu hiện dị ứng không mong muốn. Người bị cảm nóng, nhiều mồ hôi cũng nên thận trọng với lá tía tô.

Đối với những đối tượng đặc biệt như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, bệnh nhân chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật/điều trị thuốc, … nên cẩn trọng và ngừng việc sử dụng lá tía tô để không làm ảnh hưởng đến thể trạng chung. Nếu có sử dụng lá tía tô, phải nghe theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ và chuyên gia y tế.

Trong quá trình sử dụng lá tía tô, nếu có bất kỳ hiện tượng bất thường nào xảy ra với sức khỏe, phải dừng ngay việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo an toàn.

4. Sử dụng lá tía tô trong cuộc sống thường ngày

Như đã nói ở trên, sử dụng lá tía tô trong bữa ăn hàng ngày có lẽ là cách tốt nhất để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Bạn có thể sử dụng tía tô như một loại rau thơm để ăn kèm với cháo, hoặc sử dụng lá tía tô làm thành phần của những món ăn hàng ngày như chả, trứng, canh, …

Bên cạnh đó, bạn còn có thể nấu nước lá tía tô uống trong ngày (cụ thể là trước và sau bữa ăn khoảng 30 phút) thay cho việc uống trà. Nấu nước tắm bằng lá tía tô hoặc đắp mặt nạ lá tía tô cũng là những cách để bạn và gia đình tận dụng được những lợi ích mà lá tía tô mang lại. Nhìn chung, dù có sử dụng lá tía tô dưới hình thức nào đi chăng nữa, chú ý tới liều lượng sử dụng sẽ phát huy được tối đa những công dụng đã nêu trên.  

Hi vọng bạn đã có được những kiến thức bổ ích về công dụng của lá tía tô qua bài viết này, và tìm ra được thêm nhiều cách để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình hiệu quả.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-477/perilla

2. https://www.rxlist.com/perilla/supplements.htm

3. https://www.healthbenefitstimes.com/perilla-2/

>> Những loại trái cây tốt cho người đang bị sốt <<

Tác giả: Đinh Đức Huy