8 thói quen tốt cần duy trì để bảo vệ thận, tăng cường chức năng thận

Tham vấn chuyên môn: -
8 thói quen tốt cần duy trì để bảo vệ thận, tăng cường chức năng thận
Để bảo vệ thận và tăng cường chức năng thận, bạn và gia đình nên duy trì thói quen thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề mà cơ thể đang gặp phải, phát hiện các tổn thương ở thận nhằm điều trị kịp thời.

Thận là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong cơ thể, giúp lọc máu và các chất thải. Thận còn có vai trò quan trọng trong kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể bằng cách sản xuất nước tiểu. Khi chúng ta uống nhiều nước thì lượng nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại.

Do phải hoạt động nhiều nên thận rất dễ bị tổn thương nếu như không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Khi thận có vấn đề, sức khỏe của con người cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới đây là 8 quy tắc vàng để bảo vệ thận, phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm.

1. Hoạt động thể chất, tập thể dục mỗi ngày

Hoạt động thể chất là một cách giúp kéo dài tuổi thọ, giảm huyết áp và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Vận động để bảo vệ thận, tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh phù hợp với thể lực của bạn như chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông...để duy trì sự năng động của cơ thể, đồng thời đào thải các chất độc ra bên ngoài bằng mồ hôi, đường tiểu.

2. Kiểm soát lượng đường trong máu

Khoảng một nửa số người bệnh tiểu đường có diễn biến tổn thương thận, vì vậy việc thường xuyên xét nghiệm kiểm tra chức năng thận là rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Nếu được phát hiện sớm, có thể làm giảm hoặc ngăn chặn tổn thương thận do tiểu đường. Kiểm soát lượng đường trong máu là một cách hiệu quả giúp bảo vệ thận và tránh xa các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, béo phì, ung thư...

3. Kiểm soát và theo dõi huyết áp

Huyết áp cao ngoài việc gây đột quỵ, đau tim thì đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương thận. Chính vì vậy việc theo dõi và kiếm soát huyết áp là một cách tốt để bảo vệ thận và sức khỏe của bạn.

Mức huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Từ 120/80 mmHg đến 129/89 mmHg được coi là tiền tăng huyết áp và lúc này nên điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Từ 140/90 mmHg trở lên, cần đi khám bác sỹ, để được tư vấn, điều trị bệnh và thường xuyên theo dõi huyết áp. Huyết áp cao đặc biệt dễ gây tổn thương thận khi kết hợp với các yếu tố khác như tiểu đường, cholesterol máu cao và bệnh tim mạch.

4. Ăn uống lành mạnh và giữ trọng lượng cơ thể hợp lý

Ăn uống lành mạnh giúp phòng tránh tiểu đường, bệnh tim, bảo vệ thận, bảo vệ đường tiêu hóa...Ngoài ra chế độ ăn thanh đạm, giảm lượng muối và đồ ăn chiên rán cũng sẽ giúp sức khỏe được cải thiện đáng kể.

Các bác sỹ khuyên chỉ nên ăn 5-6 gam muối mỗi ngày (khoảng một thìa cà phê). Để giảm bớt lượng muối ăn vào, hãy cố gắng hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn của nhà hàng và không nêm thêm muối vào thức ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay thế muối bằng các loại gia vị từ tự nhiên.

5. Uống đủ nước hằng ngày

Thiếu nước là nguyên nhân gây ra sỏi thận, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang... Mỗi ngày, cơ thể cần 1,5-2l nước để duy trì hoạt động của cơ thể, đào thải độc tố, giảm nguy cơ phát bệnh thận mãn tính. Tuy nhiên không phải cứ uống càng nhiều càng tốt vì thói quen này có thể gây hại ngược lại cho thận.

Điều quan trọng cần lưu ý rằng lượng nước cần thiết cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm giới tính, tập thể thao, khí hậu, tình trạng sức khỏe, mang thai và cho con bú… Ngoài ra, những người bị sỏi thận nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày để giảm bớt nguy cơ hình thành sỏi mới.

6. Không hút thuốc

Hút thuốc là cách nhanh nhất giết chết bạn. Ngoài ung thư, thuốc lá còn đe dọa nghiêm trọng đến chức năng thận. Hút thuốc làm lưu lượng máu tới thận bị chậm lại. Khi ít máu đến thận sẽ làm giảm khả năng hoạt động của thận. Hút thuốc cũng làm tăng khoảng 50% nguy cơ ung thư thận. Do vậy tránh xa thuốc lá là một cách bảo vệ thận và sức khỏe của bạn.

7. Không sử dụng thuốc tùy ý

Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc bừa bãi mà không thông qua bác sĩ kê đơn. Lạm dụng thuốc có thể khiến gan, thận bị tổn thương. Thuốc chống viêm không steroid hay dùng như ibuprofen có thể gây ra tổn thương thận và bệnh thận nếu uống thường xuyên. Các trường hợp bị đau mạn tính như viêm khớp, đau lưng...nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau không hại gan thận.

Ngoài ra, để bảo vệ thận và tăng cường chức năng thận, bạn và gia đình nên duy trì thói quen thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề mà cơ thể đang gặp phải, phát hiện các tổn thương ở thận nhằm điều trị kịp thời.


Tác giả: TMH