8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng
SKĐS - Hiện nay bệnh tay chân miệng có xu hướng bùng phát và diễn biến khó lường tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nước ta. Ở thể bệnh nhẹ, Đông y có các vị thuốc có tác dụng phòng ngừa bệnh này hiệu quả.

Bệnh tay chân miệng được xác định là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Đa số các ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo Đông y, bệnh tay chân miệng có thể do ngoại cảm phong nhiệt độc xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường miệng, kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến các phủ tạng, đặc biệt là tạng Phế và Tỳ mà sinh bệnh.

Về mặt trị liệu có thể sử dụng một số vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc khu trừ tác nhân gây bệnh…

photo-1687711402260

Rửa tay xà phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế phòng bệnh tay chân miệng.

1. Một số vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng

1.1. Nhân trần

Nhân trần có vị đắng, tính bình, hơi hàn (lạnh), vào kinh Bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa sốt, người nóng, da vàng, tiểu tiện khó khăn, phụ nữ sau khi sinh, các bệnh về gan, mật, mẩn ngứa...

Tây y nghiên cứu dược lý cho thấy nhân trần làm tăng tiết mật, tăng thải độc của gan, kháng khuẩn và chống viêm mạnh. Liều dùng 20-40g/ngày.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 3.

Cây nhần trần (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Nhân trần có tác dụng gì? Dùng để giải nhiệt mùa hè có tốt không?

Ăn gì để diệt tế bào ung thư? Những loại "thần dược" có sẵn trong nhà bếp không nên bỏ qua

1.2. Huyền sâm

Huyền sâm vị đắng, mặn, tính hơi hàn, vào hai kinh Phế và Thận, có tác dụng tư âm giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường, dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yết hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón.

Nghiên cứu dược lý các nhà y học nhận thấy huyền sâm làm tăng sức co bóp cơ tim và làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp nhẹ, kích thích hô hấp, kháng khuẩn, chống viêm, an thần, lợi tiểu. Tây y làm thuốc mạnh tim, giảm sốt, chống viêm nhiễm trong các bệnh viêm họng, viêm amidan, lở loét miệng và mẩn ngứa. .. Liều dùng 6-12g/ngày.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 4.

Hình ảnh cây huyền sâm (Ảnh: Internet)

1.3. Cây cối xay

Cây cối xay vị ngọt tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, dùng để chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi sinh nở, kiết lỵ, tai điếc, mắt có màng mộng...

Nghiên cứu dược lý cho thấy cối xay có tác dụng hạ nhiệt, giảm phù, chống viêm mạnh. Liều dùng 10-16g/ngày.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 5.

Cây cối xay (Ảnh: Internet)

1.4. Thổ phục linh

Thổ phục linh vị ngọt, tính bình, vào hai kinh Can và Vị, có tác dụng tiêu độc, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, lọc máu...

Nghiên cứu dược lý cho thấy thổ phục linh có hoạt tính trị giun, sán lá gan nhỏ, kháng khuẩn , lợi tiểu, chống viêm mạnh và kháng histamin.

Trong lâm sàng, thổ phục linh được dùng để chữa thấp khớp, đau nhức gân xương, ung thũng, tràng nhạc, mụn nhọt , lở ngứa, dị ứng, giang mai, giải độc thủy ngân... Liều dùng 12-32g/ngày.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 6.

Cây thổ phục linh

1.5. Cát căn

Cát căn vị ngọt, cay, tính bình, vào hai kinh Tỳ và Vị, có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát, thoái chẩn, thăng dương, chỉ tả.

Nghiên cứu dược lý cho thấy cát căn có tác dụng tốt trong điều trị bệnh mạch vành, các cơn đau thắt ngực, điếc đột ngột và tăng huyết áp.

Trong lâm sàng, cát căn dùng chữa các bệnh cảm sốt phong nhiệt, cổ gáy cứng đau, sởi mọc không đều, viêm ruột, kiết lỵ kèm theo sốt, khát nước, làm mát cơ thể, giải rượu độc. Liều dùng 8 - 20g/ngày.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 7.

Hình ảnh cây cát căn (Ảnh: Internet)

1.6. Mạch môn

Mạch môn vị ngọt hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, giảm ho, cầm máu, làm mát tim, thanh nhiệt...

Nghiên cứu dược lý cho thấy mạch môn có tác dụng giảm ho, ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn đường hô hấp, hạ đường huyết và chống viêm rõ rệt.

Trong lâm sàng, mạch môn dùng để chữa ho khan, viêm họng, lao phổi cấp, bán cấp và mạn tính; sốt cao, tâm phiền khát nước, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, hen phế quản, làm lợi tiểu, chữa thiếu sữa, điều hòa nhịp tim khỏi hồi hộp, khó ngủ, chữa táo bón, dị ứng, mẩn ngứa, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn thần kinh thực vật. Liều dùng 4- 12g/ngày.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 8.

Hình ảnh mạch môn trị bệnh (Ảnh: Internet)

1.7. Diệp hạ châu

Diệp hạ châu vị đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm, tan ứ, thông huyết mạch, lợi tiểu.

Nghiên cứu dược lý cho thấy diệp hạ châu có hoạt tính bảo vệ gan, chống lại tổn thương tế bào gan, kháng hầu hết các loại vi khuẩn, kháng virus, diệt nấm, lợi tiểu, hạ huyết áp và hạ đường huyết.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 9.

Cây diệp hạ châu (cây chó đẻ) (Ảnh: Internet)

Trong lâm sàng, diệp hạ châu được dùng để chữa đau viêm họng, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, phù thũng, sản hậu ứ huyết đau bụng, tưa lưỡi ở trẻ em, sốt, rối loạn tiêu hóa, chữa các bệnh về gan, mật, các bệnh đường tiết niệu - sinh dục... Dùng ngoài chữa nhọt độc sưng đau, đinh râu, bị thương ứ máu, vết thương chảy máu, chữa vết thương lở loét lâu liền... Liều dùng 20-40g/ngày.

1.8. Cam thảo

Cam thảo có vị ngọt, tính bình, để sống (đồ mềm, sấy khô) có tác dụng giải độc, tả hỏa; nếu tẩm mật sao vàng (Chích cam thảo) lại có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo sống có tác dụng chữa cảm sốt, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, tiêu chảy, tỳ vị hư nhược, kém ăn, thân thể mỏi mệt… Liều dùng 8 - 12g/ngày.

8 vị thuốc trên có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhau có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, giải độc, tiêu viêm, chữa mụn nhọt, lở ngứa, dị ứng, tăng cường hệ miễn dịch , giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng - Ảnh 10.

Cam thảo có vị ngọt, tính bình (Ảnh: Internet)

Cách dùng phối hợp như sau: Nhân trần 10g, huyền sâm 12g, cây cối xay 12g, thổ phục linh 12g, cát căn 12g, mạch môn 10g, diệp hạ châu 8g, cam thảo 8g. Các vị thuốc thái nhỏ +1800 ml nước, đun sôi, nhỏ lửa trong 15-20 phút, bắc ra, để nguội, bỏ bã thuốc, chia uống trong ngày. Uống liền trong 7-10 ngày.

2. Phòng bệnh tay chân miệng

- Thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy.

- Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi.

- Các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ, nên ngâm bằng nước sôi trước khi sử dụng.

- Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

3. Dấu hiệu mắc tay chân miệng cần nhập viện

Trẻ mắc bệnh quấy khóc liên tục kéo dài, đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

Người bệnh sốt cao liên tục không hạ, không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là dấu hiệu mức độ viêm nhiễm nặng trong cơ thể có thể dẫn đến nhiễm độc thần kinh cần đưa đến bệnh viện ngay để được điều trị hiệu quả và kịp thời.


Tác giả: SK